'“Khu vườn ký ức' trên bán đảo Sơn Trà

Chủ Nhật, 28/02/2016, 09:20
Bảo tàng Đồng Đình, với diện tích rộng gần 10.000m², nằm bên suối Bụt, ở lưng chừng bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Đây không chỉ là nơi lưu giữ hàng trăm cổ vật và kho tàng dân tộc học phong phú mà còn là một trong số những bảo tàng độc đáo hiếm hoi ở Việt Nam kết hợp giữa không gian văn hóa nghệ thuật với không gian sinh thái rừng tự nhiên…


Chủ nhân của “Khu vườn ký ức” là NSƯT Đoàn Huy Giao, nhà làm phim truyền hình nổi tiếng, với niềm đam mê sưu tầm cổ vật văn hóa và hội họa. NSƯT Đoàn Huy Giao tâm sự, với hơn 40 năm miệt mài góp nhặt, sưu tầm những cổ vật văn hóa trên hành trình rong ruổi làm phim dọc đường đất nước, ông quyết tâm dành trọn sức lực và tâm huyết của mình để xây dựng nên một khu trưng bày mang dấu ấn riêng biệt theo ý tưởng cá nhân. 

Năm 2003, đề án xây dựng bảo tàng được TP Đà Nẵng phê duyệt thì mãi đến gần 10 năm sau nó mới hoàn thành. Trong suốt khoảng thời gian dài đó, ông đã tận dụng mọi khoảng thời gian rảnh của mình để lên đây vác từng khối đá, xếp từng viên gạch, chăm sóc từng khóm cây, bụi cỏ. Và cũng trong giai đoạn đó, lúc nào ông cũng rỗng túi vì tất cả số tiền kiếm được đều dồn hết vào xây dựng bảo tàng...

Các cổ vật gốm sứ trưng bày trong bảo tàng Đồng Đình.

Đến với bảo tàng Đồng Đình, du khách có thể nghe tiếng chim hót, tiếng suối chảy, có thể thong thả rải từng bước chân trên những con đường nhỏ trải đá quanh co nằm dưới tán cây rừng. Bảo tàng làm theo mô hình một khu nhà vườn trung du xứ Quảng, tạo cho người đến thăm một cảm giác thư thái như được trở về khu vườn tuổi thơ của mình. 

Điều đặc biệt trong không gian “Khu vườn ký ức” này là sự xuất hiện của rất nhiều cây Đồng Đình - một loại cây họ cau (caryota mitislour) mọc phổ biến ở rừng cấm quốc gia Sơn Trà, thường được người dân xứ Quảng gọi với cái tên Đùng Đình. Chính vì sự hiện diện của loài cây mang tính đặc trưng của thiên nhiên Sơn Trà này mà chủ nhân của bảo tàng đã chọn nó để đặt tên: “Bảo tàng Đồng Đình – Khu vườn ký ức”.

Có thể nói, phải được hòa mình trong không gian kiến trúc vườn rừng đó, được tận mắt chiêm ngưỡng những khu trưng bày, quan sát những hiện vật lớn nhỏ trong bảo tàng thì mới thấu hiểu phần nào cái sự kỳ công, cái tài, cái tâm của nghệ sĩ Đoàn Huy Giao. 

Thế nhưng khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình xây dựng bảo tàng, ông chỉ cười một cách nhẹ tênh: “Mất gần cả cuộc đời, tôi mới làm được bảo tàng này. Những khó khăn thì nhiều vô số, làm sao mà kể hết. Có điều, tôi làm nó bằng cả tâm huyết và sự đam mê nên không gì có thể ngăn cản được”. 

Từ trước đến nay, bảo tàng Đồng Đình thường chỉ được giới nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước chú ý đến, còn đối với người dân và du khách nó vẫn còn là một cái tên khá xa lạ.

“Bảo tàng Đồng Đình không đặt nặng việc kinh doanh thu lợi nhuận mà chỉ mong muốn tạo một không gian văn hóa phong phú, góp phần làm đa dạng thêm các sản phẩm văn hóa du lịch của TP Đà Nẵng. Là nơi để những nhà nghiên cứu có thể đến tìm kiếm tư liệu, người nghệ sĩ có thể đến tìm cảm hứng sáng tác và những người dân có thể đến để hiểu thêm về các giá trị văn hóa của dân tộc”, NSƯT Đoàn Huy Giao giãi bày.

Lý Na
.
.
.