Hành trình tới Olympic 2016 (bài 3)

Hành trình tới Olympic 2016: Gánh tạ là cả cuộc đời

Thứ Hai, 25/04/2016, 09:22
Vận động viên giành suất chính thức Olympic là những người đạt được kết quả thật tự hào cho thể thao Việt Nam. Thế nhưng, sẽ thật thiếu sót nếu không nói về người thầy vì HLV mới là người làm nên thành công đáng kể ấy. Trong những HLV sẽ góp mặt tại Olympic 2016, chúng ta không thể không nhắc về ông Huỳnh Hữu Chí của môn cử tạ…


Thầy Chí “bánh mỳ”

Ông Huỳnh Hữu Chí giờ đã nổi tiếng không kém các học trò ở đội cử tạ quốc gia. Thế nhưng một điều ông Chí giống học trò ruột Thạch Kim Tuấn, Olympic 2016 mới là lần đầu tiên được chính thức dự một kỳ Olympic của thể thao thế giới. Chúng tôi có may mắn được trò chuyện, gặp gỡ ông Chí nhiều lần. Cảm nhận ban đầu, nhiều người sẽ dễ bảo rằng ông Chí hơi khô khan bởi tất cả câu chuyện mà ông muốn nói cũng chỉ là chuyên môn cử tạ.

Tiếp xúc rồi mới thấy, thầy Chí có nhiều thú vị. Không ngần ngại, ông Chí bảo mình đã quen được đám học trò nhiều thế hệ gọi là thầy Chí “bánh mỳ”. Có cái xưng ấy bởi suốt cuộc đời, từ khi học hành, thi đấu đến lúc vào nghề huấn luyện, vị HLV của cử tạ TP Hồ Chí Minh này gần như lấy phòng tập cử tạ làm nhà.

“Một ngày, tôi có thể ngồi nhiều giờ hơn 10 tiếng trong phòng tập tạ. Với bản thân tôi, một ổ bánh mỳ trong ngày là xong bữa. Vì thế, tụi nhỏ bảo rằng nuôi thầy Chí quá dễ nên cái tên thầy Chí “bánh mỳ” ra đời là thế”, ông Chí kể.

Cái sự lạ là thời nhỏ, ông Chí rất mê bóng rổ và bóng chuyền. Thế nhưng, khi đôi mắt phải đeo kính do cận thị, ông Chí đã rẽ sang tập bơi. Tuy nhiên, bơi lội lại không đi theo hết sự nghiệp và cái duyên cử tạ đến với ông rất đỗi tình cờ. Ngày 20 tuổi, trong lần đạp xe qua đường Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh), vô tình thấy một CLB cử tạ mở cửa, ông đã vào xem với ý định nhằm giúp cơ thể ốm nhom ốm nhách cải thiện vóc dáng.

Kể từ sau lần ấy, cái máu cử tạ đã ăn hẳn vào cuộc đời ông Huỳnh Hữu Chí. Lúc này, nếu ai bảo HLV của TP Hồ Chí Minh này nghỉ cử tạ thì xem như một cực hình với ông Chí. “Nhiều bạn bè bảo, lúc gặp gỡ, nếu ngồi nhậu bên ly bia cứ nói chuyện về chuyên môn cử tạ thì phạt. Tôi nhiều lần nộp tiền phạt hơn cả tiền bia. Vì mình chỉ biết về cử tạ, không nói chuyện đó biết nói gì”, HLV Huỳnh Hữu Chí đã chia sẻ.

Thầy Chí "bánh mỳ" và các học trò.

Tạ rơi buồn hơn cả học trò

Ông Chí từng giãi bày, lúc học trò của mình rơi tạ không đạt được kết quả đúng dự liệu, bản thân ông buồn hơn tất cả. Cảm giác đấy những ai có mặt tại giải vô địch quốc gia năm 2012 diễn ra ở Hải Phòng rõ nhất. Ông Chí khi đó dồn mọi kỳ vọng vào học trò ruột Thạch Kim Tuấn. Đáng tiếc, cậu học trò thất bại trước các đàn anh Trần Lê Quốc Toàn và Hoàng Anh Tuấn. Điều ấy đồng nghĩa, Kim Tuấn không có suất dự Olympic 2012.

