Những người thầm lặng trong đoàn thể thao Việt Nam

Thứ Hai, 01/08/2016, 09:43
Có thể khẳng định, bác sĩ, y tá cùng nhân viên vật lý trị liệu là những người quan trọng nhất trong một đoàn thể thao dự Olympic. Nói chính xác hơn, tại bất kể đại hội thể thao lớn nào, vai trò của họ quan trọng cho sự thành bại về thành tích. Đơn giản, nếu vận động viên bị yếu mệt hoặc bất ngờ chấn thương ngay sát giờ thi đấu mà không kịp trị liệu hiệu quả tức thời, thành tích vì thế ảnh hưởng vô cùng...

Y tế được đặt lên hàng đầu

Công việc về y tế, thuốc men và vật lý trị liệu mang đặc thù riêng. Do vậy, đội ngũ bác sĩ, y tá, nhân viên vật lý trị liệu luôn được một đoàn thể thao luôn được trang bị đầy đủ khi dự Olympic. Đoàn thể thao Việt Nam cũng vậy. 

Với Olympic 2016 này, chúng ta có các bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Trọng Hiền, Dương Tiến Cần. Ông Phú đang là Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam nên kể như là tổ trưởng đội ngũ y tế của đoàn chúng ta tại Rio de Janeiro (Brazil) năm nay.

Trong sự chuẩn bị của thể thao Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đồng thời là Trưởng đoàn Việt Nam dự Olympic 2016 - ông Trần Đức Phấn chia sẻ rất nhiều với quan điểm, công tác y tế được đặt lên hàng đầu. 

“Vận động viên được cung cấp đầy đủ thuốc men đúng danh mục và luôn được vật lý trị liệu hồi phục chứ không để gặp những chấn thương đáng tiếc. Chúng tôi theo dõi trên quá trình theo sát của các bác sĩ chuyên môn y học thể thao hiệu quả nhất”, ông Phấn đã cho biết.

Ngay khi đến Rio de Janeiro, khi nhập làng vận động viên của Olympic, các bác sĩ và nhân viên y tế của chúng ta đã phải thực địa ngay địa điểm được đặt làm trung tâm y tế của đoàn Việt Nam. Tại trung tâm y tế tức thời này, chúng ta cũng thiết lập các thiết bị máy móc y tế hỗ trợ của một đơn vị Nhật Bản tài trợ cho thể thao Việt Nam và từng bác sĩ có được những công cụ làm việc tốt nhất (có thể) suốt thời gian đoàn Việt Nam tranh tài ở Brazil.

Nhìn ra khu vực Đông Nam Á, báo giới tại Thái Lan và Singapore đã chia sẻ về đội ngũ y tế của mình đi cùng vận động viên và đang có mặt tại Rio de Janeiro (Brazil). Thể thao Singapore thậm chí thuê một khu nhà rộng gần 2.000m² với ba tầng để làm trung tâm y tế, hồi phục thể lực cho đoàn thể thao của mình. Tòa nhà trên nằm cách làng vận động viên khoảng 5 cây số và trang bị đầy đủ máy móc hiện đại.

Quan trọng hơn, đoàn Singapore cắt cử 18 người làm việc tại khu này để hoàn thành nhiệm vụ giúp vận động viên có sức khỏe tốt nhất. Thể thao Thái Lan mang đến Brazil đội ngũ y tế chuyên nghiệp nhất có thể. Bởi lẽ, mục tiêu của họ nhắm đến HCV chứ không chỉ phấn đấu giành huy chương. Do vậy, yếu tố con người quan trọng nhất nên thuốc men bổ trợ, phương tiện y tế hồi phục thể lực được đặt lên, ưu tiên hàng đầu. 

Hồi tháng 5, thể thao Thái Lan đã lo sốt vó khi tay vợt cầu lông số 1 của họ Ratchanok Intanon suýt chút nữa phải ngồi nhà do nghi dính doping. Các bác sĩ và nhân viên y tế của thể thao Thái Lan sau đó thở phào khi mẫu thử của Ratchanok Intanon là âm tính.

Đặc thù liên quan tới y, dược hay vật lý trị liệu chỉ người nắm chuyên môn mới làm được. Ai cũng hiểu, đội ngũ y tế của các đoàn thể thao luôn bất khả xâm phạm trong công việc lẫn yêu cầu của họ. Một minh chứng cụ thể nhiều người thấy là những trường hợp vận động viên thể thao Nga đã dính doping. 

Việc thử lại rất nhiều lần và kiểm tra gắt gao của Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA) mới phát hiện được. Sự vụ ấy chỉ có thể bắt nguồn từ đội ngũ y tế có chuyên môn của thể thao quốc gia này, một cá nhân vận động viên khó thực hiện được.

