Xuất khẩu - Điểm sáng của năm 2022

Thứ Sáu, 20/01/2023, 11:35

Năm 2022, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động đã tác động rất lớn tới kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Nhưng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN), sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ và các bộ ngành, kim ngạch XNK năm 2022 đã cán đích sau 11 tháng với mức 673,82 tỷ USD.

Đây là kết quả ấn tượng, điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2022. Với kết quả này, các chuyên gia kinh tế nhận định, xuất khẩu (XK) tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Động lực tăng trưởng của nền kinh tế

Năm 2022, XK của Việt Nam vẫn tiếp tục ghi dấu ấn trong nền kinh tế với con số XK đạt hơn 732,5 tỷ USD,  xuất siêu 11,2 tỷ USD.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT-Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết, năm 2022 kim ngạch XK của Vina T&T đạt 65 triệu USD tăng 5% so với năm 2021. Trong những tháng đầu năm tăng trưởng 30% so với cùng kỳ, đơn hàng nhiều hơn, thị trường cũng được mở rộng. Tuy nhiên, trong quý IV nhiều ngành hàng bị sụt giảm đơn hàng, các mặt hàng nông sản cũng bị tác động nhưng không bị sụt giảm nhiều như các ngành hàng khác.

top-10-mat-hang-viet-nam-xuat-khau-nhieu-nhat-4.jpg -0

Lý giải về những điểm sáng này với ngành hàng rau, củ, quả, ông Tùng cho biết, thời điểm cuối năm nhiều Nghị định thư được ký kết như XK chuối, sầu riêng vào Trung Quốc; chanh, bưởi vào New Zealand; bưởi vào Mỹ. Đây là những tín hiệu tốt cho tăng trưởng, sự hụt giảm trong các đơn hàng đã được các mặt hàng mới bù đắp qua.

Thị trường Mỹ rất rộng, có nhu cầu với một số mặt hàng hoa quả của Việt Nam. Đặc biệt vừa qua, công ty đã XK lô bưởi đầu tiên đi Mỹ. Đây là loại quả có quanh năm ở Việt Nam, vùng trồng rộng, chăm sóc theo quy chuẩn, qua chế biến, xử lý theo quy chuẩn, bảo quản được 90 ngày. Khi thâm nhập tốt thị trường và được bán ở khắp các tiểu bang Mỹ thì khả năng cạnh tranh sẽ tốt hơn. “Tôi tin rằng, với những nỗ lực của DN và sự hỗ trợ kịp thời của thương vụ, tham tán thương mại ở các nước sở tại trong việc kết nối giữa DN trong nước với các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhiều hợp tác đã được xác nhận, theo đó, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ mở rộng được thị phần, nâng cao giá trị XK và mang thương hiệu Việt đi xa hơn”, ông Tùng nói.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, trong năm 2023, mặc dù thị trường vẫn còn nhiều khó khăn nhưng công ty đã ký được đơn hàng 1.500 container sầu riêng XK sang Trung Quốc; những thị trường chính của công ty như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Canada cũng giữ ổn định. Năm 2023, chi phí vận tải giảm sâu, các cảng thế giới thông thoáng, tàu đi nhanh hơn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thông thương, XK sẽ tăng trưởng tốt hơn. Với những điều kiện thuận lợi như vậy, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 20% so với năm 2022.

Cùng với ngành hàng rau củ quả, thì ngành gỗ cũng góp phần đáng kể vào kim ngạch XK và một số DN vẫn giữ được đơn hàng và thị trường. Ông Thang Văn Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hào Hưng cũng vui mừng chia sẻ, những tháng đầu năm có thể nói là “thăng hoa” của ngành gỗ, với đơn hàng nhiều, giá trị cao.

Theo đó, hết năm 2022, kim ngạch XK của Hào Hưng đạt 500 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 3.600 công nhân với mức lương trung bình khoảng 8 triệu đồng/1 tháng. Tuy nhiên, trước sự sụt giảm đơn hàng đối với ngành XK gỗ diễn ra từ quý IV/2022 dự báo còn kéo dài tới quý II/2023 sẽ tác động rất lớn tới DN ngành gỗ nói chung và Hào Hưng nói riêng.

Các sản phẩm XK chính của DN là các sản phẩm lâm nghiệp, gỗ thị trường chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, trong khi đó, Trung Quốc là thị trường XK chính. Do vậy, để hạn chế rủi ro và hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn này, rất cần có chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là về vốn, tháo gỡ điểm nghẽn về tín dụng và ưu tiên vốn cho DN XNK. “Thúc đẩy XK thì cần có sự hỗ trợ về chính sách tài khoá, ưu tiên cho DN sản xuất, XK. Trên thực tế, DN có tiềm lực thì còn nỗ lực vượt qua được giai đoạn này, còn DN nhỏ, không có nội lực không xoay được dòng vốn thì nguy cơ đóng cửa, phá sản là hiện hữu”, ông Thang Văn Thông nhấn mạnh.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức do đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá. Tuy vậy, XK trong năm 2022 đạt 44 tỷ USD. Sang năm 2023, ngành dệt may đưa ra tham vọng, đột phá vượt qua thách thức khó khăn, đạt XK khoảng 45-47 tỷ USD, tùy diễn biến thị trường nhập khẩu.

