Người giữ lửa nghệ thuật dân gian truyền thống

Thứ Năm, 03/05/2018, 08:42
Tâm huyết và “say” nghệ thuật là những từ mà các thành viên tại Trung tâm UNESCO phát triển Văn hóa và Thể thao dành tặng cho bà Hoàng Thị Minh Tám, Phó Trưởng ban Văn hóa Thể thao, Chủ nhiệm Đoàn Nghệ thuật Trống hội Thăng Long. Dù đã bước sang tuổi 78, nhưng bà Tám vẫn hăng say trong công tác và dành nhiều thời gian để dạy miễn phí những điệu trống dân gian.


Giữ nghề bằng cách truyền nghề

Sinh ra và lớn lên ở cái nôi hát chèo Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình, bà Tám sớm say mê từng lời hát, điệu múa, ngấm trong máu từng nhịp phách, nhịp trống của âm nhạc dân gian truyền thống. Khi còn nhỏ, sân khấu của bà là đồng cỏ xanh nơi bà đi chăn trâu, là sân nhà, sân đình nơi bà sống và sinh hoạt. 

Khi Hà Nội ngập trong mưa bom, chìm trong bão đạn của giặc Mỹ, tiếng ca của bà vẫn mềm mại, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho bà và đồng đội, chờ ngày Thủ đô vang khúc ca khải hoàn. Năm 1987, bà vinh dự được Chủ tịch nước Trường Chinh trao tặng Huân chương kháng chiến Hạng Ba.

Bà Minh Tám (phải) tham gia biểu diễn trong Chương trình Giao lưu Văn hóa Nghệ thuật và Thể thao Truyền thống của Trung tâm UNESCO.

Hiện nay, bà Hoàng Thị Minh Tám (78 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) đang làm Phó Trưởng ban Văn hóa Thể thao, Chủ nhiệm Đoàn Nghệ thuật Trống hội Thăng Long, tiền thân là câu lạc bộ (CLB) Đàn hát Dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Đồng thời, bà còn là thành viên trong Hiệp hội Bảo tồn Văn hóa Phi vật thể của UNESCO. Nhiều tiết mục của Đoàn Nghệ thuật Trống hội Thăng Long là do bà dàn dựng và biên đạo. 

Trong đó có những tiết mục trống tế, trống hội, các tiết mục múa lân, múa lụa, múa xênh tiền,... đã được biểu diễn tại nhiều chương trình của Nhà nước và địa phương. 

Bên cạnh đó, bà còn tham gia cố vấn, tham mưu về chuyên môn, hỗ trợ, dìu dắt các CLB, đoàn nghệ thuật tại Trung tâm UNESCO phát triển Văn hóa và Thể thao.

Hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghệ thuật dân gian truyền thống, bà Tám tâm niệm nghệ thuật là sự trao truyền và tiếp nối. Nhiều năm nay, khoảng sân nhỏ nhà bà đã nuôi dưỡng và chắp cánh cho nhiều thế hệ người yêu nghệ thuật dân gian. Mỗi buổi chiều, khoảng sân ấy lại vang lên tiếng ca, tiếng gõ nhịp của bà Tám và các học trò. 

Bà còn thường xuyên đi dạy, dàn dựng tiết mục miễn phí cho những câu lạc bộ, đoàn, hội của các xã, phường, quận, huyện. Đối với bà, chỉ cần người dân còn yêu những giá trị văn hóa truyền thống thì đó là niềm hạnh phúc của bà. 

Căn phòng nhỏ với nhiều bằng khen, huy chương của bà Minh Tám.

“Ơ Ãđâu có lời mời, tôi đều không quản ngại xa xôi để đi dạy. Ai cũng hỏi vì sao tôi đi dạy vất vả mà không lấy tiền. Tôi nghĩ thế này, cảm ơn đời vì còn cho tôi sức khỏe, cảm ơn nhân dân vì còn tin tưởng và cho tôi cơ hội được truyền dạy niềm đam mê. Tôi là người lính nên mặt trận nào cũng xông pha. Khi nào tay tôi không vung được nổi dùi trống thì mới thôi”, bà tâm sự.

Nghệ thuật tỏa sáng từ nhân cách đẹp

Ngoài khả năng múa hát hay, bà còn có thành tích xuất sắc trong thể thao. Trước khi đỗ vào Trường Thể dục Thể thao Hà Nội năm 1960, bà kể lại rằng đã từng cứu sống 11 người khỏi tay thủy thần. Căn phòng của bà cả trăm huy chương vàng, bạc về các môn bơi lội, lướt ván, thể dục nhip điệu. 

Bà chia sẻ: “Ngày trẻ, tôi “nghịch” lắm. Kỳ nào đi thi mà đoạt giải Bạc là chán lắm. Nói như thế, không phải là tôi ham thành tích. Tham gia thể thao, cũng như văn nghệ, vui là chính, nhưng nghiêm túc và nỗ lực hết mình”.

Bên cạnh những công việc tại Trung tâm UNESCO, bà còn làm Phó Chủ nhiệm Hội Cựu chiến binh Phật tử Quán Sứ; Chủ nhiệm Hội Bơi lội Người cao tuổi quận Cầu Giấy; Chủ nhiệm CLB Những người yêu dân ca quận Cầu Giấy. Tình yêu và sự cống hiến hết mình cho thể thao và nghệ thuật khiến bà mạnh khỏe, trẻ trung, nhanh nhẹn và hoạt bát, dù đã gần tuổi 80.

Trong căn phòng nhỏ vỏn vẹn chục mét vuông của bà treo đầy huân, huy chương, bằng khen. Có những tấm bằng đã mờ nét chữ, có những bức ảnh đã phai mau nhưng bà vẫn trân trọng và cất giữ như một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và đam mê. Và cũng là để dặn mình phải nỗ lực nhiều hơn, trao truyền những kiến thức, tình cảm của mình cho thế hệ trẻ mai sau.

Nghệ thuật dân gian chính là tấm gương phản chiếu tâm hồn nhân hậu, đoàn kết và gắn bó cộng đồng người Việt. Chính nhờ sự gần gũi, giản dị mới tạo nên sức sống bền bỉ ngay từ khi nó ra đời. Bằng nhiệt huyết bất tận với nghệ thuật dân gian truyền thống, bà Tám đã, đang và sẽ luôn là người nuôi dưỡng và phát triển những giá trị văn hóa tốt đẹp của nước nhà.

Ngọc Nhật
.
.
.