Những người thợ “giữ lửa” tại làng nghề hoa giấy

Thứ Tư, 17/01/2018, 08:49
Với đôi bàn tay tài hoa và cái tâm “giữ lửa” làng nghề, người làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đã nỗ lực lưu giữ nghề sản xuất hoa giấy sau hàng trăm năm tồn tại. 

Giờ đây, sản phẩm hoa giấy do những bàn tay khéo léo của người thợ ở vùng hạ lưu sông Hương làm nên không những có mặt khắp nhiều tỉnh, thành trong nước mà hiện đã xuất sang tận trời Âu…

Bước sang tuổi 60 nhưng mỗi ngày, vợ chồng ông Thân Đình Diện và bà Phan Thị Thanh ở làng nghề Thanh Tiên vẫn cần mẫn vót mây, nhuộm giấy và làm nhiều công việc khác nhau để tạo nên những cành hoa sen màu sắc rực rỡ mang đậm “phong cách” Huế, để bán ra thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. 

Thấy có hướng dẫn viên du lịch dẫn đoàn khách người Anh bước vào nhà, vợ chồng ông Diện bỏ dở công việc đang làm để pha trà mời khách. Rồi họ trải chiếu, soạn đồ nghề ra giữa nhà tỉ mẫn giới thiệu cho du khách nước ngoài các công đoạn làm nên sản phẩm hoa sen giấy.

Du khách nước ngoài thích thú khi tham quan, học hỏi nghề làm hoa giấy Thanh Tiên.

Ông Diện nói: “Trước đây vợ chồng tôi chủ yếu làm các loại hoa giấy như hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa tường vy... để bán cho khách hàng là những “mối ruột”. 

Sau nhiều năm làm nghề, tôi nhận thấy rằng nếu không cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm thì nghề làm hoa giấy này khó có thể tồn tại. Nghĩ thế nên tôi mạnh dạn học hỏi, đầu tư dụng cụ, máy móc để làm hoa sen giấy. Và giờ đây, cứ vào dịp lễ hội hoặc Tết cổ truyền của dân tộc thì gia đình tôi huy động toàn bộ nhân công để sản xuất hoa sen giấy nhằm kịp thời cung ứng ra thị trường”.

Ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, cho biết, do nằm ở địa bàn thấp trũng nên Phú Mậu thường xuyên gánh chịu những đợt lũ lụt hằng năm. Vì thế, thay vì trồng hoa tươi, người dân làng Thanh Tiên đã nghĩ ra cách làm hoa giấy để giải quyết công việc mưu sinh vào mùa mưa. 

“Mặt khác, tín ngưỡng dân gian rất coi trọng việc thờ cúng ông bà, tổ tiên và các vị thần linh; trong đó, hoa giấy thường được trang trí ở những nơi tôn kính, linh thiêng nhất trong nhà. Đến nay, nghề làm hoa giấy của người dân làng Thanh Tiên đã trải qua 300 năm tồn tại và trở thành làng nghề truyền thống nổi tiếng trong và ngoài nước”, ông Cơ bày tỏ. 

Đặc biệt, trong các loại hoa giấy do bàn tay khéo léo của các nghệ nhân và người thợ ở làng nghề Thanh Tiên làm nên thì hoa sen giấy luôn nhận được nhiều đơn đặt hàng khắp mọi miền đất nước và nước ngoài. Và một trong những người có công phục dựng, phát triển nghề sản xuất hoa sen giấy ở làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi này là họa sĩ, nghệ nhân Thân Văn Huy. 

Theo ông Huy, khoảng 50 năm về trước, hoa sen giấy vốn được dân làng Thanh Tiên sản xuất nhưng vì nhiều lý do nên sau đó dần mai một. Với cái tâm của người họa sĩ, ông Huy cùng với em trai là Thân Đình Hoài đã lặn lội đến nhiều nhà nghệ nhân lớn tuổi trong làng để học hỏi kỹ thuật làm hoa sen giấy. 

Sau nhiều năm miệt mài tìm hiểu cùng với hàng trăm lần thử nghiệm, ông Huy mới thành công trong việc phục dựng hoa sen giấy. Bằng những mẫu mã tự thiết kế và cách nhuộm màu, phối màu tài tình, ông Huy và các nghệ nhân ở làng nghề Thanh Tiên đã làm nên các sản phẩm hoa sen giấy với nhiều kích cỡ như hoa sen đại có đường kính 20cm, hoa sen lớn đường kính 15cm, hoa sen nhỏ và hoa sen ngũ sắc... 

Trong mỗi dịp lễ hội festival Huế, nghệ thuật sắp đặt hoa sen giấy của ông Huy và các nghệ nhân luôn khiến du khách tò mò, thích thú. Sau đó, ông Huy được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là người đầu tiên phục dựng thành công hoa sen giấy và còn được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL tặng bằng khen vì thành tích tham gia đóng góp vào thành công triển lãm, lấy ý kiến nhân dân về Quốc hoa của Việt Nam cùng nhiều giải thưởng về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên-Huế. 

Với những thành công về cách làm hoa sen giấy, nghệ nhân Thân Văn Huy đã chia sẻ bí quyết và mở nhiều lớp truyền dạy cách làm hoa sen giấy cho người dân lẫn các thế hệ trẻ trong vùng với hy vọng nghề làm hoa giấy, nhất là hoa sen giấy sẽ không bị mai một, thất truyền như đã từng xảy ra. 

Ấn tượng với sản phẩm hoa sen giấy nên sau khi tham quan làng nghề truyền thống Thanh Tiên, nhiều du khách Anh, Pháp, Mỹ... đã đặt mua sen giấy đưa về nước để trưng bày hoặc làm quà kỷ niệm. 

“Chúng tôi rất ấn tượng với sản phẩm hoa sen giấy Thanh Tiên bởi đây là một sản phẩm rất độc đáo, dù được làm bằng giấy nhưng hoa vẫn được phối màu, trang trí hoa, lá, cành trông giống như hoa thật. Vì thế mỗi lần đến Cố đô Huế tham quan vào dịp Tết, chúng tôi đều có chuyến đi trải nghiệm về làng hoa giấy Thanh Tiên và gặp gỡ những con người hiền hòa, bình dị đã giữ hồn cho làng hoa giấy nơi đây”, một du khách người Anh chia sẻ khi đến thăm làng nghề Thanh Tiên vào những ngày giáp Tết.

Anh Khoa
.
.
.