Đông Nam Á chuyển hướng “chung sống” với COVID-19

Thứ Ba, 14/09/2021, 06:21

Trong khi đang phải vật lộn với một trong những đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất thế giới, nhiều nước tại khu vực Đông Nam Á dần nhận ra rằng không thể cứ tiếp tục các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch mà phải tìm cách sống chung với dịch, cứu nguy cho nền kinh tế.

 

Từ các nhà máy ở Malaysia, các văn phòng ở Singapore hay Philippines, các nhà quản lý đang tìm cách thúc đẩy kế hoạch mở cửa trở lại, nỗ lực cân bằng giữa việc ngăn chặn COVID-19 và sự dịch chuyển của nguồn nhân lực cũng như dòng tiền, theo Bloomberg.

1.jpg -0
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại TP San Juan, Philippines. Ảnh TTXVN

Tại một số khu vực, chính quyền địa phương đã có những giải pháp thử nghiệm, chẳng hạn như huy động quân đội hỗ trợ cung cấp lương thực cho người dân, cho phép công nhân cách ly và làm việc ngay tại nhà máy, phong tỏa theo từng khu vực cụ thể hay chỉ cho những người đã được tiêm vaccine đến các nhà hàng và văn phòng.

Không giống với Mỹ hay các nước châu Âu, những nơi đang dần mở cửa trở lại, tỷ lệ tiêm chủng thấp ở các nước Đông Nam Á đã khiến khu vực này trở nên dễ bị tổn thương hàng đầu thế giới trước sự đe dọa của biến thể Delta. Tuy nhiên, trước thực trạng nguồn ngân sách nhà nước ngày càng eo hẹp do ảnh hưởng của những đợt dịch trước đó cũng như sự suy yếu của tiền tệ, các nước đang dần chuyển hướng khỏi những biện pháp đóng cửa.

Theo Krystal Tan, Chuyên gia kinh tế của Australia & New Zealand Banking Group ở Singapore, “việc cân bằng giữa chống dịch và đảm bảo kinh tế là một bài toán khó”. Ngay cả Singapore, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới cũng phải chật vật đối phó với sự gia tăng số ca mắc biến thế mới, vì vậy, nếu các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn mở cửa trở lại thì rủi ro sẽ rất cao, chuyên gia này cho biết.

Việc hàng loạt nhà máy ở các nước Đông Nam Á ngừng hoạt động đã gây náo loạn chuỗi cung ứng, nhiều hãng sản xuất ôtô hàng đầu đã cắt giảm sản xuất trong khi các hãng bán lẻ quần áo cũng cảnh báo rằng tình hình có thể “vượt qua tầm kiểm soát”. Tỷ lệ tử vong theo ngày vì COVID-19 tại nhiều quốc gia Đông Nam Á đã vượt mức trung bình toàn cầu, khiến những nước này bị tụt xuống vị trí cuối cùng trong Bảng xếp hạng về khả năng chống dịch COVID-19 của Bloomberg.

Các quan chức trong khu vực bày tỏ lo ngại rằng nếu các biện pháp hạn chế kéo dài quá lâu có thể dẫn đến sụp đổ nền kinh tế. Đáng chú ý, Malaysia mới đây cắt giảm một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 xuống còn 3 đến 4%. Hy vọng phục hồi kinh tế từ việc khôi phục lại ngành Du lịch của Thái Lan cũng nhanh chóng tan biến.

Dù một số nước vẫn có triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan, như Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6% và Singapore dự kiến khoảng 7% trong năm nay, áp lực trong việc giải quyết tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm thu hút đầu tư nước ngoài đối với một khu vực kinh tế năng động vẫn ngày một gia tăng.

Nhà kinh tế học Wellian Wiranto từ Oversea-Chinese Banking Corp cho biết, nền kinh tế của các nước Đông Nam Á đang suy yếu do những đợt phong tỏa liên tiếp, trong khi người dân dần cảm thấy kiệt sức khi cuộc khủng hoảng kéo dài. “Bất cứ hy vọng nào về việc mở cửa biên giới, một động thái giúp tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại và du lịch trên khắp khu vực ASEAN vẫn là giấc mơ xa vời”, chuyên gia này nhận định.

Người dân tại một số nước đã quá mòn mỏi với các lệnh phong tỏa, đặc biệt là khi họ phải chống dịch trong thời gian dài hơn nhiều nơi khác trên thế giới. Tại Malaysia và Thái Lan, người dân đã biểu tình sau khi chính phủ kéo dài biện pháp phong tỏa, dẫn đến tỷ lệ mất việc làm tăng cao nhưng số ca mắc không có dấu hiệu thuyên giảm. Trong khi đó ở Singapore và Philippines, các doanh nghiệp đang đối mặt với những khó khăn trong việc lập kế hoạch sản xuất và kinh doanh dài hạn do hạn chế chống dịch bệnh.

Hiện nay, một số quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Singapore đã bắt đầu thay đổi nhận thức, cho rằng dịch bệnh sẽ không biến mất hoàn toàn và chuyển từ chiến lược “không ca mắc” sang chiến lược “sống chung với virus”.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đang hướng đến một “cuộc chơi dài hơi”. Nước này tập trung củng cố các quy định như đeo khẩu trang thay vì áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển. Giới chức nước này cũng ban hành lộ trình cho các khu vực đặc biệt như văn phòng và trường học, nhằm đưa ra nhiều quy định dự kiến sẽ áp dụng lâu dài trong một trạng thái bình thường mới.

Nhiều nước cũng chuyển sang theo dõi và hạn chế các ca bệnh trở nặng thay vì báo cáo số ca nhiễm mới theo ngày. Điều này được thể hiện rõ nhất tại hai quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực, bao gồm Singapore với hơn 80% dân số và Malaysia với hơn một nửa dân số đã được tiêm chủng.

Trong khi đó, Philippines đang xem xét áp dụng biện pháp kiểm soát đi lại tại từng khu vực cụ thể dựa trên tình hình COVID-19. Chẳng hạn, người dân tại những điểm nóng có thể bị hạn chế xuống đường, thậm chí không được ra khỏi nhà. Tại Jakarta, Indonesia, chỉ những người có chứng nhận tiêm vaccine mới có thể đến các trung tâm mua sắm hoặc nhà thờ. Malaysia cũng áp dụng biện pháp tương tự.

Giới chức tại thủ đô Manila của Philippines cũng đang xem xét áp dụng “bong bóng vaccine” tại các văn phòng và trên phương tiện giao thông công cộng, chỉ cho phép những người đã được tiêm phòng đầy đủ đi du lịch và đến một số điểm đến nhất định mà không bị kiểm dịch. Dù biện pháp này có thể giúp giảm thiệt hại cho nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng việc phân phối vaccine không đồng đều có thể khiến người dân ở các khu vực nghèo bị thiệt thòi.

Duy Tiến
.
.
.