Nhà vườn đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị vụ trái cây Tết
- Nhà vườn lao đao vì mai nở hoa sớm
- Xuất khẩu trái cây đi Mỹ, tín hiệu vui cho nhà vườn miền Tây
- Lao động đổ về các nhà vườn làm thuê kiếm tiền triệu tiêu tết
- Nhà vườn miền Tây lo thất thu vì hoa Tết nở sớm
Hiện, các vườn quýt hồng tại huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đã bắt đầu “lên da lươn”. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, cộng thêm dịch bệnh chết xanh chết vàng trên cây có múi nên diện tích và sản lượng loại trái cây đặc sản này giảm mạnh.
Dự kiến sản lượng quýt hồng Lai Vung cung ứng Tết Nguyên đán chỉ khoảng 25.000 – 30.000 tấn, giảm khoảng 10.000 tấn so với mọi năm. Toàn huyện Lai Vung chỉ còn khoảng 500ha trồng quýt hồng, tập trung chủ yếu các xã Vĩnh Thới, Long Hậu, Tân Phước…
Năm nay, vào tháng 3 âm lịch nắng nóng kéo dài, đến đầu tháng 4 gặp mưa lớn, nên các vườn bưởi tại xã Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) bất ngờ trổ bông sớm hơn dự kiến.
Nhà vườn tại Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) chăm sóc vụ quýt Tết. |
Chia sẻ với phóng viên, ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sản xuất trái cây tạo hình ở ấp Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) tiếc nuối: “Năm nay, bưởi ra sớm hơn sự kiến, nên chỉ có nguồn để tạo hình được khoảng 6.000 trái, ít hơn nhiều so với mọi năm. Tiếc ở đây là đơn hàng năm nay lại nhiều mà không có để bán. Mới giờ này mà đã có đơn đặt hàng 2/3 tổng sản lượng”.
Khó khăn hiện nay, ngoài yếu tố thời tiết thì việc những cây bưởi của nhà vườn đã khai thác nhiều năm bị lão hóa, sâu bệnh,… không còn cho năng suất và chất lượng cao. Nên các thành viên trong câu lạc bộ phải phá bỏ trồng mới lại, nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi. Để có sản phẩm cung cấp cho thị trường Tết, hiện tại các thành viên đã phải tìm đến các tỉnh trong vùng như Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng… để hợp tác với các nhà vườn trồng bưởi Năm Roi sản xuất trái bưởi tạo hình.
Theo ông Thành, năm nay giá bưởi tạo hình có phần “nhích hơn” so với mọi năm khoảng 20-30%, hiện theo các đơn hàng đã đặt giá bưởi tạo hình giao động từ 300.000 – 1.200.000 đồng/trái, tùy vào hình mẫu và kích thước. Cũng theo các thành viên trong Câu lạc bộ, năm nay đào tiên tạo hình sẽ là sản phẩm được Câu lạc bộ tập trung sản xuất với mong muốn sẽ đáp ứng được thị hiếu của khách hàng.
Dự kiến, tỉnh Bến Tre sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 600 sản phẩm tạo hình độc đáo từ bưởi da xanh. Đây là giống bưởi ngon, chưng Tết tươi lâu và khó tạo hình so với các loại bưởi thông thường. Theo đó, sẽ có 3 sản phẩm chính, gồm: Bưởi tròn tài lộc, bưởi thỏi vàng tài lộc. Đặc biệt là bưởi vuông tài lộc được tạo hình với kỹ thuật nén cực đại. Sự kết hợp giữa bộ khuôn thiết kế riêng biệt và kinh nghiệm che sáng sẽ cho ra sản phẩm có 4 mặt xanh vuông vức in chữ nổi màu vàng sắc nét.
Theo kinh nghiệm của nhà vườn, để có sản phẩm đạt chuẩn, trái bưởi phải được xử lý đóng khuôn từ lúc 2 tháng tuổi. Tùy vào thời tiết và chế độ chăm sóc, tỷ lệ trái đẹp đạt chuẩn thường chỉ khoảng 50%. Cùng với đó, tại thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) hiện trồng trên 60ha bưởi da xanh, tập trung nhiều ở 2 ấp Phú Hòa và Phú Hưng (xã Long Khánh).
Theo nhiều nông dân cho biết, để có bưởi bán trong dịp Tết Nguyên đán, ngay từ đầu tháng tư âm lịch nông dân xiết nước, tạo khô hạn cây bưởi khoảng 20 ngày, sau đó tưới nước và bón thúc phân cây sẽ ra hoa và thu hoạch trong dịp Tết.
Dứa long phụng của tỉnh Tiền Giang cũng là một trong những sản phẩm được khách hàng lựa chọn để trưng Tết. Mỗi quả uốn thành nhiều nhánh, nhiều tầng có hình như con chim phượng, lại có gai sắc đỏ son rất đẹp.
Theo những người trồng dứa tại Tiền Giang, trồng dứa long phụng không khó, nhưng khó ở chỗ chăm sóc, xử lý thế nào để cây cho trái thu hoạch đúng dịp Tết với mẫu mã đẹp và kiểu dáng độc đáo. Tết Nguyên đán 2019, mỗi trái dứa phụng đẹp nhất được bán 300.000 đồng, loại 2-3 khoảng 150.000 - 200.000 đồng…