Cẩn trọng trước lời mời gọi xuất khẩu lao động Singapore
- Lừa đảo người đi XKLĐ, chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng
- Không gia hạn giấy phép 3 công ty XKLĐ sang Đài Loan
- Vì sao lao động huyện nghèo chưa mặn mà đi XKLĐ?
Thế nhưng bằng những lời mời chào, quảng cáo mỹ miều, nhiều công ty đang mời gọi lao động sang thị trường này với mức lương hấp dẫn. Nhiều lao động nhẹ dạ cả tin đang phải rơi vào túng quẫn, đã nghèo nay còn nghèo hơn...
Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Công ty Cổ phần dịch vụ quốc tế Việt-Sing chưa có đơn đề nghị Bộ LĐ- TBXH cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Vì vậy, Công ty này không được phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở bất kỳ nước nào, bao gồm cả Singapore theo hình thức ký hợp đồng cung ứng lao động với người lao động.
![]() |
Lao động có nguyện vọng sang làm việc tại Singapore cần tìm hiểu kỹ giấy phép hoạt động của doanh nghiệp tuyển dụng. |
Thế nhưng, thông qua các đầu mối môi giới tại một số địa phương, công ty này đã “vẽ” ra những viễn cảnh về việc làm lương cao, công việc nhàn hạ… để đưa lao động sang Singapore.
Nhiều lao động ở các địa phương như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương… sau khi đã nộp cho công ty này số tiền lên đến cả trăm triệu đồng, người thì vừa đặt chân đến Singapore đã phải về nước, người thì sau nhiều lần hứa hẹn vẫn không được xuất cảnh. Thế nhưng khi tìm đến trụ sở thì công ty này đã giải tán. Hiện nay, nhiều người đang rơi vào cảnh túng quẫn, còng lưng làm việc cũng không đủ trả lãi cho số tiền đã vay để nộp cho công ty này.
Theo khẳng định của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Công ty cổ phần dịch vụ quốc tế Việt-Sing không có chức năng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nên các tranh chấp phát sinh giữa Công ty với người lao động không chịu sự điều chỉnh của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
“Trong trường hợp này, người lao động phải tìm đến cơ quan Công an để được can thiệp hỗ trợ đòi lại các quyền lợi chính đáng. Người lao động có thể gửi đơn tới cơ quan Công an quận/huyện nơi người lao động cư trú hoặc các cơ quan Công an cấp trên để được hỗ trợ giải quyết”, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thị trường Singapore là thị trường khá “khó tính” trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài, vì thế để sang làm việc ở thị trường này, người lao động cần rất nhiều điều kiện.
Người lao động nước ngoài được cấp phép làm việc tại Singapore có thể được cấp một trong 3 loại visa sau: Work Permit (Giấy phép làm việc); S Pass (visa S Pass); E Pass (visa E Pass). Hiện nay, người lao động Việt Nam có thể làm việc tại Singapore dưới hình thức visa S Pass hoặc E Pass. Chính phủ Singapore không cấp visa cho lao động Việt Nam theo hình thức Work Permit.
Để được cấp S Pass hoặc E Pass, người lao động Việt Nam phải được một người sử dụng lao động Singapore đứng ra bảo lãnh làm các thủ tục pháp lý cần thiết, trong đó thủ tục đầu tiên là nộp hồ sơ tại Bộ Nhân lực Singapore để xin Thư đồng ý về mặt nguyên tắc (IPA).
IPA thường có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định (khoảng 2 đến 3 tháng). Trong khoảng thời gian này, người lao động phải nhập cảnh Singapore, sau đó phải hoàn tất các yêu cầu khác theo quy định của Singapore để chính thức được cấp visa S Pass hoặc E Pass. Lao động có thể kiểm tra xem IPA của mình có được cấp không và thời hạn trong bao lâu tại trang web của Bộ Nhân lực Singapore: http://www.mom.gov.sg.
“Theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chỉ các doanh nghiệp được Bộ LĐ- TBXH) cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và có hợp đồng cung ứng lao động cho đối tác nước ngoài đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận, thì mới được phép tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Những lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài nói chung và Singapore nói riêng cần nắm được điều này và chỉ đăng ký đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp đã được Bộ LĐ- TBXH) cấp phép”, ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo.
Cục Quản lý lao động ngoài nước lưu ý người lao động có thể tìm hiểu về danh sách các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).
Ngoài ra, khi có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài, người lao động có thể tìm tới Sở LĐ- TBXH) tỉnh/thành phố nơi người lao động cư trú để được tư vấn hoặc gọi điện thoại tới đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước (04-38249517 máy lẻ 512, 513) để được tư vấn các thông tin cần thiết để từ đó có thể đi làm việc ở nước ngoài với ngành nghề, thị trường phù hợp theo kênh an toàn, hợp pháp.