Vì sao lao động huyện nghèo chưa mặn mà đi XKLĐ?

Thứ Hai, 17/02/2014, 13:26
Được miễn phí toàn bộ chi phí học nghề, học ngoại ngữ, ăn ở, đi lại và giáo dục định hướng, cùng với đó là việc hỗ trợ vay vốn với lãi xuất thấp trước khi đi làm việc ở nước ngoài, thế nhưng sau 3 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020”, mới chỉ có trên 9.000 lao động của 62 huyện nghèo trên cả nước đi làm việc ở nước ngoài trên tổng số 20 nghìn lao động đăng ký.

Điều đáng nói là ở nhiều huyện, tình trạng người dân đã tham gia học chuẩn bị xuất cảnh lại bỏ giữa chừng, gây lãng phí lớn. Nhiều doanh nghiệp XKLĐ tham gia tuyển chọn lao động cũng “tháo chạy”, chủ trương giúp đồng bào thoát nghèo nhờ XKLĐ vì thế mà kém hiệu quả. 

Bỏ xuất cảnh, lỡ cơ hội thoát nghèo

Không chỉ là sự lãng phí về tiền bạc mà là lãng phí cả về thời gian, công sức không chỉ của bản thân người lao động mà là của cả chính quyền, đoàn thể địa phương và các DN lặn lội từ Hà Nội lên ăn trực nằm chờ ở các vùng sâu, vùng xa, thậm chí nhiều nơi còn chưa có điện, để vận động, tuyên truyền người dân tham gia đi làm việc ở nước ngoài. Theo đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đến huyện nghèo Tân Sơn, một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Phú Thọ, càng thấy tiếc cho những sự dang dở.

Giọng đầy tiếc nuối, chị Lường Thị Nguyệt ở thôn Chiềng, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn, từng đăng ký đi XKLĐ theo Quyết định 71 của Chính phủ từ năm 2010, cho biết chị đã được hỗ trợ, học nghề, học 3 tháng tiếng Anh, làm các thủ tục hành chính và đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội để đi làm việc tại Malaysia, chỉ còn chờ lịch xuất cảnh thì đùng một cái anh chồng không đồng ý cho đi.

Cầm tập hồ sơ đi xuất ngoại của con trai mình, bà Hà Thị Vinh, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn, cũng không khỏi tiếc nuối. Gia đình bà mạnh dạn cho con trai mình là Hoàng Ngọc Toại đăng ký và làm thủ tục đi sang Đài Loan làm việc. Để đủ điều kiện xuất cảnh, Toại phải xuống Hà Nội 3 tháng để học nghề, học tiếng. Tuy nhiên, đến phút chót, gia đình bà Vinh đã không thể thực hiện được ước nguyện đổi đời nhờ xuất khẩu lao động vì số tiền 65 triệu đồng vay từ Ngân hàng CSXH, không đủ chi phí. Không ít gia đình ở xã, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ cũng lỡ hẹn cho con đi XKLĐ vì số tiền hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng CSXH không đủ để làm các chi phí xuất cảnh.

Chị Lường Thị Nguyệt ở xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) đã có lịch xuất cảnh mà chồng không cho đi nhưng vẫn mong mỏi sẽ được tham gia đi để thoát nghèo.

Lý giải về tình trạng trên, ông Hà Văn Nam, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Sơn (Phú Thọ), cho hay, khó khăn lớn nhất chính là phong tục tập quán của địa phương, với 83% là người dân tộc thiểu số. Có người còn chưa xuống Hà Nội bao giờ nên có tâm lý ngại đi làm ăn xa. Tuy Ban chỉ đạo XKLĐ các cấp đã tạo mọi điều kiện, phần lớn vẫn còn ỉ lại trông chờ vào chính sách của Nhà nước, chưa muốn vươn ra ngoài để thoát nghèo, làm giàu. Cùng với đó là nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH không đủ để người dân tham gia đi ở các thị trường có thu nhập tốt như Đài Loan, Nhật Bản. Người lao động đăng ký đi học để đi XKLĐ nhưng vẫn nghe ngóng.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Thọ cũng thẳng thắn thừa nhận, có khi mở lớp định hướng tuyên truyền được hơn 100 lao động thì có đến 80-90% bỏ về. Họ bị dao động khi nghe thông tin không chính thống của các công ty XKLĐ không tham gia chương trình. Rõ ràng ở có sự cạnh tranh không lành mạnh của các công ty XKLĐ.

