Có thể khởi tố hình sự nếu nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội
- Làm giả hồ sơ thai sản để trục lợi bảo hiểm xã hội
- Việc khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội đang bế tắc vì luật
- Khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội còn vướng do luật
- Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện rất thấp
Nguyên nhân được cho là do vướng mắc về pháp lý, bất cập giữa một số quy định trong 4 bộ luật, gồm Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn và Luật Tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện cơ quan chức năng của Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), BHXH Việt Nam tại buổi tọa đàm về vấn đề nợ BHXH chiều ngày 8-5, tới đây khi các bộ luật và các quy định hoàn thiện, những vướng mắc này có thể sẽ được giải quyết và không loại trừ sẽ khởi tố hình sự đối với việc nợ, trốn đóng BHXH khi Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực
190 nghìn lao động bị ảnh hưởng
Chia sẻ về tình hình nợ, trốn đóng BHXH tại buổi tọa đàm, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH VN cho biết, có khoảng 50% doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Theo chia sẻ của ông Đào Việt Ánh thì mặc dù cơ quan này đã triển khai nhiều biện pháp nhưng tình trạng trốn đóng BHXH diễn ra khá phổ biến. Hiện BHXH Việt Nam đang quản lý khoảng hơn 235.000 doanh nghiệp, trong khi đó, dữ liệu cơ quan thuế quản lý khoảng gần 500.000 doanh nghiệp.
Như vậy, có khoảng 50% số doanh nghiệp chưa tham gia BHXH hay gọi là trốn đóng BHXH. Về nợ BHXH, ông Đào Việt Ánh cho biết, tính tới cuối năm 2015, số nợ BHXH là gần 10.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,88% số phải thu. Đến cuối năm 2016, số nợ giảm xuống còn khoảng 7.500 tỷ đồng, tương đương 3,3% số phải thu.
Số nợ BHXH của các doanh nghiệp hiện nay đang ảnh hưởng đến 190 nghìn người lao động. |
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2017, số nợ có tăng thêm, tính toán của BHXHVN thì số nợ hiện nay vào khoảng 14.000 tỷ đồng, tương đương 4,5% số phải thu. Tình hình nợ đọng BHXH biến động tương đối phức tạp, số nợ hàng năm có giảm, số nợ trước khi chuyển sang công đoàn cơ sở khởi kiện có giảm nhưng những tháng gần đây lại có xu hướng gia tăng.
“Nợ BHXH tập trung vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Và hiện tại, trong số nợ đóng BHXH nêu trên có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ đọng kéo dài qua nhiều năm. Riêng số này đã ảnh hưởng tới quyền lợi của hơn 190.000 người lao động tham gia BHXH”, ông Đào Việt Ánh cho biết.
Vướng vì khoảng trống pháp luật
Theo thống kê của Tổng LĐLĐVN đến hết tháng 2- 2017, BHXHVN đã chuyển giao cho Tổng LĐLĐ VN danh sách 1.177 bộ hồ sơ doanh nghiệp nợ BHXH. Tại 52 LĐLĐ cấp tỉnh, thành cũng đã tiếp nhận hơn 1.150 hồ sơ doanh nghiệp, tới nay đã có 39 LĐLĐ tỉnh, thành nộp đơn ra toà với 77 vụ kiện.
Dự kiến, thời gian tới, 17 LĐLĐ tỉnh, thành sẽ tiếp tục khởi kiện 63 doanh nghiệp nữa. Thế nhưng, Tổng LĐLĐVN cho biết, có tới 17/77 vụ bị toà án trả lại vì tòa lý giải rằng không thuộc thẩm quyền của toà án, vụ kiện thuộc tranh chấp tập thể về quyền chưa được cấp chủ tịch UBND huyện giải quyết hoặc chưa có giấy uỷ quyền của công đoàn cơ sở.
Tại buổi tọa đàm, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, Điều 14 của Luật BHXH đã quy định rõ tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH từ ngày 1-1-2016. Vậy nhưng thực tế, đang có sự chồng chéo và khoảng trống về pháp luật, dẫn đến khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH hiện nay.
“Để tổ chức công đoàn khởi kiện và được toà án chấp nhận thụ lý vụ án khởi kiện, cần phải dựa vào căn cứ vào Bộ Luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, Luật BHXH có hiệu lực từ 1-1-2016 nhưng tới ngày 1-7-2016, Luật Tố tụng dân sự mới có hiệu lực. Tiếp đó, Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1-7-2016, nhưng phải tạm dừng để chờ tới Kỳ họp Quốc hội tới đây cho ý kiến. Do đó có khoảng trống pháp luật”, ông Mai Đức Chính phân tích.
Có thể khởi tố hình sự
Để khai thông những bế tắc hiện nay, đại diện các cơ quan chức năng cho rằng có 2 phương án có thể khơi thông bế tắc pháp lý. Một là BHXH VN thực hiện chức năng thanh tra thu và tiếp tục khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH.
Cho rằng đây là một hướng hay, ông Mai Đức Chính cho rằng, trước đây BHXH VN đã khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Nhưng khi xây dựng Luật BHXH, do BHXH VN có thêm chức năng thanh tra nên chuyển chức năng khởi kiện sang công đoàn.
“BHXH là đơn vị sự nghiệp công nhưng có thêm chức năng thu BHXH và quản lý quỹ BHXH. Do đó, BHXH VN vẫn có thể thực hiện chức năng thanh tra thu và khởi kiện. Những điều này nếu áp dụng thì đều phải sửa nhiều Luật liên quan như Luật BHXH hoặc Luật Tố tụng dân sự năm 2015 hoặc Quốc hội có thêm nghị quyết riêng về vấn đề này”, ông Mai Đức Chính nói.
Một hướng giải quyết nữa cũng được đề cập là tổ chức công đoàn cấp trên đứng ra khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH của người lao động ở công đoàn cơ sở cấp dưới trực tiếp. “Giải pháp này bắt buộc phải sửa luật và trong đó phải quy định rõ là giao cho công đoàn cấp trên”, ông Mai Đức Chính nói.
Đồng tình với các phương án nêu trên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực thì có thể khởi tố. Tuy nhiên, trong lúc chờ Bộ luật Hình sự có hiệu lực thì BHXHVN cần thực hiện tốt chức năng thanh tra thu, bên cạnh đó, để gỡ khó cho tổ chức công đoàn khi khởi kiện là giao cho công đoàn cấp trên.