Thế giới đang thích nghi với sự “bình thường mới”

Thứ Ba, 26/05/2020, 07:04
Khi công cuộc đối phó với đại dịch COVID-19 bước vào giai đoạn “trường kỳ”, nhiều quốc gia trên thế giới đã không ngần ngại triển khai các biện pháp nới lỏng hạn chế đi lại, phục hồi từng bước các hoạt động kinh tế, xã hội, trong một kịch bản dài hơi nhằm sống chung với đại dịch, được gọi tên là “sự bình thường mới”.

Sáng 25-5, Bộ trưởng Bộ Cải cách Hành chính Indonesia, ông Dwi Wahyu Atmaji cho biết sẽ áp dụng kịch bản “bình thường mới” với người dân trong bối cảnh chưa kiểm soát được dịch COVID-19. Theo ông Atmaji, kịch bản “bình thường mới” có ba điều đáng lưu ý, gồm: sắp xếp công việc linh hoạt để công chức có thể làm việc ở bất cứ đâu; áp dụng các quy tắc giãn cách xã hội và vệ sinh dịch tễ tại nơi làm việc; và đẩy mạnh sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin khi làm việc dưới sự quản lý của chính phủ. Indonesia không phải là quốc gia đầu tiên và duy nhất lựa chọn kịch bản này trong nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19 vốn đang cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người trên khắp thế giới.

Đeo khẩu trang tại nơi công cộng đã trở thành thói quen mới của người dân Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

“Sự bình thường mới” là khái niệm được nhắc đến nhiều nhất những ngày gần đây, mô tả việc chính phủ các nước bước vào giai đoạn nới lỏng giãn cách, gỡ lệnh phong tỏa, vận hành trở lại đời sống kinh tế - xã hội. “Sự bình thường mới” chính là giai đoạn mà thế giới chấp nhận sống chung với COVID-19, trong bối cảnh vaccine ngừa COVID-19 và thuốc đặc trị bệnh vẫn chưa được điều chế thành công. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một cuộc họp báo hồi đầu tháng cũng đề cập đến khái niệm này.

Ông nói: “Chúng ta không được mắc sai lầm, chúng ta còn có chặng đường dài phải đi. Virus SARS-CoV-2 sẽ song hành cùng chúng ta trong một thời gian dài”. “Thế giới sẽ không và không thể quay lại như trước đây. Mà phải là một thế giới với trạng thái “bình thường mới” - khỏe mạnh hơn, an toàn hơn và được chuẩn bị sẵn sàng hơn. Các biện pháp y tế công cộng ứng phó với đại dịch phải là xương sống ở tất cả các quốc gia”, ông tuyên bố.

Theo 9News, “sự bình thường mới” bao trùm mọi mặt của đời sống, thay đổi đáng kể chiến lược của mỗi quốc gia. Cũng vì vậy, mỗi quốc gia lại có định nghĩa “bình thường mới” cho riêng mình. Tây Ban Nha, ổ dịch lớn nhất châu Âu, ngày 25-5 đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở thủ đô Madrid và thành phố Barcelona, cho phép người dân tham gia các hoạt động ngoài trời và tập trung không quá 10 người.

Trong khi đó, tại Anh, nơi số ca tử vong vì COVID-19 đang ở mức cao nhất lục địa già, Thủ tướng Boris Johnson thông báo các trường học sẽ lần lượt mở lại từ ngày 1-6. Theo Thủ tướng Anh, bất chấp việc còn nhiều tranh cãi về mức độ an toàn, việc sớm mở lại các trường học là yếu tố vô cùng quan trọng cho các học sinh, vào thời điểm nước Anh đã đủ điều kiện để bước sang giai đoạn 2 của cuộc chiến chống COVID-19.

Tại Mỹ, ổ dịch lớn nhất thế giới, hai tháng sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt, chính quyền bang New York, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, hôm 25-5 cũng đã cho phép các hoạt động tập trung trên 10 người với mục đích không thiết yếu. Còn tại Australia, nơi dịch bệnh đang được kìm đà hiệu quả, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra việc làm mới để giảm thiểu gánh nặng chi tiêu chính phủ.

Thủ tướng Morrison nêu rõ dù là để tiếp cận thị trường hay cung cấp sự hỗ trợ, kiến tạo việc làm chính là chìa khóa giúp đưa nền kinh tế Australia trở lại guồng quay bình thường. Theo tờ Nikkei Asian Review, các nền kinh tế châu Á cũng đang thận trọng mở cửa trở lại, song song với việc tham khảo các biện pháp tương tự trên thế giới, trong bối cảnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại khu vực này.

CNN nhận định, “sự bình thường mới” đang gõ cửa từng vùng đất, khiến không chỉ chính phủ, mà người dân các nước cũng có cách tiếp cận khác nhau. Tại châu Âu, kể cả khi các quốc gia dường như đã vượt qua đỉnh dịch, sự e dè vẫn tồn tại trong lòng người dân, khi nguy cơ làn sóng lây nhiễm lần 2 vẫn cận kề. “Chúng tôi phải đảo lộn tất cả các hoạt động đã làm trước đây”, đầu bếp Raffaele di Cristo than thở, trong khi đang chuẩn bị đồ ăn tại nhà hàng Corsi Trattoria nổi tiếng ở Rome, Italia.

“Mọi thứ đều thay đổi. Một cách từ từ, chúng ta sẽ cố gắng thích nghi với COVID-19”, anh nói. Còn Francesca Anichini, thế hệ thứ tư quản lý cửa hàng thời trang tại Florence, chia sẻ: “Chỉ những doanh nghiệp vững vàng nhất mới có thể trụ qua giai đoạn khó khăn phía trước, nhưng sẽ khó sản xuất trở lại như bình thường”.

Người dân châu Á lại đang bối rối giữa sự lạc quan và bi quan về COVID-19. Nhiều quốc gia ASEAN đang khống chế dịch rất tốt, nhưng Hàn Quốc, quốc gia từng là hình mẫu trong khống chế dịch, giờ đang ráo riết truy vết hàng nghìn người liên quan đến ổ dịch Itaewon. Trong khi đó, Ấn Độ ngày 25-5 ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

"Người dân đang cẩn trọng trở lại. Trẻ em chơi đùa bên ngoài đều mang khẩu trang và những người trong trang phục bảo hộ đi vòng quanh. Thật tệ khi bạn không biết khi nào dịch sẽ kết thúc", Fan Pai, nhân viên tại một công ty ở Liêu Ninh, Trung Quốc chia sẻ. Các nhà nghiên cứu dự đoán, sẽ mất ít nhất 18 tháng để có thể tìm ra loại vaccine phòng ngừa COVID-19. Trong khi đó, một thói quen sống lại chỉ mất 3 tuần để có thể hình thành.

The Independent cũng dẫn lời các chuyên gia vaccine hàng đầu cảnh báo thế giới không nên quá hy vọng vào “thần dược vaccine” sớm chấm dứt đại dịch. Vì thế, trong niềm vui được nới lỏng phong tỏa, người dân trên thế giới cũng được khuyến cáo thích nghi một cách hài hòa với “sự bình thường mới”, nhất là khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cảnh báo không có bằng chứng về sự miễn nhiễm với virus SAR-CoV-2.

An Nhiên
.
.
.