Tiếng tạ rơi gần như nằm lòng với ông Huỳnh Hữu Chí. Ông bảo, tôi ở phòng tập nhiều hơn cả nhà nên chính thế, tụi nhỏ sợ tôi lắm. Sợ không phải vì thầy Chí ne nẹt mà vì vận động viên luôn phải thực hiện đúng khối lượng tập luyện. Có người khôn khéo làm tạ nhẹ, nâng một hai cái rồi cho rằng đã xong.

“Điều ấy không qua tôi được vì không xem vận động viên nâng nhưng chỉ qua tiếng tạ rơi, tôi biết chắc chắn tạ nặng như thế nào”, thầy Chí chia sẻ.

Cũng chính vì cái nghiệp mê tạ, thương học trò mà ông Chí lặn lội khắp chốn tìm vận động viên về đào tạo. Với trường hợp Thạch Kim Tuấn, ông tự nhận mình gặp được vận may. Tuấn không phải vận động viên trưởng thành từ tập năng khiếu ở cử tạ TP Hồ Chí Minh. Ngày mới từ quê nhà lên TP Hồ Chí Minh, Tuấn còn thuê nhà ở khu Gò Vấp chưa biết làm gì. Tình cờ trong lúc tìm quân về huấn luyện, ông Chí được một học trò kể rằng có cậu bạn tố chất lắm. Không ngại ngần, từ trung tâm thành phố, ông đi xe xuống Gò Vấp gặp Tuấn.

“Lúc ấy thằng nhỏ ốm lắm, nhưng tôi thấy hình thể có năng khiếu nên gật đầu nhận ngay về huấn luyện. Giờ thì Tuấn đã là vận động viên có đủ thành tích tại SEA Games, châu Á, thế giới…”, ông Chí trần tình. Sau thành công với Kim Tuấn ở giải vô địch thế giới 2015 và giành suất chính thức Olympic 2016, những ngày này, ông Chí lại có mặt ở Uzbekistan cùng các lực sĩ nữ dự vòng loại Olympic thế giới.

Phải học mới nên người

Chuyện vận động viên cử tạ chẳng có bằng cấp học hành đã quá quen thuộc. Trong vai trò trưởng môn cử tạ TP Hồ Chí Minh, ông Chí là người rất gắt gao việc học trò phải đi học chứ không thể bằng lòng qua kết quả thi đấu.

Ông tâm niệm "đời vận động viên thành công đến đâu cũng rất ngắn, nên tôi phải nhìn cho tương lai của học trò; tôi mà không cho vận động viên đi học thì sẽ mang tội lớn lắm". Những học trò trực tiếp của ông Chí như Tuấn Tài, Hồng Ngọc, Kim Tuấn, Anh Tuấn… là những nhà vô địch quốc gia, vô địch châu Á… nhưng sau sàn đấu, họ phải hoàn thiện các chương trình học tập chứ không thể lười. Có thể thế, thầy Chí “bánh mỳ” rất khó tính trong thi đấu và kỹ tĩnh sau sàn đấu nhưng chưa khi nào học trò ca thán về ông.

Nhiều người biết rằng, không chỉ là thầy, ông Chí còn như người cha của đám học trò bởi bất kỳ lực sĩ nào khó khăn họ đều tìm tới HLV của mình nhờ giúp đỡ. “Nhà tôi nhiều lúc còn đông vui hơn cả phòng tập. Đám học trò ngày nào cũng ghé chơi rộn ràng lắm”, ông Chí vui vẻ trò chuyện.

* Đội cử tạ Việt Nam gồm 7 vận động viên đang có mặt tại Uzbekistan dự vòng loại cuối cùng tranh suất Olympic của thế giới. Việt Nam đặt mục tiêu giành 1 suất chính thức của nữ. Chúng ta nhắm vào nội dung 48kg nữ (thi đấu ngày 24-4 theo giờ địa phương) với nữ tuyển thủ Vương Thị Huyền. Sau giải trên, ông Huỳnh Hữu Chí sẽ cùng đội cử tạ nam đến Mỹ tập huấn dài ngày bắt đầu từ 1-5.

D.P.


Diệu Phương
.
.
.