Hành trình tới Olympic 2016 (Bài 1)

Hành trình tới Olympic 2016: Kết quả này tôi dành tặng gia đình

Thứ Bảy, 23/04/2016, 09:56
Phạm Phước Hưng là tuyển thủ vừa đoạt vé chính thức dự Olympic 2016 trong môn thể dục dụng cụ (TDDC). Ở tuổi 28, chàng trai vàng của TDDC thể thao Hà Nội lần thứ hai liên tiếp giành suất chính thức đi thi đấu Olympic (các năm 2012, 2016)...


Chuỗi ngày khó giúp tôi trưởng thành

Các tuyển thủ TDDC nam của đội tuyển Việt Nam thường có mẫu số chung là họ trưởng thành trong những hoàn cảnh gia đình khó khăn. Phạm Phước Hưng cũng vậy.

Thể thao Việt Nam đã và đang liên tiếp đón nhận tin vui khi nhiều VĐV giành được suất chính thức dự Olympic 2016. Để có thêm sự chia sẻ về những con người đang làm rạng danh thể thao Việt Nam, chúng tôi sẽ gửi tới quý độc giả về chân dung một số tuyển thủ bước đầu đã có thành công trên. Họ là những tuyển thủ nổi tiếng hoặc chưa được nhiều người biết đến, nhưng tất cả đều tự hào vì một màu cờ sắc áo Việt Nam.

Trong tối 21-4 đáp xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) sau chuyến hành trình gần 20 giờ bay từ Brazil về Việt Nam, ngoài thầy cô, lãnh đạo ngành Thể thao ra chúc mừng thì gia đình của Phước Hưng cũng có mặt. Khi ấy, nhiều người thấy bà Hồng (mẹ Phước Hưng) rơi những giọt nước mắt trên khóe mắt mừng con trai ngày về. Đó là một cảm giác xúc động. Hưng từng kể, gia đình mình khi trước không khá giả, bố mẹ phải bươn chải nhiều mới đủ nuôi con khôn lớn. Nhìn cảnh mẹ ngày đêm may quần áo rồi có lúc bán bánh mỳ càng là động lực để Hưng vươn lên.

“Thành tích đoạt vé tại vòng loại vừa rồi tôi mừng lắm. Mừng vì vào lúc này mình không phải người mạnh mẽ sung sức như nhiều VĐV khác nhưng sau bao khổ luyện, tôi và bạn Phan Thị Hà Thanh đã thành công”, Phước Hưng nói về kết quả giành suất chính thức Olympic 2016.

Để có được một Phước Hưng như bây giờ, TDDC Hà Nội đã chuẩn bị tiền đề từ rất sớm. Mọi người vẫn nhớ như in hình ảnh những cô bé, cậu bé tuổi mới lên 9 lên 10 (trong đó có Phước Hưng, Phương Thành, Ngân Thương…) đã đi tập huấn tại Trung Quốc dài ngày (giai đoạn năm 2000). Về sau, Phước Hưng từng chia sẻ, lúc đó cảm giác nhớ nhà, có chút sợ sệt bao trùm. Nhưng ở tập tại Trung Quốc lâu rồi thành quen và có thêm bạn bè ở cùng nữa nên Hưng với đồng đội tự tin để tập luyện.

HLV Trương Tuấn Hiền, người trực tiếp huấn luyện cậu học trò nhỏ từ những ngày đầu chưa một lần nói quá về Phước Hưng trên báo giới. Ông chỉ nhắc khéo Hưng rằng “giữ được thành công còn khó khăn hơn cả khi đạt được nó”. Khó khăn mà ông Hiền nhắc tới phần nào là những chấn thương VĐV môn TDDC gặp phải. Cái đầu gối băng, tấm lưng dán miếng giảm đau, cổ chân buộc chằng chéo, bàn tay xước sát trầy da là những thứ mà VĐV môn TDDC như Phước Hưng quen thuộc.

“Có lúc ngã đau lắm, nhưng sau khi nghỉ một lúc tôi lại trở lại tập và sự đau ấy không quá ảnh hưởng”, Hưng trò chuyện. Kết quả thi đấu của hai năm 2015, 2016 mang lại cho Hưng thành công là tấm vé chính thức Olympic 2016. Suất chính thức dự Olympic 2016 hoàn toàn tương xứng với những gì tuyển thủ này được đầu tư cùng bản thân quyết tâm nỗ lực vượt khó.

VĐV Phạm Phước Hưng.

Tiếc cho những bạn thân

Phước Hưng là người trọng tình cảm. Đi tập, thi đấu xa ở đâu về, người thân và bạn bè thân luôn là những người mà Hưng mong gặp gỡ chia sẻ nhiều nhất. Trò chuyện với Phước Hưng trong sáng 22-4, chàng tuyển thủ kể rằng mình tự tin vì có bạn bè, thầy cô luôn cổ vũ phía sau. Nhưng trên hết, “tôi xin dành tặng kết quả này cho gia đình mình”, Hưng cho biết.

Điều ấy cũng hợp lẽ. Với bà Hồng (mẹ Phước Hưng), không gì quý hơn bằng việc thấy con trai mạnh khỏe trở về cùng chiếc vé dự Olympic 2016. Vui mừng là thế nhưng sau ánh hào quang, chớp lòa của ánh đèn máy quay, máy ảnh, ở Hưng vẫn còn nỗi ưu tư.

Chiến thắng bước đầu giành vé Olympic 2016 là từ nỗ lực bản thân Phước Hưng. Trong tâm, Phước Hưng tiếc vì ở vòng loại Olympic nếu có thêm những người bạn thân Đinh Phương Thành, Nguyễn Hà Thanh làm được như thế thì vui biết mấy. Họ đã không thể góp mặt vòng loại Olympic. Tuyển thủ Phương Thành đang tập duy trì hồi phục chấn thương trong khi cựu tuyển thủ Nguyễn Hà Thanh đã giải nghệ. Nói điều ấy để thấy, một con người sống trọng tình cảm như Phước Hưng luôn đáng quý trong thể thao.

“Tôi có những thời điểm mất ăn mất ngủ vì chấn thương. Ngay vừa bình phục tôi lao vào tập luyện để nhanh chóng lấy lại thể lực cũng như phong độ. Cảm giác khi nhận được suất dự Olympic làm cho tôi quên đi nỗi đau, chấn thương mà thời gian dài trải qua” – Phước Hưng nói.

Chàng trai vàng của TDDC Việt Nam từng dự và đoạt huy chương vàng ở các kỳ SEA Games 23, 24, 26, 28. Dự kiến trong những ngày tới, sau khi ổn định trở lại từ đợt thi đấu vòng loại Olympic, Phạm Phước Hưng cùng Phan Thị Hà Thanh sẽ tập duy trì ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội sau đó đi Nhật Bản tập huấn.

Diệu Phương
.
.
.