VĐV Phước Hưng vẫn đang trị liệu ngay tại Rio de Janeiro để chuẩn bị tốt nhất.

Những người thầy thuốc tận tụy

Bác sĩ Phú là người từng dự Olympic 2012 với đoàn thể thao Việt Nam. Mỗi một đại hội thể thao đi cùng đoàn vận động viên là ông có những kỷ niệm đáng nhớ khác nhau. Chuyện trái gió, trở giời rồi vận động viên cảm sốt ngay trước giờ thi đấu là quá quen thuộc. Bởi vì, mọi người bị ảnh hưởng do thích nghi khí hậu.

Những lúc ấy, từng bác sĩ của đoàn luôn túc trực và thực hiện những biện pháp nghiệp vụ của ngành y để giảm sốt nhanh, tuyển thủ không bị choáng, kiệt sức. Hay chuyện thành viên trong đoàn vì không hợp thực phẩm bị đi ngoài cũng phải để bác sĩ trực tiếp kiểm tra phát thuốc uống chứ không được tự ý sử dụng.

Nhìn chung, những bác sĩ của đoàn thể thao đi thi đấu giải lớn luôn gặp vô số việc không tên nhưng lại rất quan trọng. Đoàn thể thao Việt Nam góp mặt các kỳ Olympic thường không nhiều vận động viên đồng thời Olympic luôn có bộ phận y tế “xịn” chuẩn thế giới, nên chúng ta không quá căng thẳng. 

Một số thành viên đoàn Việt Nam từng dự Olympic 2012 đã chia sẻ, sau một ngày thi đấu tại đại hội, chỉ khi mọi thành viên xong việc về phòng, đội ngũ bác sĩ mới được nghỉ ngơi chợp mắt để thêm sức lực tiếp tục cho ngày hôm sau.

“Tôi vẫn nhớ khi mình tham dự ASIAD 2006, bác sĩ Lê Quý Phượng khi đó cũng trong vai trò lãnh đạo đoàn nhưng anh không nề hà mà sẵn sàng làm người xoa bóp, giúp tuyển thủ hồi phục ngay trên sàn đấu. Đó là điều rất trân trọng. Tính chất của ASIAD không bằng Olympic nhưng là đại hội quan trọng thì ở đâu đội ngũ y tế cũng được đánh giá cao” - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) , ông Nguyễn Hồng Minh từng tâm sự.

Lễ thượng cờ của  đoàn Việt Nam

Hiện tại, đoàn thể thao Việt Nam đã có vận động viên các môn cử tạ, bắn súng, điền kinh, đấu kiếm, bơi lội, judo, rowing, thể thao dụng cụ... có mặt tại Rio de Janeiro (Brazil). Các thành viên của chúng ta đã nhập làng vận động viên Olympic và được bố trí trong khu lưu trú từ Ban tổ chức.

Vào lúc 18h ngày 1-8 (theo giờ Brazil), lễ thượng cờ của đoàn Việt Nam tại làng vận động viên được diễn ra. Đây là buổi lễ trang trọng của bất kỳ đoàn thể thao nào có mặt trong một kỳ Olympic. Dẫn đầu đoàn Việt Nam tại lễ thượng cờ trên là Trưởng đoàn Trần Đức Phấn. Năm nay, thể thao Việt Nam chọn vận động viên Vũ Thành An (đấu kiếm) cầm cờ trong lễ khai mạc (tổ chức vào ngày 5-8).

DP

Thi đấu cùng chấn thương?

Trường hợp Thạch Kim Tuấn (cử tạ, hạng 56kg nam) mới đây chia sẻ đã tái phát chấn thương đầu gối khiến mọi người rất lo lắng. Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục TDTT) – ông Đỗ Đình Kháng cũng xác nhận về mức độ chấn thương trên của vận động viên. Tuy nhiên, ông Kháng (quản lý trực tiếp môn cử tạ) cho rằng, chấn thương là mãn tính nên trường hợp của Tuấn vẫn phải dùng tới thuốc giảm đau trong tập luyện. Không loại trừ, kể ra lúc ra tranh tài ở Olympic 2016 trong vài ngày tới, Tuấn vẫn chưa thể hết đau. Dù vậy, HLV Huỳnh Hữu Chí của đội cử tạ cho biết Tuấn vẫn đang tập quen tốt với điểm tập tại Rio de Janeiro và tâm lý vận động viên vẫn ổn định.

Tại Olympic 2016, ngoài Kim Tuấn, một số tuyển thủ vẫn bị đau nhẹ trong tập luyện nhưng vẫn quyết tâm cao ra thi đấu như Phước Hưng, Hà Thanh (TDDC) hay Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông)... 

Diệu Phương
.
.
.