Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Thứ Năm, 08/12/2022, 09:18

Tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 với chủ đề “Mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu” sáng 7/12, ông Hoàng Khánh Duy, Phó Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) cho biết, đơn vị nhận được phản ánh, một số cá nhân nhận ủy quyền làm thủ tục xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có dấu hiệu gian lận mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói...

Nhiều doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ về quản lý an toàn thực phẩm

Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký 5 Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với các mặt hàng nông sản, gồm: Sầu riêng, chuối, chanh dây, khoai lang và tổ yến. Điều này mở ra cơ hội rộng lớn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu (XK) sang thị trường đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm thách thức khi thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt về chất lượng an toàn thực phẩm.

Tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu. Theo đó, những doanh nghiệp (DN) nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn XK sang thị trường Trung Quốc bắt buộc tuân thủ những quy định mới. Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

dd.jpg -0
Ngày 17/9/2022 đánh dấu sự kiện hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Ông Duy thông tin, hiện nay còn nhiều DN chưa nghiên cứu kỹ Lệnh 248, 249, nên khi triển khai đăng ký còn nhiều lúng túng, dẫn đến chậm thông quan; hàng nông sản XK chủ yếu vẫn ở sản phẩm thô, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng nhận được phản ánh, một số cá nhân nhận ủy quyền làm thủ tục XK sầu riêng sang Trung Quốc có dấu hiệu gian lận mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói. UBND tỉnh Lạng Sơn đã nắm được thông tin và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra vụ việc.

Chia sẻ thông tin về triển khai đăng ký một số sản phẩm thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc do Bộ Công Thương quản lý, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng An toàn thực phẩm và Công nghệ sinh học, Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, nỗ lực của Văn phòng SPS Việt Nam trong thời gian qua trong việc triển khai Lệnh 248, 249 là một tiêu biểu cho sự phối hợp liên ngành trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trước diễn biến mới về yêu cầu của các nước nhập khẩu. “Ở đây, chúng ta đã có sự phân định rõ ràng, rành mạch, không có sự trùng, trống về trách nhiệm cũng như thẩm quyền của các cơ quan chức năng của các Bộ, ngành”, ông Thắng khẳng định.

Liên quan đến hoạt động đăng ký, giới thiệu xuất khẩu đối với doanh nghiệp thuộc 3 nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, ngay khi nhận được hướng dẫn của Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ đã ban hành hướng dẫn tới Sở Công Thương của 63 tỉnh thành. Trên cơ sở doanh nghiệp đăng ký, cơ quan quản lý địa phương sẽ tập hợp hồ sơ, kiểm tra và báo cáo về Bộ. Từ đó, Bộ xác nhận việc đáp ứng và giới thiệu đăng ký với phía Trung Quốc. “Chúng tôi đang lên kế hoạch kiểm tra các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu và được giới thiệu đăng ký xuất khẩu và đưa vào kế hoạch kiểm tra năm 2023”, ông Thắng nói.

Doanh nghiệp xuất khẩu phải chủ động cập nhật hồ sơ

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết, triển khai thực hiện Lệnh 248, 249 từ năm 2021, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã tập trung phổ biến cho các cơ quan, đơn vị nội dung thực thi, yêu cầu từ phía thị trường Trung Quốc. Đến năm 2022, Cần Thơ đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho các doanh nghiệp cũng như các hộ sản xuất, kinh doanh về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, quy định về kiểm dịch thực vật để đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. “Năm 2022, số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số tại địa phương đã tăng vượt bậc với 28 mã số vùng trồng, 3 cơ sở đóng gói”, ông Nguyễn Tấn Nhơn thông tin.

Đại diện Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho rằng, hiện nay công tác triển khai, thực hiện cấp mã số đang gặp khó khăn do vùng trồng còn nhỏ lẻ, việc cấp mã số gặp khó khăn, thiếu nguồn lực để định vị, xác định vùng trồng, từ đó dẫn đến việc khó quản lý các vùng trồng.

Theo đó, ông Nguyễn Tấn Nhơn đưa ra đề xuất các địa phương cùng Bộ NN&PTNT cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo sự minh bạch trong sản xuất, cung ứng, không để gian lận trong việc sử dụng mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần cùng phối hợp để tạo dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng đảm bảo chất lượng, sản lượng khi cung ứng cho đối tác Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam có 7 loại trái cây XK truyền thống sang Trung Quốc, gồm: Xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít. Bên cạnh đó, có 5 loại XK theo hình thức ký kết Nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: Việc triển khai đáp ứng hai Lệnh 248, 249 trong 1 năm vừa qua đã cơ bản thỏa mãn được yêu cầu từ phía Trung Quốc. Những khó khăn, vướng mắc đều được Văn phòng SPS nhanh chóng kết nối với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ.

Theo ông Hòa, Lệnh 248 không điều chỉnh việc đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Phía Trung Quốc không yêu cầu tất cả doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm hoa quả tươi, hoa quả nhiệt đới của Việt Nam và Trung Quốc phải đăng ký và phải có mã số mới được cấp phép. Phía bạn chỉ yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc, khi làm thủ tục kiểm dịch ở phía Trung Quốc thì hàng hóa trên bao bì nhãn mác phải rõ ràng thông tin, có mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng. Đầu mối quản lý xuất khẩu hoa quả nhiệt đới sang Trung Quốc là Cục Bảo vệ thực vật (BVTV). Do đó, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương sản xuất và Cục BVTV để cấp và quản lý được mã số khoa học, minh bạch. Các doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu cũng phải công khai, minh bạch, không khai gian lận, mượn mã số vùng trồng để xuất khẩu... Nếu bị phát hiện thì hệ lụy rất lớn, thậm chí bị hủy tư cách xuất khẩu. Bên cạnh đó, tất cả sản phẩm thực phẩm phải đăng ký thông qua cơ quan quản lý Nhà nước từ phía Việt Nam, mới đủ điều kiện để xuất đi Trung Quốc.

Theo ông Hòa, sắp tới, phía bạn sẽ kiểm tra rất nghiêm ngặt mức độ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất trong các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp, bản thân các đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phải chủ động cập nhật, nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời để đảm bảo theo những yêu cầu từ phía bạn.

Ông Hòa cũng lưu ý, từ nay đến 30/6/2023, nếu doanh nghiệp nào được phép đăng ký trực tiếp phải chủ động cập nhật các hồ sơ, nếu trong trường hợp chưa đủ năng lực có thể thông qua các cơ quan thẩm quyền hỗ trợ việc đăng ký; các hồ sơ nên dịch ra tiếng Trung Quốc sẽ rất thuận lợi cho phía Hải quan Trung Quốc xem xét sau này.

Chi Linh
.
.
.