Biến chứng nguy hiểm bệnh lý tiết niệu nếu không đi khám sớm

Thứ Bảy, 10/08/2019, 16:49
Sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và niệu đạo) là bệnh lý phổ biến, chiếm gần 2/3 tổng số các bệnh lý về tiết niệu. Đây là loại bệnh gây nhiều biến chứng nặng nề như thận ứ nước, nhiễm trùng, ứ mủ, suy thận, thậm chí có thể tử vong và dễ tái phát. Uống ít nước và ăn đồ ăn nhanh là một trong những nguyên nhân gây ra sỏi.

Trong khi đó, các bệnh lý về thận – tiết niệu ở nam giới có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới vô sinh.

Đây là thông tin được PGS.TS Đỗ Trường Thành, Trưởng Khoa phẫu thuật Tiết niệu, BV Việt Đức cho biết tại buổi khám, tư vấn miễn phí sỏi tiết niệu và u tuyến tiền liệt diễn ra ngày 10/8 tại BV Việt Đức.

Bệnh nhân chờ khám miễn phí
Theo PGS.TS Đỗ Trường Thành, mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhân bị bệnh về tiết niêu tới khám, trong đó 40- 50% là bệnh lý sỏi tiết niệu, sỏi bàng quang. Tuy nhiên, ở Việt Nam gần đây, bệnh lý ung thư về tiết niệu, bàng quang, tuyến tiền liệt tăng hơn so với bệnh lý tiết niệu thông thường.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đi tiểu nhiều. Ở đàn ông lớn tuổi là do tiền liệt tuyến, ở phụ nữ là sa bàng quang, ở người trẻ là do viêm tiền liệt tuyến, viêm bàng quang, hẹp niệu đạo. Trung bình mỗi người đi tiểu khoảng 1,5 lít/ngày và mỗi lần khoảng 300ml, một ngày đi tiểu 5 lần là bình thường, nếu đi tới 10 lần là hơi nhiều và 1 tiếng hay 30 phút đi tiểu một lần là quá nhiều, phải đi khám sớm tìm ra nguyên nhân để điều trị.

PGS.TS Đỗ Trường Thành đang xem phim chụp cho bệnh nhân 

Theo PGS Thành, nhiều người nhịn tiểu lâu quá dẫn tới viêm bàng quang mãn tính. Có bệnh nhân đến khám lượng nước tiểu ứ dọng trong bàng quang là 1,5 lít. Có người nước tiểu ứ đọng nhưng do bàng quang giãn to không cảm thấy khó chịu. Với những trường hợp này, theo PGS Thành điều trị được hết tắc nghẽn nhưng để hồi phục lại rất khó.

Theo PGS Thành, uống ít nước và hay ăn đồ ăn nhanh là một trong những nguyên nhân gây ra sỏi.  

Một trong những sai lầm dẫn tới gia tăng bệnh nhân nặng và ung thư bệnh lý tiết niệu là là tự chữa bệnh, khi đến bệnh viện khám thì đã muộn. 

Siêu âm tuyến tiền liệt

Ông N.T.T (65 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội) bị u tuyến tiền liệt, đêm nào cũng phải thức dậy từ 2-4 lần đi tiểu. Trong một lần đi nghỉ dưỡng ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) thấy người ta quảng cáo thuốc nam chữa khỏi u tuyến tiền liệt, ông mua 10 gói về sắc lên uống. Sau khi hết, tới khám tại BV Việt Đức, u của ông không những không hết mà kích thước của nó là 71g.

BS Nguyễn Đức Minh, Khoa Thận Tiết niệu cảnh báo, nhiều bệnh nhân thấy thuốc quảng cáo bổ thận trên tivi là mua về uống. Hoặc tự mua thuốc không cần kê đơn của bác sĩ, uống không đúng liều lượng, bệnh lúc đầu giảm nhưng sau lại tăng. Đặc biệt, nhiều người mất thời gian vào uống thuốc đông y, uống lá cây khoai trắng, trinh nữ hoàng cung để cho sỏi nhỏ lại hoặc “biến mất” u tiền liệt tuyến, nhưng lại cho kết quả ngược.

Người bệnh uống thuốc đông y để chữa sỏi, chữa u tuyến tiền liệt dễ bị ngộ độc, chưa kể đến thuốc đông y có yếu tố nội tiết tố nữ gây ảnh hưởng đến chức năng "đàn ông" ở bệnh nhân nam.

Khám và tư vấn cho bệnh nhân u tiền liệt tuyến

 PGS.TS Nguyễn Trường Thành khuyến cáo, khi thấy dấu hiệu bất thường người bệnh phải đi khám sớm, đến muộn sỏi to điều trị khó khăn và tái phát nhiều hơn. Có nhiều bệnh nhân sỏi thận đến viện muộn không mổ được do nhiều sỏi và phức tạp. “Trường hợp này nếu mổ thì thận nát hết. Vì vậy nam giới trên 40 tuổi nên đi khám định kỳ” - PGS Thành nói.

Ngày 10/8, các chuyên gia về tiết niệu của BV Việt Đức đã khám, tư vấn miễn phí cho 200 bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân có triệu chứng tiểu nhiều lần, tiểu rắt nhưng không đi khám, lần đầu đến viện đã may mắn phát hiện ra bệnh. Nhiều người được bác sĩ cảnh báo đã "hoảng hồn" khi biết hậu quả của việc tự điều trị.   

Trần Hằng
.
.
.