Khôi phục sản xuất trong điều kiện “bình thường mới”

Thứ Bảy, 09/10/2021, 08:22

Sau khi được công nhận “vùng xanh”, một số địa phương vùng châu thổ Cửu Long nới lỏng giãn cách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất, kinh doanh (SXKD) hoạt động trở lại theo phương châm “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả”.

Sau 2 tháng đóng cửa phòng dịch, bà Mai Thị Biển (ngụ xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đã mở cửa bán vật liệu xây dựng trở lại phục vụ người dân địa phương. Theo bà Biển, 2 tháng nghỉ bán, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giờ được bán hàng trở lại, doanh số giảm gần 70% so với thời điểm chưa có dịch nhưng gia đình cố gắng phục hồi sản xuất.

“Khách tới mua hàng tôi đề nghị đứng cách xa, còn bản thân phải đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn mới tiếp khách. Hàng hóa, tiền trước khi nhận đều phải sát khuẩn. Đối với nhân công giao hàng chỉ đi trong “vùng xanh”, không giao hàng ngoài địa bàn huyện”, bà Biển cho hay.

Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, toàn huyện hiện có trên 9.768 công ty, doanh nghiệp (DN), cơ sở SXKD. Hiện, 70% cơ sở SXKD trên địa bàn được hoạt động trở lại trong điều kiện “bình thường mới”. Theo đó, tùy vào điều kiện kinh doanh từng mặt hàng, các cơ sở xây dựng phương án vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch phù hợp.

Khoiphuc_2-1633742600538.JPG
Nông dân Sóc Trăng thu hoạch lúa Hè – Thu sau những ngày giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.

Trong 3 tháng dịch bùng phát, tổng giá trị SX trên địa bàn huyện Phụng Hiệp chỉ đạt 5.147 tỉ đồng, giảm 9,29% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giảm 11,47%. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng giảm 35,19%; tổng thu ngân sách trên địa bàn giảm 24,31%. Để hoàn thành các chỉ tiêu năm chưa đạt, 3 tháng cuối năm, huyện Phụng Hiệp đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung “vừa phục hồi sản xuất, vừa chống dịch hiệu quả”.

Để duy trì hoạt động, biện pháp mà DN thực hiện là cấp đồ bảo hộ phòng dịch cho người lao động; hướng dẫn tuân thủ vệ sinh phòng dịch; chấp hành quy định “5K” của Bộ Y tế; tăng cường tự động hóa các công đoạn SXKD. Chủ động triển khai phương thức, mô hình làm việc mới linh hoạt hơn như làm việc luân phiên, từng đợt lao động làm việc một thời gian sau đó lại nghỉ để cho một đợt lao động khác vào thay thế. Những lao động trước đây làm 3 ca thì khi dịch bệnh xảy ra số ca chỉ còn lại 2…

Tỉnh Hậu Giang đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ DN phục hồi trong tình hình mới để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật để các chính sách nhanh chóng đến người dân, DN. Đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ DN đã được HĐND tỉnh thông qua, như: hỗ trợ DN vừa và nhỏ; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024… để giảm bớt gánh nặng cho DN, từng bước phục hồi sản xuất.

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh đang tập trung các giải pháp phòng, chống COVID-19 vừa ổn định SXKD thúc đẩy phát triển kinh tế. Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, DN phục hồi sản xuất.

Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), sau ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Vĩnh Thạnh triển khai ngay kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế trên địa bàn. Lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản được khôi phục 100%. Tất cả 20 DN, 157 lò sấy lúa có phương án SX bảo đảm các biện pháp an toàn được phép hoạt động bình thường trở lại. Những đơn vị chưa hoàn thành đúng yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch đối với phương án sản xuất sẽ được hỗ trợ thực hiện các thủ tục để đủ điều kiện hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng dần hoạt động trở lại theo hướng cho người dân mở cửa buôn bán tại nhà, lưu động, theo các trục giao thông gồm các mặt hàng thiết yếu, tạp hóa; quán ăn, giải khát, nhà hàng được hoạt động theo hướng bán mang về. Giao thương hàng hóa, giao thông vận tải vận chuyển hành khách được khai thông (số ghế tối đa 50%), taxi, xe ôm… được hoạt động, tạo việc làm, phát triển kinh tế địa phương. Từ ngày 30/10 đến 30/11, huyện Vĩnh Thạnh xác định thương mại dịch vụ, giao thông, vận tải, bến khách ngang sông được hoạt động 100% công suất (trừ các dịch vụ vui chơi, giải trí, massage…). Sau ngày 30/11/2021, các lĩnh vực, hoạt động nêu trên được khôi phục hoàn toàn.

Sóc Trăng đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, lực lượng lao động trở lại làm việc ngày càng nhiều hơn, giúp cho sản xuất, kinh doanh có cơ hội phục hồi sớm hơn. Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho biết, trong thời gian giãn cách vừa qua cả người nuôi tôm, đại lý và DN chế biến đều gặp khó khăn. Nguyên nhân theo ông Huy chính là tình trạng thiếu hụt lao động và việc vận chuyển, lưu thông vật tư phục vụ nghề nuôi cũng như tôm thương phẩm gặp khó khăn.

Tuy nhiên, từ sau ngày 15/9 đến nay, tình hình SXKD, sức tiêu thụ nhiều mặt hàng nông, thủy sản chủ lực của Sóc Trăng cũng như vùng châu thổ Cửu Long được phục hồi đáng kể. Từ tuần thứ 2 của tháng 9/2021, giá tôm bắt đầu khởi sắc trở lại. Đáng phấn khởi những ngày gần đây, tôm cỡ nhỏ cũng có sức tiêu thụ mạnh hơn, bắt đầu tăng giá. Không chỉ có con tôm, vụ lúa Hè-Thu dù vào giai đoạn thu hoạch rộ vẫn có được mặt bằng giá, sức tiêu thụ có lợi cho nhà nông. Đối với các DN, nỗi lo thiếu hụt lao động vơi dần theo đà mở rộng “vùng xanh”.

Theo các DN vùng ĐBSCL, hiện số lao động trở lại làm việc cơ bản đáp đáp ứng yêu cầu SX nên công suất tăng đáng kể, góp phần rất lớn trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Sóc Trăng) cho biết, sau khi việc đi lại, vận chuyển được tháo gỡ, đơn vị bắt đầu mở rộng thu mua tôm sang một số địa phương trong khu vực để đảm bảo nguyên liệu đủ cho công suất hoạt động theo số lượng công nhân hiện có.

Đức Văn
.
.
.