Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất

Thứ Tư, 15/09/2021, 07:43

Đại dịch COVID-19 bùng phát đợt 4, với diễn biến phức tạp và kéo theo hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa. Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ - Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), toàn vùng có hơn 75.000 doanh nghiệp nhưng hiện chỉ còn khoảng 250 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.

Ba tháng qua, vùng ĐBSCL có gần 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường tạm dừng kinh doanh, ngừng hoạt động và giải thể (chiếm 20%). Các doanh nghiệp còn hoạt động chỉ đáp ứng từ 20-40% công suất. Ông Hồ Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Tháp cho biết, địa phương này có gần 2.600 doanh nghiệp đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, chiếm gần 90%. Tại An Giang, trong 3 tháng qua có 1.087 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản. TP Cần Thơ có đến 9.800 doanh nghiệp đóng cửa, ngưng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

khoi phuc 1.jpg -0
Hàng loạt doanh nghiệp trong Khu công nghiệp ở Cần Thơ dừng hoạt động do không đáp ứng “3 tại chỗ”.

Ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Công ty CASEAMEX chuyên chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) cho biết: Doanh nghiệp đang gặp bế tắc bởi sản xuất thủy sản không giống với các ngành hàng khác. Cá tra phải chế biến cá tươi sống và vận chuyển từ ao đến nhà máy. Công nhân trong nhà máy phải có đủ các khâu theo chuỗi liên hoàn, khép kín. Vì vậy, việc cắt giảm lao động khiến công ty gặp khó khăn, từ việc không có người bắt cá từ ao nuôi, công nhân trong nhà máy không đủ số lượng tham gia chuỗi sản xuất. “Doanh nghiệp đã thử mô hình “3 tại chỗ” nhưng không hiệu quả, do không đủ quy mô để sản xuất”, ông Đức nói. 

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, việc thực hiện phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất” dẫn đến số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã tạm dừng khoảng 95%. Việc lưu chuyển hàng hóa, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ, chậm tiến độ giao nhận hàng dẫn đến nguy cơ mất đơn hàng, hợp đồng, thị trường xuất khẩu. Chi phí lưu kho, lưu bãi tăng, cước vận chuyển tăng, chưa kể một số doanh nghiệp phải trả tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng trong thời gian phải tạm ngưng hoạt động. Doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả vay đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, khó tiếp cận khoản vay mới. Theo Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, hoạt động “3 tại chỗ” rất khó khăn cho doanh nghiệp. Việc áp dụng cứng nhắc “3 tại chỗ” cũng tốn rất nhiều chi phí, giảm năng suất lao động. Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ đề nghị cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở Công thương, Sở Giao thông - Vận tải và Cảng vụ, giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa cho doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường vừa chủ trì hội nghị trực tuyến với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp. TP Cần Thơ đang triển khai chiến dịch xét nghiệm COVID-19 cộng đồng đến ngày 17/9, với quyết tâm cao nhất bóc tách F0. Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh sớm các phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, các phương án phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống dịch COVID-19 đến cuối năm 2021. TP Cần Thơ sẽ tính toán mở lĩnh vực nào, mở như thế nào, đôn đốc các sở, ngành, quận, huyện triển khai kịp thời các gói hỗ trợ cho người dân, trong đó có các doanh nghiệp. Về phương án mở lại sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo thành phố cho rằng không quá nóng vội nhưng cũng không quá thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm với quan điểm, mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân. TP Cần Thơ tiếp tục nghiên cứu, phân tích đầy đủ các nguy cơ, tham vấn ý kiến các nhà khoa học, tham vấn ý kiến các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phương Lam phân tích, vùng ĐBSCL thiệt hại rất lớn vì ngành chủ lực chế biến, nguyên liệu không thể lưu trữ hay bảo quản lâu được. Trước mắt không chỉ không có nguyên vật liệu sản xuất, chế biến mà thời gian tới sẽ không còn nguồn cung ứng. Vì nông dân, trang trại đã không còn hoạt động nhiều, không đủ khả năng tái sản xuất do thiệt hại từ dịch bệnh. VCCI chi nhánh tại Cần Thơ đã xây dựng lộ trình sau giãn cách, giai đoạn 1 từ ngày 15/9 nới lỏng giãn cách, cho phép tái sản xuất - kinh doanh có điều kiện. Đây là giai đoạn đầu tái sản xuất, doanh nghiệp sẽ tham gia giới hạn, chủ yếu sản xuất cầm chừng, tiêu thụ lượng nguyên vật liệu tồn kho. Giai đoạn 2 từ ngày 30/9, mở rộng sản xuất có điều kiện và liên kết vùng nguyên liệu các tỉnh trong vùng. Giai đoạn các doanh nghiệp có thể phục hồi tốt, khả năng sản xuất ổn định, tiêu thụ lượng nguyên vật liệu tồn kho hay thu mua trong nội tỉnh, thành sẽ đến ngưỡng.

Các doanh nghiệp mong muốn được tiếp sức, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để khôi phục sản xuất, đặc biệt cần có giải pháp thay thế cho “3 tại chỗ” và lộ trình nghiên cứu giải pháp sống chung với dịch. Theo VCCI tại Cần Thơ, tỷ lệ lao động tại các doanh nghiệp được tiêm vaccine COVID-19 khá thấp, cần ưu tiên vaccine cho doanh nghiệp để tiêm ngừa cho người lao động thì mới có thể trở lại sản xuất, tiến tới sống chung với dịch bệnh. Ngoài ra các tỉnh, thành cần có quy định cụ thể cho người lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine được xem là “giấy thông hành” để được đi lại làm việc từ nhà tới công ty. Tài xế di chuyển giữa các quận, huyện để thu mua nông sản cho nông dân, khơi thông hàng hóa, có hướng đi mới cho doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực.

Văn Vĩnh - Như Anh
.
.
.