Giữ “lửa” cho làng nghề truyền thống

Thứ Hai, 27/11/2017, 09:37
Cũng như nhiều vùng miền trong cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu tự hào có những làng nghề xa gần biết tiếng như bánh tráng An Ngãi, bún Long Kiên, rượu Hòa Long… Nghề nối nghề, suốt mấy mươi năm qua, những làng nghề truyền thống đó vẫn “đỏ lửa” như một minh chứng cho sự vững bền theo thời gian.

Từ TP Hồ Chí Minh theo QL51 về hướng TP Bà Rịa, chúng tôi ghé khu phố 6, phường Phước Nguyên thăm làng bún Long Kiên vốn nổi tiếng xa gần lâu nay. Theo những người làm nghề lâu năm ở đây, nghề làm bún ở Long Kiên hình thành từ những năm 50 của thế kỷ trước, gắn với bước chân di cư của nhóm cư dân làng Tịnh Xá, huyện Thuỷ Nguyên, làng có truyền thống làm bún lâu đời ở TP Hải Phòng vào Nam lập nghiệp.

Giữ “lửa” cho làng nghề truyền thống.

Nghề nối nghề, đến nay trong số những người dân từ Thủy Nguyên vào đây có đến 3/4 nhà làm nghề bún, con số lên tới 30 hộ, mỗi ngày sản xuất hơn 15 tấn bún.

Như duyên kỳ ngộ, khi chọn thôn Long Kiên (nay là khu phố 6, phường Phước Nguyên) lập nghiệp, không ai ngờ nơi đây lại được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn mạch nước ngọt để làm nên sợi bún trắng, mềm, dẻo, dai không nơi nào sánh bằng.

Hiện nay, thu nhập bình quân của hộ sản xuất bún hiện tại đạt khoảng 13,2 triệu đồng/tháng. Thị trường tiêu thụ đã mở rộng, chủ yếu cung cấp cho các trung tâm thương mại, khách sạn, khu du lịch, khu công nghiệp và các chợ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Thế Thời có gần 30 năm làm nghề cho biết, mỗi ngày gia đình ông sản xuất khoảng 1 tấn bún, ngày Tết thì “đẩy” công suất  tăng lên nhiều. Nhà ông hiện đã có hẳn một xưởng sản xuất bún. Mỗi sáng sớm, xe ôtô nhà ông chở bún đi giao cho các mối hàng tại các chợ, các nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Các con ông nối nghiệp cha, gắn bó với nghề như một kế sinh nhai bền vững nhất.

Rời TP Bà Rịa, chúng tôi thẳng xuống xã An Ngãi, huyện Long Điền để tìm hiểu về làng nghề bánh tráng truyền thống. Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Cúc, một người gắn bó cả cuộc đời với nghề làm bánh tráng cho hay, mỗi ngày, từ 3 giờ sáng là bà đã bắt đầu dậy để nhóm lò, xay bột. 6 giờ sáng, khi những tia nắng ban mai của ngày mới bắt đầu rọi xuống cũng là lúc bà cùng các hộ làm nghề ở đây tranh thủ kéo những liếp bánh đầu tiên còn thơm mùi bột mới ra sân phơi cho kịp nắng.

Với kinh nghiệm hơn 40 năm làm nghề, bà Cúc cho rằng, chiếc bánh tráng ngon, thơm, 50% được quyết định bởi thời tiết nắng nhiều hay không, 50% còn lại là ở các công đoạn chọn, ngâm gạo và pha bột. Theo bà Cúc, ngoài độ dẻo, mềm, dai, bánh tráng An Ngãi có màu trắng đục, đưa vào miệng nhai, càng nhai chất ngọt đậm đà của gạo tan chảy trong lưỡi. Để tráng bánh, gia đình bà Cúc thường làm bột từ gạo dẻo Tiền Giang.

Không chỉ những người lớn tuổi, không có việc làm mới tráng bánh, làng bánh tráng An Ngãi hiện có rất nhiều người trẻ tuổi, nam thanh niên vẫn chọn nghề này. Không phải họ không được học hành đến nơi đến chốn, cũng không phải không có việc để làm, mà chỉ vì một lí do đơn giản là họ muốn nối nghiệp gia đình, muốn giữ lại một nét truyền thống của quê hương.

Theo người dân xã An Ngãi, nghề sản xuất bánh tráng là nghề truyền thống của địa phương xuất hiện từ rất sớm cùng với những cư dân Việt đầu tiên đi khai phá vùng đất Long Điền. Trước năm 1975, khu vực này chỉ có khoảng 5-6 hộ làm nghề. Qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau, đến nay toàn xã có đã trên 100 hộ sản xuất, chiếm gần 1/4 dân số làm nông nghiệp trên địa bàn. Những ngày thường, chỉ có khoảng vài chục hộ sản xuất, nhưng đến mùa Tết, nhà nhà lại đắp lò để chuẩn bị sản xuất cho vụ Tết.

Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân, các nhà làm bánh tráng cũng tập trung nhiều loại bánh với nhiều kích cỡ khác nhau như bánh tráng trắng, bánh tráng ớt, bánh nhỏ, bánh lớn… Bên cạnh đó, chất lượng gạo cũng được người sản xuất chú trọng để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng.

Trên thực tế, báng tráng An Ngãi đã được nhiều người “sành ăn” ở trong và ngoài tỉnh ưa thích vì độ dẻo, thơm đặc trưng. Nhất là những ngày Tết, bánh tráng An Ngãi được nhiều thương lái ở Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh đặt mua.

Theo các hộ sản xuất bánh tráng, mặc dù đang bị cạnh tranh bởi các loại bánh tráng công nghiệp, sản xuất bằng máy móc, nhưng với hương vị riêng, phong phú về chủng loại, màu sắc, cộng với giá thành ổn định nên bánh tráng An Ngãi hiện vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Bình quân một ngày, các hộ tráng bánh An Ngãi sản xuất gần 250 ngàn cái, nhưng vẫn thường xuyên “làm bán không kịp”.

Để giúp bà con vừa ổn định cuộc sống, vừa duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, hơn 3 năm trước, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt dự án phát triển nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, giai đoạn 2014-2020.

Theo dự án này, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất bánh tráng đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất để mua máy xay bột, xây dựng lò tráng bánh và sân phơi bánh. Hàng chục hộ sản xuất bánh tráng trên địa bàn xã được hỗ trợ theo dự án này. Mặc dù làng nghề bánh tráng An Ngãi còn phải đối diện với nhiều thách thức (như: cạnh tranh thị trường, cần tiếp tục đầu tư cải tiến kỹ thuật, mẫu mã…) nhưng có thể khẳng định bánh tráng An Ngãi đã có “chỗ đứng” khá vững chắc trong lòng người tiêu dùng.

Hiện, huyện Long Điền đã quy hoạch 6ha để phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương, dự kiến sẽ đưa làng nghề làm bánh tráng An Ngãi vào khu tập trung này, nhằm hỗ trợ, nâng cấp công nghệ sản xuất cho bà con, góp phần đưa thương hiệu bánh tráng An Ngãi tiếp tục vươn xa, mãi là niềm tự hào của Bà Rịa Vũng Tàu.

Hải Âu
.
.
.