“Cuộc sống sẽ trở lại bình thường trong vòng một năm tới”

Thứ Ba, 28/09/2021, 08:17

Đây là nhận định của giới chuyên gia và đại diện nhiều hãng dược phẩm lớn trên thế giới, trong đó có ông Albert Bourla, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng dược phẩm đa quốc gia Pfizer. Tuy nhiên, vị chuyên gia này dự đoán, khả năng cao là mọi người sẽ cần tiêm lại vaccine ngừa COVID-19 hàng năm vì các biến thể mới sẽ tiếp tục xuất hiện.

ABC News ngày 27/9 đã có cuộc phỏng vấn với ông Albert Bourla, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng dược phẩm đa quốc gia Pfizer. Theo đó, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử nhân loại vẫn đang tiếp tục diễn ra để đối phó với đại dịch COVID-19, ông Albert Bourla lạc quan tin tưởng rằng cuộc sống sẽ dần trở lại bình thường trong vòng một năm tới. Thế nhưng, sự trở lại của bình thường mới sau đại dịch sẽ có một số thay đổi.

“Cuộc sống sẽ trở lại bình thường trong vòng một năm tới” -0
Các chuyên gia đều cho rằng đẩy nhanh quá trình tiêm chủng là “chìa khóa” để trở lại bình thường. Nguồn: Reuters.

Chủ tịch Pfizer dự báo: “Tôi không nghĩ các biến thể mới sẽ ngừng xuất hiện, và tôi cũng không nghĩ chúng ta có thể trở lại với nếp sống của mình mà không cần tiêm chủng. Chúng ta cần nhìn vào một thực tế rằng, virus SARS-coV-2 đã lan ra toàn cầu”. Để đưa cuộc sống trước đây quay lại, ông Bourla đề xuất các nước nên áp dụng phương án tiêm nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 hàng năm, giống như việc mọi người phải chủng ngừa liều nhắc lại của bệnh cúm. Tuy nhiên, ông Albert Bourla nhấn mạnh, đó chỉ là dự đoán về kịch bản xấu nhất và kiến nghị giải pháp bởi thế giới có những loại vaccine hiệu quả trong vòng một năm. Còn các bước tiếp theo sẽ phải dựa vào những phân tích từ số liệu thu thập được.

Theo ABC News, Giám đốc điều hành Stéphane Bancel của hãng dược Moderna và bà Sarah Gilbert, nhà khoa học dẫn đầu nhóm phát triển vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca, cũng có quan điểm tương tự với ông Albert Bourla. Hai chuyên gia này cho biết, sự mở rộng năng lực sản xuất toàn ngành dược trong sáu tháng qua sẽ giúp cung cấp đủ liều vaccine vào giữa năm tới để mọi người trên trái đất tiêm chủng và cuộc sống sẽ trở về bình thường trong một năm tới.

“Với những người kiên quyết không tiêm chủng, họ có thể tự miễn dịch tự nhiên khi bị lây nhiễm, do biến thể Delta có khả năng lây truyền cao. Tình huống này sẽ tương tự bệnh cúm. Tuy nhiên, bạn có thể tiêm phòng và có một mùa đông yên bình, hoặc không tiêm và nguy cơ nhiễm virus, thậm chí có thể phải nhập viện", ông Stéphane Bancel nói. Lịch sử cho thấy mọi người thường có quan điểm virus sẽ tự động giảm độc lực theo thời gian, để tránh việc tiêu diệt hết dân số vật chủ. Nhưng đây là quan niệm sai lầm, bà Lone Simonsen, chuyên gia dịch tễ và là giáo sư chuyên ngành khoa học sức khỏe dân số tại Đại học Roskilde (Đan Mạch) nêu quan điểm. Biến chủng mới không hẳn lúc nào cũng nguy hiểm hơn so với chủng cũ. Nhưng đại dịch trên thực tế sẽ nghiêm trọng, chết chóc hơn trong giai đoạn lây lan, bùng phát, khi virus tìm cách thích ứng, xâm nhập vật chủ mới. Do vậy, tiêm chủng cần phải được đẩy nhanh trên toàn thế giới.

John Brownstein, nhà dịch tễ học tại Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ) cho hay, có lý do để lạc quan rằng thế giới sẽ sớm thoát khỏi đại dịch dù điểm khó rạch ròi là không có định nghĩa tiêu chuẩn của "trở lại bình thường". Nhiều người hình dung đó là quay trở lại cuộc sống hàng ngày gần với cách họ sống năm 2019 bao gồm không phải làm việc tại nhà hay không phải bắt buộc đeo khẩu trang. Theo ông, "ẩn số" của đại dịch là khả năng có biến thể mới kháng vaccine COVID-19: “Không ai được an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn, vì virus SARS-CoV-2 lưu hành càng lâu mà không được kiểm soát thì khả năng xuất hiện các biến thể mới có thể kháng vaccine càng lớn”.

Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng toàn cầu hiện nay đã đạt được tốc độ ổn định và việc WHO tuyên bố khôi phục điều tra nguồn gốc đại dịch là những tín hiệu tích cực, ông John Brownstein tin tưởng. Tiến sĩ Amesh Adalja - học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng những gì sẽ thấy là bình thường hóa COVID-19 và cách mọi người học cách đối phó với nó. COVID-19 sẽ không đi đâu và mọi người đang học cách điều chỉnh”.

Được biết, một nhóm điều tra mới gồm khoảng 20 nhà khoa học đang được tập hợp lại để thực hiện nhiệm vụ săn lùng bằng chứng mới ở Trung Quốc và các nơi khác. Nhóm này được đặt tên là "Nhóm cố vấn khoa học về nguồn gốc của các mầm bệnh mới", gồm các chuyên gia về an ninh sinh học và an toàn trong phòng thí nghiệm, các nhà di truyền học, các chuyên gia bệnh động vật có hiểu biết sâu về cách thức virus lây lan từ tự nhiên.

Cụ thể, nhóm chuyên gia mới nói trên chịu trách nhiệm điều tra về các khả năng COVID-19 xuất hiện. Trong số này có giả thuyết COVID-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm, giả thuyết đã khiến Trung Quốc tức giận và kiên quyết bác bỏ thời gian qua. WHO nêu rõ, sáng kiến mới sẽ giúp đẩy nhanh cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19: “Không còn nhiều thời gian để xác định nguồn gốc đại dịch này, bởi chúng ta có thể sẽ không còn tận dụng được các mẫu máu thu từ các bệnh nhân COVID-19 đầu tiên. Các kháng thể ở những bệnh nhân này đang biến mất dần, đến mức không thể phát hiện được”.

Linh Đan
.
.
.