Về các động lực tăng trưởng, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP cho rằng, tăng trưởng XK vẫn là yếu tố quan trọng nhất tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.

318385033_1220990645157096_5932889197627414994_n.jpeg -0
Xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023.

Các chuyên gia cũng khẳng định, dù khó khăn nhưng nền tảng vẫn là XK. Trong đó, phát huy tốt hơn vai trò của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đối với tăng trưởng cần thúc đẩy nâng cấp chuỗi giá́ trị, phấ́n đấu tham gia vào phân khúc cao hơn trong chuỗi giá́ trị toà̀n cầu; tập trung những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, đang có nhu cầu cao ở các nước tiên tiến…

Tận dụng tốt các FTA

Trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nguy cơ lạm phát, tỷ giá đồng USD tăng cao, đồng thời lạm phát và suy thoái kinh tế đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ gây ra nhiều tác động làm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm, gây bất lợi đến hoạt động XK hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt, từ quý IV/2022, số lượng đơn hàng đã sụt giảm mạnh, tình trạng này dự báo còn kéo dài sang quý I, II/2023. Trước những khó khăn này, nhiều giải pháp đã được đề xuất để hỗ trợ DN và thị trường. Trong đó, kết quả XNK trong thời gian qua là minh chứng cho thấy các DN đã và đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA), thâm nhập vào từng thị trường “ngách” ở EU, các thị trường xa như châu Phi hay khu vực Mỹ La tinh.

Đơn cử, với Hiệp định CPTPP, bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, sau 3 năm thực thi CPTPP, kim ngạch XK hàng hóa sang các thị trường trong khối tăng trưởng lên đến 75-100%. Nhóm điện thoại và linh kiện, nhóm điện tử và máy vi tính, máy móc, phụ tùng, dệt may, da giày… là những mặt hàng XK chủ lực sang khu vực này.

Hiệp định EVFTA có tác động rất lớn đến hoạt động XNK vì EU là thị trường tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của Việt Nam. Trong đó, có các sản phẩm như thủy sản, lúa gạo và cũng là thị trường đa dạng sản phẩm công nghiệp tiêu thụ lớn. Đa số mặt hàng XK sang EU đều có mức tăng trưởng cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như: Sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%, hoặc nhóm cà phê tăng 75,2%, hạt tiêu tăng trưởng 55,8%.

Để tận dụng thành công FTA và tạo dựng được chỗ đứng vị thế của thương hiệu Việt tại các thị trường, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, EVFTA mang đến cơ hội cạnh tranh sòng phẳng cho các DN gạo Việt Nam. Hiện, Trung An đã XK thành công gạo mang thương hiệu riêng vào thị trường châu Âu và bán được với mức giá ngang bằng với giá gạo của Thái Lan. Để có được kết quả này, DN đã tập trung đầu tư cho chất lượng và thương hiệu. “Xây dựng thương hiệu là rất quan trọng và đi kèm đó phải là chất lượng và tính ổn định. Nếu chất lượng lô hàng sau có khác biệt, châu Âu sẽ lập tức trả hàng về”, ông Phạm Thái Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Huy Hưng, Chủ tịch Vinafood II cho biết, năm 2022, tình hình kinh tế có nhiều biến động, nhưng Vinafood II đã cố gắng tìm kiếm các biện pháp để khắc phục, cố gắng khai thác khách hàng cũ, mở rộng tìm kiếm khách hàng mới nhằm hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Vinafood II có những thị trường chính tại khu vực ASEAN, châu Mỹ và châu Âu, từ năm 2017 đã làm đầu mối cung cấp gạo theo MOU cho thị trường Bangladesh.

Để thích ứng được với biến động của thị trường và chớp lấy cơ hội từ những thị trường mới, nhiều DN cho biết đã căn cứ tình hình thị trường để thực hiện xúc tiến thương mại, đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử. Đồng thời ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để giúp DN tối ưu hóa năng suất, nâng cao hiệu quả và nâng cao chất lượng cho sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, DN vẫn phải chú trọng đầu tư công nghệ, tránh bị động, tìm hiểu kỹ khách hàng, từ nhu cầu tới uy tín DN và chất lượng sản phẩm phải đảm bảo, ổn định, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Lưu Hiệp
.
.
.