Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất

Thứ Hai, 20/09/2021, 17:36

Tại hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp” do Chính phủ tổ chức ngày 20/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương sẽ đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ( KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đến nay, có 291 KCN đi vào hoạt động. Tỉ lệ lấp đầy đạt khoảng 71%. Trong 8 tháng đầu năm 2021, các KCN, khu kinh tế ven biển trên cả nước đã thu hút được khoảng 428 dự án đầu tư mới và 517 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,1 tỷ USD. Tổng doanh thu của các DN đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD (chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), đóng góp vào NSNN khoảng 96.500 tỷ đồng; đã tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp (bao gồm 456.000 lao động nước ngoài), tăng khoảng 90.000 lao động so với cuối năm 2020.

Hiện, Bộ đã phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát 500 tập đoàn, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để làm rõ các khó khăn, vướng mắc. Qua kết quả khảo sát cho thấy, gần 50% DN bị tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, số còn lại bị ảnh hưởng lớn.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất -0
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương sẽ đồng hành, tháo gỡ khó khăn, giúp DN khôi phục sản xuất kinh doanh. Ảnh: Đức Tuân

Tại Hội nghị, các DN và địa phương đã phản ánh 7 nhóm vấn đề khó khăn, thách thức mà các KCN, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp phải đối mặt gồm: Hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam bị trì hoãn, ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư; chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra; chưa đồng bộ nhà ở và các công trình xã hội cho người lao động làm việc trong một số KCN; lao động và chuyên gia nước ngoài khó nhập cảnh; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, đội chi phí, giá thành sản xuất; dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến DN gặp khó khăn để trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất -0
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến. Ảnh: Đức Tuân

Trong đó, nguyên nhân được xác định chủ yếu xoay quanh diễn biến khó lường, phức tạp của đại dịch COVID – 19, khiến nền kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường đầu vào và đầu ra của DN.

Mặt khác, hiện nay, một số chính sách hỗ trợ DN chưa được triển khai kịp thời, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ ngắn nên chưa phát huy hiệu quả cho DN như chính sách giãn, giảm thuế; chính sách hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của các KCN, cụm công nghiệp với hàng chục triệu lao động, có đóng góp lớn cho ngân sách, cho tăng trưởng, cho ổn định xã hội. Xác định việc khôi phục kinh tế nói chung, hỗ trợ DN tái sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đồng hành lâu dài, chặt chẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ DN nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất. DN là chủ thể trong quá trình phục hồi và phát triển công nghiệp, do vậy, các DN cần chủ động lên phương án phục hồi và duy trì sản xuất phù hợp với tình hình thực tế, trong đó phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương có trách nhiệm thành lập tổ hỗ trợ trên cơ sở phương án phục hồi sản xuất kinh doanh của DN; phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết các vấn đề về tiêm vaccine cho người lao động, lưu thông hàng hóa…

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của các Giám đốc Sở GTVT trong việc bảo đảm lưu thông hàng hóa tại địa phương, cần chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố các giải pháp phù hợp, bảo đảm thống nhất, lưu thông hàng hóa thông suốt. Bộ GTVT cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng văn bản cấp trên tạo điều kiện thông suốt nhưng ở cấp dưới lại gây ách tắc. Ngành giao thông và các địa phương không được ban hành các “giấy phép con” gây cản trở lưu thông.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các địa phương, DN để tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phục hồi sản xuất, phát triển công nghiệp trong thời gian tới.

Lưu Hiệp
.
.
.