Báo CAND và Ngân hàng NN&PTNT trao quà Tết vì người nghèo tại tỉnh Lào Cai:

Xuân sớm nơi biên cương

Thứ Sáu, 22/01/2016, 10:35
Ngày 21-1, Đoàn công tác của Báo CAND đã trao 100 suất quà trị giá 50 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho 100 hộ nghèo ở xã vùng cao biên giới Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đây đón Tết. 

Chiếc xe chầm chậm đưa Đoàn công tác xã hội từ thiện của Báo CAND vượt qua nhiều đồi dốc quanh co để đến với xã vùng cao biên giới Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Cốc Mỳ có 7km đường biên giới, nhưng đời sống của người dân vẫn còn vô vàn khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới trên 50%.

Từ xa chúng tôi đã bị thu hút bởi những bộ quần áo sặc sỡ của người phụ nữ Mông. Đón chúng tôi là những gương mặt thân thiện của bà con các dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì…Phần lớn họ không nói được tiếng Kinh, khi chúng tôi hỏi chuyện đều chỉ lắc đầu. Một cán bộ xã giải thích: “Những người đứng tuổi đều không biết tiếng Kinh đâu, chỉ có người trẻ thôi”. 

Đứa con nhỏ hơn 1 tuổi ngủ yên sau lưng mẹ, thỉnh thoảng cái đầu nó lại nghoẹo sang một bên khiến chị Vàng Thị Tỉnh phải liên tục xốc lại chiếc địu. Chị Tỉnh năm nay 28 tuổi nhưng đã có 3 con, vất vả khiến người phụ nữ trông già hơn tuổi rất nhiều. Bằng chất giọng tiếng Kinh lơ lớ, chị bảo, từ thôn Sơn Hà đến đây chỉ 3km nhưng mẹ con chị phải dậy từ sáng sớm vì đường đi lại khó khăn. Cả gia đình trông vào 3 sào lúa nước nên chỉ đủ gạo ăn. Hai năm nay, vợ chồng chị trồng thêm 5 sào sắn, một năm thu hoạch được 4 đến 5 triệu đồng. 

“Vẫn đói lắm. Vừa rồi nuôi được 2 con lợn và đàn gà thì chết hết vì dịch” – chị Tỉnh khẽ cười cho biết. Ngoài đồng áng quanh năm, vợ chồng chị còn đi đào sắn thuê để có tiền mua thức ăn và quần áo cho con. Chị Tỉnh bảo đây là lần đầu tiên được nhận món quà Tết lớn như vậy, số tiền này chị để mua quần áo cho con.

Đại diện Báo CAND và Công an huyện Bát Xát trao quà Tết cho người nghèo xã Cốc Mỳ.

Cốc Mỳ là xã vùng cao biên giới, có 12 dân tộc anh em sinh sống, có thôn 100% là dân tộc Mông. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tẩn A Liều, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết, cả xã có 17 thôn bản gồm 4 bản vùng cao, 3 thôn vùng giữa, 10 thôn vùng thấp, trong đó có 4 thôn vùng biên giới. Đời sống của bà con chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (chiếm 94%). Ngoài cây lúa, bà con trồng thêm ngô, sắn, khoai để tăng thu nhập. Tuy thế, cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng. Cả xã có 1060 hộ thì có tới 537 hộ nghèo. Chính vì thế mà chính quyền xã đã không ngừng vận động bà con tăng gia sản xuất theo mô hình vườn – ao – chuồng, nhưng do đặc điểm địa hình nên việc phát triển còn gặp khó khăn. 

Ông Tẩn cho biết thêm: “Séo Phìn Than là thôn xa nhất của Cốc Mỳ, cách trung tâm xã 17km, chỉ có dân tộc Mông sinh sống. Đường đi vào đây quá cheo leo, nếu gặp trời mưa thì không thể đi nổi. Chính vì biệt lập như vậy nên đời sống của người dân còn đặc biệt khó khăn. Do tập quán canh tác du canh du cư, nên muốn bà con phát triển kinh tế ở đây quả là rất khó”. Cả thôn Séo Phìn Than hôm nay có 16 hộ được tới nhận quà Tết. Phải nhờ tới phiên dịch chúng tôi mới trò chuyện được với ông Lò A Lềnh. Hỏi tuổi, ông Lềnh lắc đầu kêu “không nhớ”. Cả ngày trên nương rẫy khiến ông quên ngày tháng. Cuộc sống nghèo khổ có khi cả năm mới ra xã vài lần làm ông khá lúng túng khi được chúng tôi hỏi thăm.

Thạo tiếng Kinh nhất ở thôn Séo Phìn Than là anh Lò A Quả. Dù đôi vợ chồng trẻ đi xa tới 15km để trồng 6 sào lúa nhưng vẫn không đủ ăn. Anh Quả kể, mỗi lần lên lán anh phải ở lại vài ngày vì quá xa nhà. Cuộc sống nơi rừng thẳm khiến con cái của anh cũng không có điều kiện đến trường. Vì thế, học cái chữ với các con anh còn là điều quá xa vời. Chia sẻ về niềm vui được nhận quà Tết, anh Quả vui vẻ cho biết mình chưa khi nào được cầm số tiền lớn như thế. Ảnh bảo sẽ dùng số tiền này để mua thức ăn và mấy bộ quần áo cho con.

Là xã đặc biệt khó khăn, nhưng niềm vui của chúng như được nhân lên khi công tác phát triển giáo dục của Cốc Mỳ vài năm trở lại đây đã có bước tiến vượt bậc. Tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 97% và đang phổ cập trẻ 5 tuổi đến trường. Ông Liều còn cho biết thêm, tuy là xã vùng cao biên giới, nhưng ANTT ở Cốc Mỳ luôn được đảm bảo và giữ vững. Bà con tham gia phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ một cách tích cực, giúp lực lượng Công an đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với các vấn đề về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Ở những thôn biên giới, bà con đã làm tốt công tác giữ đất, bám biên, bảo đảm  giữ vững phiên dậu quốc gia. “Chúng tôi rất cảm ơn Báo CAND đã đồng hành cùng nhà tài trợ đến với Cốc Mỳ. Mỗi suất quà trị giá 500.000 đ được trao cho bà con quả là thật đáng quý. Đây là tình cảm, là tấm lòng của những người làm báo đã giúp đỡ bà còn nghèo còn khó khăn của chúng tôi”- ông Tẩn A Liều xúc động nói.

Chia tay với Cốc Mỳ, chúng tôi vẫn nhớ mãi nụ cười, ánh mắt và những cái nắm tay lưu luyến của bà con để cảm nhận xuân đang đến rất gần.

Trần Hằng – Việt Hà
.
.
.