Nhức nhối tình trạng tai nạn giao thông đường sắt

Thứ Tư, 03/06/2015, 11:15
Nếu như 5 tháng đầu năm 2015, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ đã được kiềm chế, thì số vụ tai nạn liên quan đến đường sắt lại có xu hướng gia tăng. Vẫn là những nguyên nhân liên quan đến đường ngang trái phép. Về vấn đề này, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ngay lập tức yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo đảm. Tuy nhiên, với hạ tầng đường sắt như hiện nay, việc hạn chế tai nạn vẫn rất khó. Song, một vấn đề được đặt ra, cuối cùng ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù, khắc phục hậu quả từ các vụ tai nạn để lại?

Đến chiều 1/6, ngành Đường sắt vẫn tiếp tục khắc phục hậu quả từ vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào khoảng 7h30 sáng 1/6. Như Báo CAND đã đưa tin, đoàn tàu YB2 từ Yên Bái đang trên hành trình về Hà Nội, khi tới đường ngang dân sinh thuộc huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), do đâm vào xe tải chở đá nên đầu tàu văng xuống ruộng. Một số toa liền kề với đầu máy bị chệch khỏi đường ray, lái phụ bị thương nhẹ. Riêng ôtô tải lao xuống ruộng ngô và lật nghiêng, tài xế tử vong tại chỗ. 

Thời điểm xảy ra tai nạn, đoàn tàu đang chở hơn 100 khách và không ai bị thương. Phần lớn khách sau đó đã tự di chuyển về Hà Nội bằng ôtô. 

Trước đó không lâu, vào khoảng 7h20 ngày 29/5, một vụ tai nạn đường sắt giữa tàu hỏa SE1 và xe máy đã xảy ra trên tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn qua khu phố 4, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị), khiến một người tử vong. 

Vào thời điểm trên, ông Nguyễn Thường (72 tuổi), trú tại thôn Lan Đình, xã Gio Phong, huyện Gio Linh điều khiển xe máy  BKS 74F7-6207 lưu thông từ quốc lộ 1A rẽ qua đường dân sinh để vào thôn Hà Thượng, thuộc xã Gio Châu thì va chạm với tàu hỏa số hiệu SE1, chạy hướng Bắc-Nam do lái tàu Tô Tiến Dũng, Xí nghiệp Đầu máy xe lửa Hà Nội điều khiển. 

Vụ tai nạn khiến ông Thường chết tại chỗ, xe máy bị văng ra xa 15m hỏng nặng. Khi tai nạn xảy ra, đoàn tàu SE1 dừng khoảng 15 phút rồi tiếp tục cuộc hành trình. 

Ông Hoàng Đăng Cử, Đội trưởng Đội Quản lý đường sắt 2, Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên, cho biết nguyên nhân gây tai nạn ban đầu được xác định là do nạn nhân băng qua đường dân sinh mà không quan sát. Đơn vị đã tiến hành cắm mốc không cho phương tiện đi qua cũng như đóng biển báo chú ý tàu hỏa.

Mỗi khi tai nạn đường sắt xảy ra, việc khắc phục không hề đơn giản.

Trên thực tế, theo thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia, trong quý 1, TNGT đường sắt có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp ở cả 3 tiêu chí số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương đều tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt, đáng báo động là những vụ ôtô đâm vào đoàn tàu tại đường ngang cho thấy lái xe ôtô bất chấp mọi quy định khi tham gia lưu thông trên đường. 

Cụ thể hơn, báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho thấy, trong quý 1, đã xảy ra 116 vụ tai nạn trong toàn quốc (tăng 30 vụ); số người chết tăng 14 người; số người bị thương tăng 10 người so với cùng kỳ năm trước. 

Nguyên nhân các vụ tai nạn nêu trên chủ yếu là do người dân, các phương tiện đường bộ (xe máy, ôtô) đi ngang qua đường sắt không chú ý quan sát dẫn đến tai nạn. Đặc biệt đã có 47 vụ ôtô đâm vào đoàn tàu, trong đó 14 vụ có người chết và bị thương. 

Phân tích các vụ tai nạn giao thông đường sắt, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đưa ra con số, khoảng 66,9% số vụ tai nạn trên xảy ra trên các giao cắt cùng mức giữa đường sắt và đường bộ mà chủ yếu là tại các lối đi dân sinh tự mở trái phép qua đường sắt. 

Được biết, trên toàn mạng lưới đường sắt hiện có 5.751 đường ngang giao cắt. Mật độ bình quân gần 2km đường sắt chính tuyến có 1 đường ngang. Trong số các đường ngang hợp pháp, có đến 86% không đủ điều kiện an toàn như tầm nhìn hạn chế, độ dốc và góc giao cắt của đường bộ qua đường sắt vượt quá quy định theo tiêu chuẩn “quản lý đường ngang”, đặc biệt là đường ngang tại các vị trí đường bộ song song, liền kề đường sắt và ra vào các khu dân cư, khu công nghiệp... 

Tại vị trí các đường ngang dân sinh do người dân địa phương tự mở, ngành Đường sắt đã tổ chức rào chắn nhưng vẫn không thể ngăn chặn được việc tự tháo dỡ của người dân để lấy lối đi chính là một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng gia tăng tai nạn đường sắt trong thời gian qua.

Siết chặt quản lý đường ngang, ngăn chặn tai nạn đường sắt

Ngày 2/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã chủ trì làm việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về bảo đảm an toàn giao thông(ATGT) đường sắt.

Trước thực trạng tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt tăng trong 5 tháng đầu năm nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp cấp bách lập lại trật tự ATGT đường sắt. “Mỗi cán bộ đường sắt phải thấy đau xót khi hằng ngày nghe tin có người chết vì TNGT đường sắt”, Bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu VNR phải phối hợp chặt chẽ với địa phương, trước mắt tập trung các địa phương thường xuyên có tai nạn.

Bên cạnh đó, rà soát lại tốc độ từng cung đường, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào bảo đảm ATGT đường sắt.

Phạm Huyền 

Đặng Nhật
.
.
.