Doanh nghiệp lưu ý khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính

Thứ Hai, 19/12/2022, 07:43

Được xem là thắng lớn trong xuất khẩu (XK), lũy kế tới hết tháng 11/2022, XK thuỷ sản của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD (tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021).

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tăng mạnh nhất là mặt hàng cá tra, tăng đến 63% đạt gần 2,3 tỷ USD, tiếp đến cá ngừ tăng 40% đạt 941 triệu USD, tôm tăng 14% đạt trên 4 tỷ USD... Trong đó, XK lớn nhất vào thị trường Mỹ với trên 2 tỷ USD, XK vào thị trường EU đạt trên 1,2 tỷ USD, Hàn Quốc đạt trên 882 triệu USD. Đặc biệt, các nước trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chiếm đến hơn 26% tổng XK thuỷ sản của Việt Nam với gần 2,7 tỷ USD (tăng 34% so với cùng kỳ).

Không riêng ngành thủy sản, có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp khác đã khai thác rất tốt các thị trường khó tính và các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn và chưa biết đến bao giờ kết thúc đã ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Doanh nghiệp lưu ý khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính -0
Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ngoạn mục vào các thị trường khó tính.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, trước đây khi Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) chưa được ký kết, gạo Việt Nam vào EU có thuế suất rất cao từ 5 - 45%.Trong khi đó, gạo của Lào, Campuchia, Myanmar,... lại được EU cho chính sách đặc cách, nghĩa là được miễn thuế vì đây là những nước nghèo. Khi có EVFTA, các DN ngành gạo cuả Việt Nam đã có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn và đẩy mạnh XK vào thị trường EU.

Là doanh nghiệp (DN) XK trái cây lớn nhất Việt Nam qua thị trường Mỹ và một số thị trường "khó tính" khác như Úc, Canada, Nhật Bản…, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM DV XNK Vina T&T chia sẻ kinh nghiệm với các DN XK được rút ra từ chính DN mình.

Theo đó, để đưa được trái cây XK sang các nước trên thế giới, Vina T&T đã tìm hiểu và tuân thủ đúng luật của từng nước, tuy nhiên DN cũng phải hiểu rằng chất lượng sản phẩm chính là vấn đề sống còn. Vì vậy khi XK, DN đã kết hợp cùng nông dân xây dựng các vùng trồng đảm bảo chất lượng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mà các thị trường nhập khẩu (NK) cấm. Để tăng tính cạnh tranh, Vina T&T đã nghiên cứu trái cây của các quốc gia lận cận đang XK vào thị trường tiềm năng mà trái cây Việt có thể đáp ứng, để cạnh tranh với các quốc gia đó, như Thái Lan... Và cuối cùng, để sản phẩm có được giá thành tốt nhất trên thị trường, DN đã cắt giảm các khâu trung gian, đồng thời xây dựng nên một quy trình XK được giám sát nghiêm ngặt từ vùng trồng đến người tiêu dùng.

Vì vậy, khi muốn XK sang các quốc gia "khó tính", ông Nguyễn Đình Tùng cũng lưu ý DN vì mỗi quốc gia có những tiêu chuẩn, "luật chơi" khác nhau. Ví dụ như XK vào thị trường Mỹ thì bắt buộc phải có mã vùng trồng do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp, đơn vị đóng gói sản phẩm được Mỹ đánh giá và cấp mã số đóng gói, các lô hàng xuất qua Mỹ phải chiếu xạ, chuyên gia Mỹ sẽ kiểm tra và ký giấy xác nhận lô hàng. Mỹ chỉ cho phép những loại trái cây nào mà Chính phủ 2 nước đồng ý cho qua. Còn với thị trường EU thì tất cả hàng hóa được phép NK vào thị trường này, nhưng EU có những quy định rất nghiêm ngặt.

Cụ thể, DN XK vào thị trường EU phải có chứng nhận GlobalG.A.P., ISO, HACCP… và mới nhất là chứng nhận SMETA (chứng nhận xã hội, môi trường). EU có khoảng 40 hoạt chất cấm (Mỹ ít hơn) đối với hàng NK, có những hoạt chất ở Nhật Bản, Mỹ, Úc không cấm, nhưng EU lại cấm. Có đến 80-90% hàng hóa NK vào thị trường EU buộc phải kiểm nghiệm, nếu kiểm nghiệm mà bị vấn đề gì thì sẽ bị EU đưa vào "danh sách đen" và có những chế tài nghiêm ngặt. Còn với thị trường Trung Quốc, Việt Nam XK chính ngạch vào thị trường này chỉ có 9 loại trái cây. Vì vậy, DN khi muốn XK loại trái cây nào vào thị trường TQ thì cần phải tìm hiểu kỹ xem được XK chính thống hay không.

"Với những thị trường "khó tính", nếu chúng ta biết "luật chơi" thì thị trường đó không còn khó tính nữa", ông Tùng nói.

Ngoài những vấn đề trên, các DN XK cần phải hết sức chú ý về nhu cầu thị trường XK, kiểm soát chất lượng hàng hóa và công nghệ bảo quản. Bởi, công nghệ bảo quản hàng hóa của Việt Nam hiện nay thuộc loại rất thấp. Chỉ có một số ít loại nông sản XK được bảo quản tốt như: bưởi (bảo quản được 90 ngày), dừa (bảo quản 80 ngày)…

Còn lại nhiều loại nông sản khác, đặc biệt là rau củ, trái cây tươi như thanh long, chôm chôm, vải, nhãn… thời gian bảo quản không nhiều nên không bán được nhiều tại thị trường XK. Ví dụ, trái cây tươi XK sang Mỹ vận chuyển bằng đường hàng không mất 2 ngày, đưa lên quầy kệ mất thêm 3 ngày, trong khi hạn sử dụng tốt chỉ có 7 ngày. Trong khi đó, chi phí vận chuyển bằng đường hàng không quá đắt, về lâu dài DN đang tính toán phải vận chuyển bằng đường biển, nên công nghệ bảo quản được đặt lên hàng đầu.

Vì vậy để tăng trưởng XK, các DN cần tiếp tục khai thác các thị trường mà Việt Nam có FTA để được hưởng thuế ưu đãi. Song song đó, DN cũng cần xây dựng các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm để chinh phục được các thị trường "khó tính". Bởi, một khi sản phẩm của DN vào được các thị trường "khó tính" như Mỹ, EU, Nhật Bản… thì sẽ dễ dàng vào được các thị trường khác trên thế giới.

Thúy Hà
.
.
.