Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong tai nạn giao thông đường sắt

Thứ Sáu, 15/12/2017, 09:37
Từ ngày 1-7-2018, Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực. Theo đó, khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS), tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện các công việc sau đây:


a) Lái tàu hoặc nhân viên đường sắt khác trên tàu dừng tàu khẩn cấp; 

b) Trưởng tàu tổ chức phân công nhân viên đường sắt và người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn cứu giúp người bị nạn, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của người bị nạn, đồng thời phải báo ngay cho tổ chức điều hành giao thông đường sắt hoặc ga đường sắt gần nhất. Trường hợp tàu, đường sắt bị hư hỏng, trưởng tàu lập biên bản báo cáo về vụ tai nạn và cung cấp thông tin liên quan đến vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp tàu, đường sắt không bị hư hỏng, trưởng tàu tiếp tục cho tàu chạy sau khi đã lập biên bản báo cáo về vụ tai nạn và cử người thay mình ở lại làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 

c) Tổ chức điều hành hoặc ga đường sắt khi nhận được tin báo phải có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan Công an và UBND nơi gần nhất để xử lý, giải quyết tai nạn đường sắt; d) Cơ quan Công an và UBND nơi gần nhất khi nhận được tin báo về TNGTĐS có trách nhiệm đến ngay hiện trường để giải quyết (Điều 44).

Cũng theo Điều 44 – Luật này, đối với đoàn tàu không bố trí trưởng tàu, khi xảy ra TNGTĐS, ngoài việc dừng tàu khẩn cấp thì lái tài phải thực hiện các nhiệm vụ của trưởng tàu theo quy định tại điểm b, khoản 1 – Điều này. 

Trường hợp tàu, đường sắt không bị hư hỏng, lái tàu chỉ được phép tiếp tục cho tàu chạy sau khi đã lập biên bản báo cáo về vụ tai nạn và cử nhân viên đường sắt khác thay mình ở lại làm việc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 

Người điều khiển phương tiện giao thông khác khi đi qua nơi xảy ra TNGTĐS có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu, trừ trường hợp đang làm nhiệm vụ khẩn cấp. 

UBND các cấp nơi xảy ra TNGTĐS có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt cứu giúp người bị nạn, bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Trường hợp có người chết không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì UBND cấp xã nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm tổ chức chôn cất. Mọi tổ chức, cá nhân không được gây cản trở cho việc khôi phục đường sắt và hoạt động giao thông vận tải đường sắt sau khi xảy ra TNGTĐS. 

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định việc giải quyết sự cố, TNGTĐS; phân tích, thống kê báo cáo về sự cố, TNGTĐS.

Diễm Lệ
.
.
.