Để các nhà sản xuất phim Việt không phải chịu thiệt

Thứ Năm, 30/06/2016, 08:17
Nền công nghiệp điện ảnh nước ta trong thời gian qua phát triển ở thế hỗn độn. Nhất là từ khi có sự xuất hiện và “thao túng” thị trường bởi các ông lớn với những “quyền năng” về số lượng phòng vé, Nhà nước vẫn chưa có một sự điều tiết nào để trung hòa thị trường còn nhiều tiềm năng này thì thực trạng đó gần như đã có một kết quả “nhìn là thấy ngay”.


Mới đây, 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước đã cùng gửi đơn khiếu nại đến Hội Điện ảnh, khẳng định họ đang bị hệ thống rạp CGV (thuộc nhà phát hành Hàn Quốc CJ-CGV) chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp.

Đó là 8 đơn vị BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và công ty VAA. Ngoài tỷ lệ ăn chia, 8 đơn vị khiếu nại cũng đưa ra lập luận CGV có xu hướng chiếu phim nước ngoài, đặc biệt là phim do chính nước họ sản xuất, với số lượng nhiều hơn, thời gian vào các khung giờ vàng lâu hơn, khiến phim Việt rơi vào nguy cơ bị lép vế ngay trên chính sân nhà của mình.

Được biết, với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phòng chiếu rộng, đẹp, thoáng, danh mục phim cập nhật liên tục, CGV với 32 rạp trở thành đơn vị sở hữu nhiều rạp nhất Việt Nam hiện nay. Và khi đưa ra tỷ lệ ăn chia 55/45 (CGV hưởng 55% doanh thu), 8 đơn vị ở trên cảm thấy bị oan ức là điều đương nhiên. Và chúng ta cũng phải thẳng thắn, việc họ lên tiếng khiếu nại CGV cũng không phải vì cái mục đích cao đẹp kia lắm đâu (lo ngại về phim Việt có nguy cơ “thất sủng” – PV). Đây đơn thuần là câu chuyện lợi ích.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên có một sư vụ “tố” nhau như thế này. Cách đây 6 năm, 6 đơn vị phát hành và chiếu phim trong nước cũng từng khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương, cáo buộc Megastar (ông chủ cũ của cụm rạp hiện đã về tay CGV) lạm dụng thế “thượng phong” để đưa ra tỷ lệ ăn chia bất hợp lý.

Nhu cầu xem phim của dân Việt càng ngày càng cao.

Megastar khi đó áp đặt mức giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem là 25.000 đồng; muốn có lợi nhuận, các rạp thuê phim của họ buộc phải bán vé tối thiểu là trên 50.000 đồng. Tại thời điểm đó, Cinebox - cụm rạp mang tiêu chuẩn quốc tế từ những năm đầu 2000 (thuộc hãng phim Giải Phóng) - giá vé chỉ là 25.000 đồng. Hay như rạp Dân Chủ (Hà Nội), chỉ là 20.000 đồng.

“Cá lớn nuốt cá bé” là hiện tượng thường thấy, không chỉ trong lĩnh vực phát hành phim.Và nhất là khi “cá lớn” ở thế thượng phong, biết mình có gì và hiểu thị trường cần gì. Khi những “cá bé” khác phát triển èo uột, trì trệ “không mạnh khỏe” từ cùng một mặt bằng thị trường béo bở như Việt Nam, khả năng cạnh tranh của họ rõ ràng đã bị “đo ván” và bị nuốt chửng ngay tại sân nhà. Và người dùng có quyền chi số tiền của mình đúng nơi, đúng chỗ mà họ cảm thấy thoải mái và xứng nhất.Điều đó không có gì bàn cãi.

Tuy nhiên nếu cứ để những “ông lớn” tự do chiếm lĩnh, “cá lớn nuốt cá bé” chỉ vì họ ở thế cao hơn thì rồi nền công nghiệp điện ảnh trong nước sẽ về đâu? Và ai sẽ là người chịu thiệt hại đầu tiên? Mặc dù CGV có đưa ra thông cáo báo chí đáp trả rằng mình không có sự phân biệt đối xử và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bất kỳ đơn vị phát hành nào thì cũng nên hiểu, đây chỉ là cái lý đưa ra từ một kẻ mạnh.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với chuyên viên truyền thông, nhà biên kịch Châu Quang Phước để hiểu hơn về câu chuyện này.

- Vừa qua, CGV bị 8 đơn vị sản xuất và phát hành phim kiện khi áp đặt tỷ lệ ăn chia doanh thu phim Việt không công bằng. Anh nhìn nhận vụ việc này ra sao?

+ Được biết, với những gì đã và đang diễn ra được truyền thông chung ghi nhận và phản ánh thì hiện tại, đây chỉ là đơn kiến nghị của 8 doanh nghiệp Điện ảnh Việt gửi tới các cơ quan chức năng nhà nước. Chưa phải là đơn kiện bằng các thủ tục kiện tụng chính thức với CGV từ 8 doanh nghiệp này.

Chuyên viên truyền thông, nhà biên kịch Châu Quang Phước.

