Các tỉnh miền Tây khôi phục sản xuất, khơi dòng lưu thông hàng hóa

Thứ Bảy, 25/09/2021, 07:45

Hơn hai tháng giãn cách theo Chỉ thị 16, các tỉnh, thành Tây Nam Bộ cơ bản đã kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19. Đến ngày 24/9, các tỉnh, thành trong khu vực đã nới lỏng giãn cách chỉ còn số ít địa phương cấp huyện và xã/phường/thị trấn ở "vùng đỏ" tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16. Các tỉnh, thành đã xây dựng kế hoạch và lộ trình, khôi phục sản xuất, khơi dòng lưu thông hàng hóa.

Từ 0h ngày 24/9, TP Cần Thơ đã nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, chỉ còn 9 phường ở quận Ninh Kiều và Cái Răng, tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16. 8 tháng đầu năm 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại TP Cần Thơ, bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Toàn thành phố có hơn 11.000 doanh nghiệp với gần 150.000 lao động phải tạm dừng hoạt động. Trong đó 1.035 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phải dừng hoạt động, chiếm gần 95%, với 66.000 lao động tạm nghỉ việc. Các hoạt động thương mại, dịch vụ và giao thông vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề. Sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông hàng hóa của các tỉnh phía Nam và TP Cần Thơ cũng không ngoại lệ. "Việc tổ chức sản xuất đầu vào, thu hoạch, tiêu thụ nông sản đều ảnh hưởng do thực hiện Chỉ thị 16 với quy định "ai ở đâu ở yên đó". Các thương lái thu mua, công ty phân phối gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển. Mặc dù có kênh bán hàng online, thương mại điện tử nhưng ảnh hưởng của dịch vẫn rất lớn", ông Hồng nói.

Các tỉnh miền Tây khôi phục sản xuất, khơi dòng lưu thông hàng hóa -0
Doanh nghiệp, người dân đang nỗ lực hồi phục sản xuất.

Sở Công Thương TP Cần Thơ vừa ban hành hướng dẫn tạm thời phương án hoạt động đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được tổ chức sản xuất, kinh doanh khi doanh nghiệp và người lao động thực sự an toàn, ưu tiên chọn người lao động đã điều trị khỏi bệnh và được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19. Người lao động chưa tiêm vaccine thì phải thực hiện theo phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất".

Ngày 23/9, lãnh đạo Thành ủy cùng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, đã khảo sát phương án mở lại hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Trà Nóc 2 (quận Ô Môn). Doanh nghiệp đã trình phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất", từng bước khôi phục lại sản xuất sau hai tháng tạm ngưng hoạt động, tập trung thu hoạch cá tra nguyên liệu đã đến lứa tại vùng nuôi và đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.

Lãnh đạo Thành ủy ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng phương án, kế hoạch từng bước khôi phục hoạt động sản xuất gắn với các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. UBND TP Cần Thơ cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh TP Cần Thơ, Hiệp hội Doanh nghiệp nghiên cứu, kiến nghị cụ thể về cơ chế tài chính hỗ trợ phù hợp với tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, khôi phục sản xuất. Lãnh đạo thành phố lưu ý quan tâm chính sách giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển và đóng góp trở lại cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký quyết định thành lập Ban Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và hoạt động doanh nghiệp. Địa phương này lên kế hoạch phương án, kịch bản khôi phục sản xuất, kinh doanh và chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Đến giữa tháng 9, Tổ công tác của tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ hơn 17.800 tấn nông sản, trái cây (chiếm 80% sản lượng tồn đọng cần hỗ trợ tiêu thụ) và 8.312 tấn thuỷ sản (chiếm 24% sản lượng tồn đọng cần hỗ trợ tiêu thụ).

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết đến ngày 24/9, có 170 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản suất công nghiệp hoạt động theo phương án "4 tại chỗ", với hơn 21.000 công nhân. Đồng Tháp là một trong các địa phương thực hiện sớm việc tiêm vaccine cho công nhân, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hoạt động sản xuất. Cộng đồng doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực, chuẩn bị điều kiện để tái hoạt động, sản xuất, kinh doanh.

"Những ngày qua, số doanh nghiệp hoạt động "4 tại chỗ" tăng. Sở Công Thương sẽ tham mưu giảm bớt một số tiêu chí trong "4 tại chỗ", ưu tiên vaccine cho công nhân để vực dậy các hoạt động sản xuất", ông Dũng nói. Bà Trần Thị Đào, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm mong muốn chính quyền tăng cường mở rộng "vùng xanh" và siết chặt quản lý để giữ vững an toàn.

Trà Vinh, tỉnh ven biển của vùng Tây Nam bộ, được đánh giá kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh và đã nới lỏng giãn cách từ ngày 10/9. Tổ Công tác của Bộ Y tế đánh giá, Trà Vinh có điều kiện sớm phục hồi lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa công nhân quay trở lại làm việc trong các cơ sở công nghiệp theo mô hình "nhà máy xanh, nơi ở xanh, công nhân xanh".

Ông Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Ngay những ngày đầu của đợt dịch thứ 4, Trà Vinh đã thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" tại một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế. 44 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động nhưng từ ngày 16/8 phải ngừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. "Mặc dù tạm ngừng hoạt động nhưng doanh nghiệp đều xây dựng "kịch bản" sẵn sàng tái sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát. Các sở, ngành và địa phương chủ động, linh hoạt trong khâu kiểm soát, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lưu thông và tiêu thụ hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp", ông Phúc nói.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - Lê Văn Hẳn, tỉnh ưu tiên và tiêm 31.000 liều vaccine cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu kinh tế và doanh nghiệp có đông công nhân để phục hồi các hoạt động sản xuất. Tỉnh Trà Vinh đã cho phép một số doanh nghiệp đảm bảo phương án phòng, chống dịch bệnh để khôi phục, quay trở lại hoạt động sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cho các vùng, khu vực đã khống chế được dịch để hỗ trợ, bù đắp phần thiếu hụt cho các địa phương khác. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ĐBSCL như một thực thể không thể chia cắt bằng địa giới hành chính, cần phải làm sao để tạo được sự liền lạc thông suốt.

Văn Vĩnh
.
.
.