Phim Việt gặp khó khi ra rạp: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân?

Chủ Nhật, 21/08/2016, 08:27
Những ngày này, cộng đồng mạng, đặc biệt là khán giả yêu thích phim Việt thêm một lần “dậy sóng” trước thông tin bộ phim Việt “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” bị từ chối chiếu tại hệ thống rạp của công ty CGV. Thêm một lần nữa, câu chuyện phim Việt gặp khó khăn, thậm chí bị chèn ép khi phát hành và vấn đề bảo hộ điện ảnh Việt tiếp tục trở lại nhưng chưa có hồi kết.


Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay

Chính thức ra rạp từ ngày 19-8 nhưng trước đó, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” khiến cộng đồng chú ý bởi rất nhiều luồng thông tin, từ tranh cãi về trang phục đến mức độ hứa hẹn hấp dẫn ở quy mô đầu tư, công nghệ… Chỉ trước một ngày phim phát hành chính thức, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” tiếp tục “tạo bão” dư luận khi ê kip sản xuất cho biết, phim bị CGV, hệ thống dẫn đầu tại Việt Nam về phát hành phim từ chối chiếu trên toàn hệ thống của đơn vị này.

Theo Công ty Sản xuất VAA và Công ty BHD, đại diện nhà phát hành phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” thì BHD đã chính thức liên hệ đặt vấn đề về việc phát hành phim với CGV từ 8-6. So với thông lệ, đề nghị này rất sớm vì thông thường, các nhà phát hành sẽ chỉ đặt vấn đề chính thức cho việc phát hành phim với một hệ thống rạp khoảng 1 tháng trước ngày khởi chiếu. Tuy nhiên, đến tận ngày phim ra rạp, đề nghị này vẫn không thành. Lý do, theo phía nhà sản xuất và đại diện phát hành phim là CGV không đồng ý tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé theo tỷ lệ 50% - 50%.

“Tấm Cám: Chuyện chưa kể” gây nhiều tranh cãi khi không chiếu trên hệ thống rạp của CGV.

Gần như ngay lập tức, CGV cũng phát đi thông tin phản hồi, cho rằng không phải CGV từ chối chiếu mà do Công ty BHD đã từ chối cung cấp phim cho hệ thống rạp CGV vì không đạt được thỏa thuận kinh doanh như BHD yêu cầu. Không chỉ “tố” quyết định đơn phương của BHD đã phần nào hạn chế việc phổ biến bộ phim tới khán giả trên toàn quốc, CGV còn tố ngược BHD mới là đơn vị không tích cực hỗ trợ phát hành phim Việt do CGV phát hành.

Bằng chứng là số liệu thống kê trong năm 2015, một số phim Việt Nam do CGV phát hành tại Việt Nam như Truy Sát, Ma Dai, Già Gân… cụm rạp BHD chỉ hỗ trợ cho các bộ phim Việt này trung bình từ 400 – 900 suất chiếu với tổng số ngày chiếu chỉ khoảng 30 ngày. Riêng bộ phim “Ám Ảnh” của CGV chiếu vào dịp Tết 2016, BHD cũng đã từ chối hỗ trợ chiếu. Bộ phim “Găng Tay Đỏ” sắp phát hành vẫn chưa nhận được thông báo sẽ hỗ trợ từ BHD mặc dù chỉ còn 2 tuần nữa đã công chiếu toàn quốc.

Đừng chỉ trông chờ vào Nhà nước

Thực tế, câu chuyện phim Việt bị chèn ép khi đưa ra công chiếu tại các hệ thống rạp lớn do các ông chủ là người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đã âm ỉ nhiều năm trở lại đây. Câu chuyện “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” chỉ giống như giọt nước tràn ly.

Thống kê của Cục Điện ảnh cho thấy, hiện nay, Việt Nam có 538 phòng chiếu. Tuy nhiên, chiếm số lượng lớn và được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại lại là các hệ thống rạp của các nhà đầu tư nước ngoài mà chủ yếu là Hàn Quốc.