Doanh nghiệp XKLĐ thoái lui

Nhiều chuyến cùng doanh nghiệp XKLĐ về các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa của một số huyện nghèo ở Lào Cai, Phú Thọ, đường núi cheo leo, khó đi, điều kiện ăn ở tạm bợ, tới tận nhà vận động để người dân tập trung ở UBND xã một buổi nghe DN tuyên truyền, tư vấn XKLĐ, đủ để thấy nếu không kiên trì, không sát sao và không có chiến lược, có đơn hàng tốt thì không thể theo đuổi được chương trình. Vì lẽ đó mà lúc khởi điểm của Đề án (năm 2009), theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH có 33 DN đăng ký tham gia với hơn 300 hợp đồng cung ứng lao động, cho đến thời điểm này chỉ còn lại vài DN tiếp tục thực hiện. Nhiều DN có uy tín như Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực LOD có nhiều chuyến lặn lội lên huyện Tân Sơn (Phú Thọ) tuyển về đào tạo 150 lao động, nhưng kết quả cuối cùng chỉ có 3 lao động xuất cảnh. Cứ mỗi lần như thế, nhiệt huyết đến mấy cũng không thể đỡ được chi phí bỏ ra.

Đại tá Nguyễn Ngọc Hoan, Giám đốc Công ty Đào tạo nghề và Xuất nhập khẩu lao động-Bộ Quốc phòng (Gaet) cho biết, trước đây khi tham gia làm XKLĐ huyện nghèo, địa phương phải cung cấp lao động cho DN, nhưng hiện nay thì DN phải về tuyển. Tham gia từ năm 2010 đến nay công ty này cũng chỉ đưa được gần 1.000 lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là thị trường Malaysia. Để có được con số này cũng phải nỗ lực và kiên trì vận động, thuyết phục. Ông Hoan chia sẻ, để lao động các huyện nghèo thay đổi nhận thức, chấp nhận rời quê hương đi làm ăn ở nước ngoài cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương từ tỉnh xuống huyện, xã, thôn, bản.

Cần để người dân mắt thấy tai nghe

Qua tiếp xúc với nhiều gia đình ở huyện nghèo Tân Sơn (Phú Thọ) và Trạm Tấu (Yên Bái), chúng tôi nhận thấy ngoài cản trở về phong tục tập quán và lối sống sinh hoạt tự do, thì một trong những cản trở lớn chính là sự lo lắng, dè chừng vì những thông tin rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài. Thậm chí ở nhiều xã, người dân nhất quyết không chịu đăng ký đi Malaysia vì trước đó có công ty không thuộc diện DN làm huyện nghèo về tuyển đưa lao động đi không đúng theo hợp đồng, phải về nước nhiều, không thoát nghèo mà nhiều gia đình còn lâm cảnh nợ nần.

Với quyết tâm tìm hướng đi mới trong năm 2014, Giám đốc Công ty Gaet cho biết, đầu tháng 3 tới, lãnh đạo và nhân viên của công ty sẽ trực tiếp về nằm vùng tại địa phương, thí điểm đầu tiên ở Lai Châu. Công ty sẽ phối hợp với Ban chỉ đạo XKLĐ của tỉnh, huyện, xã, Ngân hàng Chính sách xã hội để tuyển nguồn lao động cho thị trường Malaysia, khi mức lương của thị trường này hiện đã khá cao và yêu cầu công việc phù hợp với bà con. Cách thức tuyên truyền sẽ khác...

Để người dân ở các huyện nghèo vượt qua những rào cản và tin vào chủ trương XKLĐ để giảm nghèo thì không có cách nào khác phải để họ được thông tin chính thức liên tục, hằng ngày. Phải có sự tham gia của chính quyền, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, là một trong những chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển kinh tế cùng với đó là sự đầu tư nghiêm túc của DN về chất lượng đào tạo và đơn hàng.

Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu (Yên Bái), nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao 66,07%, cho biết để tiếp tục thực hiện đẩy mạnh XKLĐ ở các huyện nghèo cần hoàn thiện lại 2 mảng: thị trường phù hợp với lao động vùng cao và nguồn kinh phí tuyên truyền cần được tăng cường.

Lãnh đạo UBND huyện Tân Sơn (Phú Thọ): Để tiếp tục thực hiện tốt đề nghị Nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí tuyên truyền. DN tuyển lao động cần có thông tin, hình ảnh về lao động làm việc ở nước ngoài để lao động mắt thấy, tai nghe. Đối với các DN làm huyện nghèo cần phải quản lý hỗ trợ, tư vấn pháp lý xử lý rủi ro cho lao động tốt hơn ở nước ngoài.

Số lượng lao động tham gia đề án thấp

Sau 3 năm thực hiện chỉ đạt bình quân khoảng 325 lao động/huyện, 22 lao động/xã. Số lao động thuộc huyện nghèo được đưa đi làm việc ở nước ngoài sau 3 năm triển khai thực hiện bình quân 121 lao động/huyện, 8 lao động/xã, chỉ đạt 30% chỉ tiêu đề án. Tỷ lệ lao động bỏ trong thời gian đào tạo và bỏ xuất cảnh khá cao, trong đó tỉ lệ lao động bỏ trong thời gian đào tạo trung bình là 18%. Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ lao động bỏ học cao như Phú Thọ, Lâm Đồng, Nghệ An, Yên Bái, Ninh Thuận, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai...

Thu Uyên
.
.
.