Thành tựu xóa đói giảm nghèo - minh chứng sinh động đảm bảo quyền con người của Việt Nam

Thứ Ba, 11/12/2018, 08:03
Với những chủ trương đúng đắn, giải pháp toàn diện, đồng bộ nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Đây chính là cơ sở quan trọng cho Việt Nam đảm bảo các quyền của người dân.


Đói nghèo được xem vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của vi phạm quyền con người, bởi những người đói nghèo hầu như bị hạn chế mọi cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản từ y tế, nước sạch, giáo dục tới việc làm, đồng thời cũng không được hưởng thụ các thành quả của tiến bộ xã hội.

Giảm nghèo toàn diện và bền vững luôn được xác định là ưu tiên hàng đầu trong đường lối, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước Việt Nam, nhằm bảo đảm quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc. 

Trên tinh thần đó, Nhà nước ta đã và đang triển khai hàng loạt chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh, công bằng xã hội trên cả nước, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo...

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Trong những năm qua, nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững đã đem lại những kết quả tích cực về phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội. Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 6,68%, 6,21%, 6,81% trong 3 năm 2015, 2016 và 2017.

Riêng năm 2017, đã có 153.307 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động; số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập là 1.161.321. Cũng trong năm 2017, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ nhân rộng các mô hình giảm nghèo trên cả nước, góp phần tăng thu nhập của hộ nghèo từ 15-20%.

Tỷ lệ nghèo về thu nhập đã giảm nhanh trong suốt giai đoạn từ năm 1998-2016. Tỷ lệ nghèo giảm từ 7% năm 2015 xuống 5,2% năm 2016. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 9,2% năm 2016 và 7,69% năm 2017.

Thành tựu xóa đói giảm nghèo đã tạo thêm cơ sở vững chắc cho Việt Nam bảo đảm các quyền của người dân. Các chính sách an sinh xã hội đã được triển khai trên toàn quốc và thu được một số kết quả khả quan. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế tiếp tục tăng từ 77% (năm 2015) lên 86,4% (năm 2017) tương đương với 78,2 triệu người.

Tỷ lệ người nghèo và cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế đạt 77% năm 2016. Số lượng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế không ngừng tăng từ 2.506.705 người năm 2013 lên 2.839.568 (năm 2017) trong đó có 42.434 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 1.617.367 người cao tuổi, 1.006.923 người khuyết tật, và 172.844 đối tượng khác, trong đó có người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo, người đơn thân nuôi con thuộc hộ gia đình nghèo.

Các chương trình phát triển nông thôn đem lại kết quả tích cực, trong đó có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ 18,6 triệu (năm 2012) lên khoảng 32 triệu (năm 2017).

Năng suất lao động xã hội trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng dần qua các năm. Trong giai đoạn từ 2005-2016, năng suất lao động đã tăng gần 4,5 lần từ 7,5 triệu đồng/người (2005) lên 32,9 triệu đồng/người (năm 2016). Đến ngày 31-12-2017, 99,4% số xã trên cả nước có đường ôtô đến trung tâm xã, đặc biệt ở những địa bàn vùng cao, địa hình phức tạp. 100% số xã và 97,8% số thôn đã được điện lưới quốc gia bao phủ, 99,7% số xã đã có trường tiểu học và trường mẫu giáo, 99,5% số xã có trạm y tế xã, 60,8% xã có chợ và 58,6% số xã có nhà văn hóa.

Bà Caitlin Wiesen - Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, Việt Nam có thể tự hào về tiến bộ đạt được trong giảm nghèo đa chiều, giúp 6 triệu người thoát nghèo trong 4 năm từ năm 2012 - 2016 theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.

Như vậy, với cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc, quyết tâm chính trị cao, triển khai đồng bộ các giải pháp, Việt Nam đã đạt thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo, một bảo đảm vững chắc cho quyền con người ngày càng tốt hơn.

Mai Hương
.
.
.