Để Việt Nam không "lỡ nhịp" khi bước vào "bình thường mới"

Thứ Bảy, 02/10/2021, 10:28

Các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện hiệp hội doanh nghiệp (DN) đều cùng khuyến nghị và đưa ra các giải pháp để Việt Nam có thể nhanh chóng phục hồi kinh tế, nâng cao năng lực nội tại, cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai.

Tại hội nghị tham vấn về dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 1/10, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện hiệp hội doanh nghiệp (DN) đều cùng khuyến nghị và đưa ra các giải pháp để Việt Nam có thể nhanh chóng phục hồi kinh tế, nâng cao năng lực nội tại, cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai. Đặc biệt, những ý kiến đóng góp đều mong muốn Việt Nam không "lỡ nhịp" khi đang bước vào trạng thái bình thường mới.

Việt Nam cần mở cửa một cách an toàn

Tại hội nghị, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, Việt Nam cần mở cửa một cách an toàn, bảo đảm quan hệ thông suốt, lành mạnh giữa ngân hàng và DN cũng như cẩn trọng với nợ xấu xuất hiện. Đối với những nhân tố khách quan, chi phí logistics toàn cầu tại Việt Nam đang tăng mạnh, Việt Nam cần chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển lĩnh vực vận tải đa phương tiện… Đồng thời, Việt Nam cần chủ động tận dụng các Hiệp định thương mại tự do để gia tăng xuất khẩu, tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam vẫn còn những dư địa để phục hồi kinh tế trong các năm tới. Đó là tỷ lệ lạm phát thấp, dự trữ ngoại tệ ổn định, hệ thống tài chính ổn định, đặc biệt là tỷ lệ bội chi ngân sách còn thấp. Do vậy, trong giai đoạn này, muốn phục hồi kinh tế, Chính phủ cần xem xét đẩy mạnh chi hơn nữa. Đồng thời, cần nhanh chóng phục hồi, củng cố các động lực của nền kinh tế, sử dụng nguồn lực hợp lý, đúng đối tượng. Chính phủ sớm ban hành kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở cửa lại nền kinh tế. Ngoài ra, cần xem xét miễn nhiều sắc thuế, thay chỉ vì hoãn và giãn thuế.

TS Cần Văn Lực cũng cho rằng, các nước trên thế giới đang chi mạnh tay hơn để cứu trợ nền kinh tế. Nhiều nước sẵn sàng chấp nhận thâm hụt ngân sách, tăng tỷ lệ nợ công lên để hỗ trợ nền kinh tế. Chúng ta nên chấp nhận việc nới lỏng một cách phi chu kỳ như thế này, sau đó sẽ có lộ trình vào củng cố tài khóa. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ chuyển đổi chiến lược, từ mục tiêu kép đến đa mục tiêu. Cần thêm mục tiêu an sinh, y tế, an ninh lương thực, an sinh xã hội, năng lực trước các cú sốc bên ngoài.

Đồng quan điểm, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng: "Việt Nam cần nới lỏng các điều kiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt để giảm khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế". Còn Giám đốc Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) Arnaud Ginolin cũng đưa ra 6 giải pháp để Việt Nam phục hồi tốt hơn trong giai đoạn 2022-2023, trong đó có giải pháp tập trung vào đẩy mạnh thu hút FDI; thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng, ưu tiên những dự án hạ tầng có tác động lớn tới kinh tế- xã hội và đẩy nhanh quá trình kinh tế số, số hoá.

ctrinh.jpg -0
Thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng, ưu tiên những dự án hạ tầng có tác động lớn tới kinh tế - xã hội.

Đơn giản thủ tục cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ

Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (VASMIE) đánh giá các gói hỗ trợ của Chính phủ ban hành còn thấp và việc giảm hoãn thuế còn mang tính cầm chừng; mức độ hỗ trợ còn ít so với nhu cầu; thời gian hỗ trợ ngắn; thủ tục rườm rà. Theo đó, VASMIE kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan điều chỉnh các gói hỗ trợ phù hợp hơn với các bên cần hỗ trợ. Còn giải pháp căn cơ là đẩy nhanh tốc độ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho 80% dân số trong năm 2021.

VASMIE còn kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần thay đổi gói hỗ trợ theo sát nhu cầu của DN hơn bởi nhiều chính sách hiện nay không còn phù hợp với thực tế. Nhiều DN hiện vẫn chịu lãi suất tín dụng 9-10%, đề nghị giảm xuống 7-8% cho tất cả khoản vay, kể cả khoản vay cũ.

Đại diện Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho biết, ngành hàng không và du lịch, dịch vụ bị thiệt hại lớn nhất. Trong giai đoạn 2022-2023, nếu tình hình thuận lợi, kiểm soát được dịch và có chính sách mở cửa an toàn thì dự kiến hàng không sẽ phục hồi vào tháng 6/2022. Đại diện Hiệp hội Hàng không kiến nghị sớm khôi phục lại các đường bay quốc nội và quốc tế.

Đối với ngành du lịch, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam thông tin, từ đầu năm 2020 đến nay, Hiệp hội đã triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa nhưng đều phải dừng lại vì các đợt bùng phát dịch. Từ nay đến giữa năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu phục hồi.

Theo bà Lan, để mục tiêu này trở nên thực tế hơn, các chính sách tiền tệ mà Chính phủ đưa ra cần thông thoáng và có các khoản hỗ trợ bằng tiền mặt. Hiện nay, khoảng 90% DN lữ hành gần như tê liệt vì phải đóng cửa, 60% DN rất khó phục hồi lại được. Chính phủ cần có chính sách cụ thể hỗ trợ từng loại DN lữ hành, từ DN phải phá sản, giải thể đến các DN cố gắng hoạt động trở lại; tạo điều kiện đón khách du lịch quốc tế, có sự ưu tiên trong tiêm vaccine cho nhân lực trong lĩnh vực du lịch; xác định áp dụng ứng dụng công nghệ 4.0 vào ngành.

Đối với ngành dệt may, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết từ quý II, ngành mới bắt đầu bị ảnh hưởng nhưng tình hình hiện tại rất bi đát. Sau khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc, thị trường châu Âu giảm nhu cầu, giờ đến lượt DN không đáp ứng được kế hoạch sản xuất…

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ DN. Tuy nhiên, phần lớn vẫn chỉ nhằm vào mục tiêu ngắn hạn và chưa có một chương trình tổng thể, mang tính chất dài hạn với những giải pháp đồng bộ, thiết thực để khôi phục và từng bước thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở khống chế vượt qua đại dịch.

Do vậy, Bộ KH&ĐT đưa ra 8 nhóm giải pháp đó là: Kiểm soát dịch COVID-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế và xác định đó là giải pháp cấp bách ngay từ đầu năm 2022 để tạo nền tảng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp; phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng nội địa, trong đó phát triển du lịch theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường; hỗ trợ chuyển đổi số cho DN và thúc đẩy sáng tạo. 

              

Lưu Hiệp
.
.
.