“Luật ở đây thế!”

Thứ Tư, 30/05/2018, 09:25
“Luật ở đây thế!” là câu trả lời của chủ hàng ven bờ biển Đồ Sơn (Hải Phòng) khi du khách thắc mắc về việc phải trả tiền ghế ngồi sau khi ăn uống. Nhóm du khách sau khi được nghe nhắc lại câu luật… rừng này buộc phải trả tiền cho cái phí rất phi lý này. Tiếc rằng, việc khách du lịch bị “chặt chém” không phải cá biệt!!!

Sự việc nêu trên xảy ra tối 25-5 và được một thành viên của nhóm khách du lịch đến Đồ Sơn từ Hà Nội đưa lên facebook cá nhân. Những hình ảnh và lời nói sinh động trong cuộc tranh cãi giữa người phụ nữ bán hàng và nhóm du khách trong clip đã thu hút quan tâm của cộng đồng mạng. Sẽ thật khó để cố không tin, làm gì có chuyện khách ăn uống xong lại phải trả tiền ghế ngồi. Nhưng sự thật hiển nhiên, nhóm khách gần 20 người, ngồi thành 2 bàn ngoài việc trả tiền ăn, đã phải trả thêm 630.000 đồng tiền ghế ngồi.

Sau khi tiếp nhận thông tin này, cơ quan chức năng vào cuộc và xác định danh tính người phụ nữ “chặt chém” khách, xử phạt 2.000.000 đồng; buộc phải trả lại tiền ghế ngồi cho du khách.

Như vậy, đối với vụ việc này, cách giải quyết đã… có hậu. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra thì rõ ràng, có một cái gì đó bất ổn ngay tại địa điểm du lịch nổi tiếng ở thành phố hoa phượng đỏ nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.

Được biết, ngay trong chương trình “Đồ Sơn - Điểm hẹn du lịch 2018” diễn ra dịp lễ 30-4 vừa qua, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã tuyên bố, năm nay sẽ đón 2,7 triệu khách du lịch đến đây. Con số này hoàn toàn khả thi, bởi từ lâu Đồ Sơn đã là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc. Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi vào sử dụng, thì thời gian từ Thủ đô về Đồ Sơn chỉ mất khoảng 1h.

Đồ Sơn còn có thế mạnh khác như: khoảng 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, 17 di tích lịch sử văn hóa cùng lễ hội chọi trâu nổi tiếng. Đặc biệt, gần đây rất nhiều nhà đầu tư lớn đổ về Đồ Sơn như: Công ty cổ phần Him Lam, Tập đoàn FLC…

Cùng với việc đầu tư hạ tầng, chính quyền Đồ Sơn cũng thực hiện văn minh đô thị, văn minh du lịch. Vấn đề đặt ra là đã rất nỗ lực, tại sao ở Đồ Sơn vẫn có tình trạng “chặt chém” này?

Theo dõi trên báo chí, bà Trương Thị Nhung – người  vừa bị xử phạt 2 triệu đồng trong vụ việc nêu trên còn cho rằng, bà đã “làm luật” nên mới dám bán hàng ở ven biển (đây là khu vực này chính quyền cấm bán hàng quán). “Tiết lộ” này của bà Nhung nếu đúng thì quả là đáng báo động.

Cũng liên quan đến môi trường du lịch ở nước ta, mới đây một du khách người Úc đã đăng tải trên facbook về sự thật chất lượng tàu du lịch vịnh Hạ Long không như quảng cáo với toilet hỏng, bánh mì mốc… Câu chuyện trên không chỉ có trên mạng xã hội mà được báo chí nước ngoài đăng lại. Hình ảnh méo mó về du lịch Việt Nam vì thế lại được … lan tỏa.

Cơ quan chức năng sau đó đã vào cuộc, mà cụ thể ở đây là chính quyền tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng. Buồn hơn nữa là kết quả kiểm tra này cho thấy, có kẽ hở to đùng trong quản lý tàu du lịch ở hai vùng vịnh nổi tiếng ở các địa phương này.

Được biết, năm 2018 là Năm du lịch quốc gia – Hạ Long – Quảng Ninh  nên tỉnh này ngoài chiến dịch quảng bá còn có nhiều biện pháp nhằm xây dựng hình ảnh và nâng cao chất lượng. Hải Phòng cũng xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng nên cũng chú trọng đầu tư cho lĩnh vực du lịch. Thế nhưng, phản ánh của du khách người Úc cho thấy một hình ảnh về làm du lịch rất xấu xí ở ta.

Ngành công nghiệp không khói của nước ta sẽ không phát triển như kỳ vọng nếu còn tồn tại tình trạng nêu trên. Bên cạnh đó, nếu không có cái nhìn tổng quan và cách làm khả thi mà cứ mạnh ai nấy làm, phát triển manh mún, cục bộ thì cũng rất khó để tăng thu ngân sách từ lĩnh vực này. Từ câu chuyện ở Đồ Sơn, của du khách người Úc cho thấy, sự khởi sắc của ngành du lịch nước ta còn rất nhiều gập ghềnh.

Cao Hồng
.
.
.