Rất nhiều nhà sản xuất, phát hành phim Việt đều cho rằng việc các ông chủ nước ngoài chiếm phần lớn hệ thống rạp chiếu phim hiện đại tại Việt Nam đang khiến phim Việt bị chèn ép khi ra rạp. Không chỉ bị xếp vào các khung giờ chiếu vắng khách thì cũng bị chèn ép về tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé. Với mức áp đặt theo tỷ lệ 70 – 30, nhiều nhà sản xuất vẫn phải chấp nhận dù biết rằng có thể lỗ trắng tay.

Ngay trong một sự kiện hợp tác điện ảnh Việt Nam, Hàn Quốc mới đây, nhà biên kịch Châu Thổ, Giám đốc Công ty Senafilm đã khá bức xúc chia sẻ rằng, với tình trạng phát hành hiện nay, ngay đội ngũ làm phim có nghề cũng còn gặp khó. Với các đạo diễn chưa có tiếng tăm, việc đưa phim ra rạp càng khó gấp bội.

Cũng có một thực tế khác là khi phản ánh việc phim Việt bị chèn ép khi phát hành, lâu nay, các ý kiến thường là phản ánh suông. Rất ít bằng chứng cụ thể, đủ sức thuyết phục và đáp ứng yêu cầu của luật pháp được đưa ra. Thậm chí, vụ việc 8 doanh nghiệp sản xuất phim (bao gồm BHD, Galaxy Studio, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, ER và VAA) khiếu nại CGV còn đang bị CGV đe dọa ngược lại rằng đang kiện toàn hồ sơ để khởi kiện các đơn vị nêu trên về hành vi gièm pha doanh nghiệp khác theo luật cạnh tranh.

Trong rất nhiều cuộc hội thảo về điện ảnh Việt Nam, câu chuyện tìm đầu ra cho phim Việt nói riêng, đòi hỏi bảo hộ nhiều hơn cho điện ảnh Việt nói chung đã được đề cập rất nhiều. Đã có rất nhiều kiến nghị nhằm bảo hộ cho phim Việt: việc hạn chế số lượng nhập khẩu phim nước ngoài, nâng mức thuế phim nhập, khống chế tỷ lệ phim nhập ngoại chiếu rạp… Đành rằng, hoạt động điện ảnh là hoạt động văn hóa nghệ thuật và phim là sản phẩm văn hóa và văn hóa cần được bảo hộ.

Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước hội nhập, không phải giải pháp nào nhằm bảo hộ điện ảnh Việt như các kiến nghị cũng phù hợp. Chưa kể, nếu không đủ sức mạnh nội tại, có những điều kiện ưu đãi nhưng điện ảnh vẫn không phát huy được.

Nhìn rộng sang phim truyền hình, không khó để thấy, “hạn ngạch” phải phát 30% phim Việt trong tổng số phim truyền hình phát trên sóng tạo điều kiện rất nhiều cho phim Việt. Thế nhưng, sau một thời gian không ngắn, phim truyền hình có khi đang tạo hiệu ứng ngược khi nhà nhà sản xuất phim còn công chúng ngán ngẩm trước vô số các phim truyền hình được làm vội, phát nhanh, thậm chí đầy các tình tiết ngô nghê đầy rẫy trên sóng.

Ngay đội ngũ làm điện ảnh, đặc biệt là các nhà sản xuất cũng cần nhìn nhận lại chính mình. Bởi lẽ, lâu nay, các đơn vị gần như hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm. Một tổ chức tập hợp đủ mạnh trong đó các đơn vị chung tay góp sức cả về con người, vật chất, có đầu tư cho những hoạt động nghiên cứu thị trường, hỗ trợ nhau cùng phát triển vẫn chưa thực sự được quan tâm.

Khi trách nhiệm vì sự phát triển chung của điện ảnh Việt vẫn chỉ được trông chờ vào nhà nước, tổ chức Hội mà thiếu sự chủ động chung tay góp sức của các đơn vị, người làm điện ảnh, kể cả những người hoạt động tự do, các đơn vị xã hội hóa thì chắc chắn, điện ảnh Việt sẽ còn lép vế dài dài.

Ngọc Nguyễn
.
.
.