Hành trình 100 năm cổ vật triều Nguyễn trở lại hoàng cung

Thứ Tư, 22/04/2015, 08:29
Sau hơn 100 năm lưu lạc ở nước ngoài, một trong những cổ vật quý giá của triều Nguyễn là chiếc xe kéo tay của Hoàng Thái hậu Từ Minh-mẹ vua Thành Thái đã được Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế đấu giá thành công để đưa về nước.
>> Cổ vật xe kéo triều Nguyễn được đấu giá trên 1,3 tỷ đồng sẽ hồi hương

Đây là cuộc đấu giá “có một không hai” trong lịch sử đấu giá cổ vật Việt Nam ở nước ngoài, được dư luận và giới truyền thông chú ý, bởi ý nghĩa từ sự “chung tay góp sức” của cộng đồng để bảo vệ di sản.

Châu về Hợp Phố        

Đến ngày 20/4, tức là 10 tháng sau khi chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đấu giá thành công tại Pháp, thì cổ vật quý giá này mới về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) và chuẩn bị được đưa về Huế sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý. Thế nhưng, theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế: Nếu như không có sự vào cuộc kịp thời của Bộ Ngoại giao, Bộ VHTT&DL thì có lẽ chiếc xe kéo quý giá này sẽ mãi mãi ở lại trên đất Pháp.

Nhớ lại cuộc đấu giá cổ vật “có một không hai” này gần 1 năm về trước, ông Hải hồ hởi cho biết: Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 13/6/2014, phiên đấu giá 2 cổ vật là chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh và long sàng của vua Thành Thái được tổ chức ngay tại Văn phòng Rouillac (Pháp). 

Ngay sau đó, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã đấu giá thành công chiếc xe kéo với giá 45.000 euro, cộng thêm phí đấu giá 24% thành 55.800 euro (khoảng 1,3 tỷ đồng); riêng chiếc long sàng bị đẩy giá quá cao nên không đấu trúng.

Chiếc long sàng của vua Thành Thái. 

Theo ông Hải, để có tiền đấu giá thành công cổ vật xe kéo tay của Hoàng Thái hậu Từ Minh, ngoài nỗ lực của Trung tâm, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chi 50.000 USD để đấu giá cổ vật. 

Đặc biệt, ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc, Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Guimet (Paris, Pháp) đã yêu cầu quyền ưu tiên của nước sở tại để mua lại cổ vật với giá ngang bằng. 

Trước nguy cơ cổ vật bị “tuột” khỏi tầm tay, phía Bộ Ngoại giao và Bộ VHTT&DL nhanh chóng “can thiệp” để Bảo tàng Guimet không tranh chấp mua chiếc xe kéo này nữa, nhờ thế mà cuộc đấu giá xe kéo về phía Việt Nam thành công. 

Ông Phan Thanh Hải khẳng định: “Chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh là cổ vật đầu tiên bị lưu lạc ở nước ngoài được Việt Nam đấu giá thành công để đưa trở lại nước sau hơn 1 thế kỷ lưu lạc!”.

Lần trở lại câu chuyện lịch sử liên quan đến cổ vật xe kéo triều Nguyễn mới biết được rằng, Nguyễn Phúc Bửu Lân (SN 1879) vốn là con thứ 7 của vua Dục Đức. Năm 1889, Bửu Lân bất ngờ được đưa lên ngôi, lấy niên hiệu là Thành Thái. Trong 18 năm ở ngôi hoàng đế, vua Thành Thái đã để lại những dấu ấn trong lịch sử bởi những hành động yêu nước, chống lại chế độ thực dân Pháp. 

Cũng vì nguyên nhân này mà năm 1907, nhà vua bị thực dân Pháp ép thoái vị và đưa đi Vũng Tàu quản thúc. Một số đồ ngự dụng vốn gắn bó thân thiết với ông đã được đem bán, hay cầm cố. Ngày 18/10/1907, chiếc long sàng của vua Thành Thái và chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh đã được định giá 400 đồng và bán cho ông Prosper Jourdan, là viên thanh tra phụ trách đội bảo vệ nhà vua.

Khi về nước, Prosper Jourdan đã đưa những báu vật này về Pháp và lưu giữ tại nhà riêng của mình. Năm 1916, để tưởng nhớ những kỷ niệm về xứ Đông Dương xa xôi, Jourdan đã đồng ý cho hội chợ thương mại Dijon mượn 2 cổ vật và trưng bày một thời gian. 

Tưởng chừng các cổ vật này sẽ chìm vào quên lãng thì bất ngờ đến đầu tháng 6/2014, gia đình Prosper Jourdan đã ủy nhiệm cho nhà bán đấu giá Rouillac tổ chức bán đấu giá 2 món cổ vật là chiếc long sàng và chiếc xe kéo nói trên. Nhận được thông tin này, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã tức tốc vận động các tổ chức, nhà tài trợ và những Việt kiều ở Pháp để quyên góp tiền với mục đích tham gia đấu giá cổ vật.

Chiếc xe kéo độc nhất vô nhị

Trước khi cuộc đấu giá 2 cổ vật triều Nguyễn diễn ra, phía nhà đấu giá Rouillac đã cung cấp đầy đủ thông tin trong hồ sơ đấu giá về chiếc long sàng cùng chiếc xe kéo và khẳng định: “Chiếc xe kéo là cổ vật quý giá”. 

Xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh có chiều cao 136cm, dài 230cm, rộng 102cm, được làm bằng gỗ lim do xưởng Hoàng Hưng ở Hà Nội sản xuất, trong đó phần chạm khảm xà cừ do các nghệ nhân nổi tiếng ở làng Kinh Lược - Hà Nội đảm nhận. 

Bề ngoài xe sơn màu đen và khảm xà cừ với màu sắc đa dạng. Đặc biệt, ở giữa lưng xe (phần mặt sau) là bức tranh hoa hồng và mỗi góc bức tranh là mỗi đóa hồng nở rộ. Ở giữa thanh tựa ngang, trên tấm tranh là bức phong cảnh và ở các đầu thanh tựa là một cành hoa được khảm xà cừ. Ngoài ra, các bộ phận của xe kéo như càng xe được trang trí bằng vòng bằng kim loại màu trắng; mui xe được gắn ống đồng; bánh xe được niềng sắt và trên xe có gắn thêm 2 đèn lồng để thắp nến. 

Chiếc long sàng cũng được mô tả rất tỉ mỉ trong tập hồ sơ đấu giá: “Chiếc long sàng được chạm khắc trên gỗ trắc (hoặc gỗ lim), vốn loại gỗ chắc nhất Đông Dương, hoàn toàn không thể hủy hoại, lên màu theo năm tháng. Chân và khung giường được chạm khắc hình con rồng. Ở bốn góc của mặt giường được gia công các trang sức nhỏ, ngăn kéo đầu giường được khảm xà cừ. Trên mặt ngoài của tấm tựa đầu giường được sơn đỏ, ba họa tiết thếp vàng được viền quanh bằng một đường chỉ vàng, trong đó có một hình tròn trung tâm là Rồng An Nam. Giường được trang trí bằng dải lụa đỏ dài 3m30, cao 80cm”. 

Và, chiếc long sàng này được ông Tạ Văn Quang, một Việt kiều có họ hàng với vua Thành Thái mua với giá 100.000 euro.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa-lịch sử Huế, thì cổ vật xe kéo kể trên vốn được vua Thành Thái đặt sản xuất để Hoàng Thái hậu Từ Minh dạo chơi trong ngự uyển và những địa điểm khác thuộc hoàng cung… 

Những ngày tháng 4 này, khi nghe tin chiếc xe kéo sắp được trở lại hoàng cung triều Nguyễn, bà Công Tôn Nữ Y Phương (60 tuổi, tên gọi khác là Monie Phương), cháu ngoại của vua Thành Thái khấp khởi vui mừng, bởi với bà Phương, để đưa cổ vật triều Nguyễn từ nước Pháp xa xôi về lại cung đình Huế là một... “kỳ tích”. 

Bà Phương kể lại, giữa năm 2014, khi nghe Trung tâm BTDT Cố đô Huế chuẩn bị cuộc đấu giá chiếc xe kéo trên tại Pháp, chính bà đã bỏ một khoản tiền tích cóp và kêu gọi bạn bè ở thành phố Phnom Penh (Campuchia, nơi gia đình bà Phương sinh sống) cùng nhiều Việt kiều ở Pháp để tổ chức quyên góp nhằm ủng hộ Trung tâm BTDT Cố đô Huế trong cuộc đấu giá này. Có lẽ chính nhờ tấm lòng của những người con xứ Huế vốn nặng lòng với cổ vật triều Nguyễn mà cuối cùng, chiếc xe kéo đã được phía Việt Nam đấu giá thành công.

Sau khi chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế, theo kế hoạch thì cuối tháng 4/2015, Trung tâm BTDT Cố đô Huế sẽ tổ chức trưng bày cổ vật này tại tòa nhà Tả Trà trong cung Diên Thọ, nơi các hoàng thái hậu triều Nguyễn ăn ở sinh hoạt trong suốt hơn 140 năm (1804-1945). 

Được biết đến nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã nỗ lực tìm kiếm và hiện đang lưu giữ trên 11.000 hiện vật liên quan đến triều Nguyễn. Trong khi đó, đã có hàng ngàn cổ vật triều Nguyễn khác bị thất lạc ra nước ngoài. 

Ông Hải khẳng định: “Việc người Việt Nam đồng tâm hiệp sức tham gia đấu giá thành công hai món cổ vật là chiếc xe kéo và long sàng thực sự là một sự kiện quan trọng, không chỉ cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng đối với các di sản văn hóa của cha ông để lại mà còn là dấu mốc đánh dấu sự “trở về” của các di sản ấy, trong đó có di sản của triều Nguyễn”. 

Ông Hải cho biết thêm, hiện Bộ Ngoại giao đang đàm phán để Việt Nam có thể tham gia vào Công ước quốc tế về trao trả lại di sản văn hóa bị đánh cắp của UNESCO. Và, nếu thành công thì công tác đưa những cổ vật của Việt Nam, trong đó có những cổ vật thuộc triều Nguyễn đang bị thất lạc ở nước ngoài trở về nước sẽ đơn giản hơn rất nhiều lần.

Anh Khoa
.
.
.