Cũng theo thông tin chung thì có vẻ như phía CGV đã có những cách áp đặt, với tỷ lệ phân chia doanh thu bất công với các nhà sản xuất phim Việt trong nước. Cụ thể là CGV luôn giữ lại 55%, hoặc có đối tác bị giữ lại đến 60% doanh thu trong những hợp đồng do CGV phụ trách phát hành các phim Việt. Nếu quả thật là như vậy thì hiển nhiên các nhà sản xuất phim Việt đã phải chịu thiệt đáng kể, trong khi đó các nhà sản xuất phim Việt luôn phải chịu mọi rủi ro trong khâu đầu tư sản xuất, chi phí phát hành cũng như marketing- PR cho phim. Như vậy có thể thấy tỷ lệ mà hệ thống cụm rạp CGV đã áp đặt với các nhà sản xuất phim Việt là bất hợp lý.

- Nói một cách sòng phẳng, sở dĩ CGV áp đặt tỷ lệ bất hợp lý như vậy là vì họ biết họ có những yếu tố ở thế thượng phong của một “cá lớn”?“Cá lớn nuốt cá bé”, chuyện có gì lạ đâu?

+ Đúng là ở thời điểm này thì CGV đang thống lĩnh thị trường phát hành phim ở Việt Nam, với số lượng cụm rạp chiếu được biết là chiếm đến 40% thị phần chung. Đó tất nhiên là một lợi thế kinh doanh của CGV trong mảng phát hành, nhưng đâu phải vì vậy mà nghiễm nhiên được quyền mặc định chuyện “cá lớn nuốt cá bé” như không có gì lạ?

Bởi lẽ, với Luật Cạnh tranh 2004 của Việt Nam thì mọi vi phạm về Luật Chống độc quyền liên quan, nếu có, đều phải bị ngăn cấm và loại trừ. Trong những trường hợp như thế này, nếu Bộ Công thương Việt Nam nhập cuộc và xác định đó là hành vi bóp nghẹt lợi nhuận (margin squeeze), bên bị cáo buộc sẽ được coi là phạm pháp. Điều này vốn dĩ là hiển nhiên với tất cả các quốc gia có sự phát triển mạnh về hệ thống Luật Cạnh tranh, trong mọi lĩnh vực liên quan tới kinh doanh thương mại.

- Theo anh, ai sẽ là người bị thiệt nhất trong câu chuyện này?

+ Như đã nói, tất cả các nhà sản xuất phim Việt sẽ phải chịu thiệt đầu tiên là điều dễ dàng nhận thấy nhất, trong trường hợp phim của họ do CGV phát hành với tỷ lệ áp đặt phân chia doanh thu như hiện có. Như thế sẽ kéo theo một hệ lụy thuộc về viễn cảnh nhìn thấy trước, đó là có thể chỉ trong vài ba năm tới, Điện ảnh Việt Nam sẽ không còn chỗ đứng trên chính đất nước của mình, bị chèn ép, bị hắt hủi ra khỏi các cụm rạp tại xứ một cách tức tưởi và đau đớn.

Thị trường Việt Nam hấp dẫn, nhiều tiềm năng, các “ông lớn” nhảy vào và nhanh chóng chiếm lĩnh.

Hẳn nhiên, món nợ lớn nhất và quan trọng hơn không phải là về việc nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam bị thâu tóm toàn bộ bởi các doanh nghiệp nước ngoài, mà bởi một nỗi lo lớn hơn là con em người Việt của chúng ta khi lớn lên sẽ không còn có cơ hội được tiếp cận dễ dàng với những bộ phim Việt Nam, khi thị trường phát hành phim trong nước sẽ bị “phủ sóng” toàn bộ với phim Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc (…), như diễn tiến hiện có.

- Mạnh ai người nấy làm, thị trường phim Việt trong những năm qua gần như bị thả nổi. Theo anh, điều này bắt nguồn từ đâu?

+ Tôi nghĩ, đấy chính là tín hiệu đáng mừng sau nhiều năm thị trường này bị “đóng băng” trong cơ chế bao cấp thụ động, nó cho thấy một sự phát triển đa dạng và tùy biến của ngành công nghiệp sản xuất và phát hành phim Việt hiện hành, vốn dĩ là một ngành công nghiệp sáng tạo.

Theo thời gian rồi sẽ có sự sàng lọc nhất định, có những sự đào thải tất yếu, và cũng sẽ có nhiều cá thể làm nghề lớn mạnh dần từ trong nước cho đến khu vực cùng quốc tế. Nếu lo ngại mọi thứ bị thả nổi thì các bên cần phải hợp lực cùng Chính phủ kiện toàn mọi điều luật kinh doanh liên quan cần có, đặc biệt là với Luật Cạnh tranh nhằm tránh tình trạng một bên nào đó độc quyền trong kinh doanh ở lĩnh vực chung. Đây cũng là tiến trình nhất thiết phải có khi hiện nay Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), mọi ngành nghề kinh doanh cần phải phù hợp với thông lệ quốc tế và cả với thực tiễn môi trường cạnh tranh trong nước.

- Xin cảm ơn anh!

Đậu Dung
.
.
.