Duy Mạnh, Trọng Hoàng và sự “biến hóa” của HLV Park Hang-seo

Thứ Bảy, 09/05/2020, 07:31
Huấn luyện viên Park Hang-seo từng khá thành công khi đưa tiền vệ Duy Mạnh về đá trung vệ, tiền vệ Xuân Mạnh về đá hậu vệ, Trọng Hoàng từ tiền vệ xuống đá hậu vệ biên rồi Văn Hậu từ biên vào đá trung vệ.


Dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo, nhiều cầu thủ đã thay đổi vị trí sở trường trong những tình huống bất đắc dĩ, thế nhưng sau đó lại rất thành công với vị trí mới. Đây là điều giúp cho đội tuyển quốc gia cũng như U23 trong 2 năm qua.

Đầu tiên, phải kể đến trường hợp của Đỗ Duy Mạnh. Anh xuất thân từ một tiền vệ phòng ngự trong màu áo Hà Nội. Khi được triệu tập lên đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam năm 2014 dưới thời huấn luyện viên Miura, Duy Mạnh cũng luôn thi đấu tốt trong vai trò tiền vệ trụ.

Đến thời huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng, Duy Mạnh cũng được xếp ở vị trí tiền vệ phòng ngự. Tuy nhiên, ở một số thời điểm bất đắc dĩ, huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng đã xếp Duy Mạnh chơi ở vị trí trung vệ. Việc thi đấu ở vị trí mới cũng khiến Mạnh bỡ ngỡ và mắc sai lầm ở nhiều trận đấu. Tuy nhiên anh cũng đã dần khắc phục được nhược điểm.

Duy Mạnh là một trong những người đã đổi vị trí thành công.  Ảnh: HĐ

Đến thời huấn luyện viên Park Hang-seo thì Duy Mạnh chính thức chơi ở vị trí trung vệ ở U23 và đội tuyển quốc gia. Tại giải U23 châu Á 2018, Duy Mạnh chính là một trong những trung vệ hay nhất của U23 Việt Nam. Cũng từ giải đấu đó, Duy Mạnh luôn là sự lựa chọn số 1 của ông Park Hang-seo ở đội tuyển Việt Nam. Trở lại Hà Nội thì Duy Mạnh cũng là sự lựa chọn hàng đầu ở vị trí trung vệ.

Trong cuộc trả lời báo chí Việt Nam mới đây, huấn luyện viên Miura có tiết lộ rằng, Duy Mạnh là cầu thủ xuất sắc nhất dưới thời ông. Huấn luyện viên người Nhật Bản đã dành cho Duy Mạnh những đánh giá khá đắt: “Duy Mạnh là một cầu thủ tài năng và đa năng, hội tụ đầy đủ các kỹ năng phòng ngự và tấn công. Cậu ấy chuyền xa tốt, chạm một không có động tác thừa, tranh chấp tay đôi quyết liệt và thường đi trước đối phương một nhịp phán đoán.

Nếu vận hành sơ đồ hai trung vệ, tôi không nghĩ Mạnh sẽ phát huy được khả năng. Điểm yếu của Mạnh là chiều cao, đấy là thứ sẽ khiến Mạnh gặp rắc rối nếu bị đặt trong hoàn cảnh một đấu một. Hệ thống ba trung vệ có ưu điểm là giảm thiểu tối đa số lượng tình huống một đánh một. Điểm nhìn của tôi với Mạnh vẫn là một tiền vệ phòng ngự, vừa giỏi thu hồi tranh chấp, lại có thể tạo ra đột biến nhờ khả năng chuyền dài”.

Trường hợp thứ 2 là Nguyễn Trọng Hoàng. Anh vẫn được biết đến là một trong những tiền vệ cánh hay nhất Việt Nam. Hoàng “bò” thậm chí được nhiều huấn luyện viên sử dụng ở vị trí hộ công hoặc tiền đạo lệch trái. Đó là những vị trí sở trường giúp Trọng Hoàng phát huy được khả năng tốt nhất. Dưới thời ông Park Hang-seo, thời gian đầu tiên, Trọng Hoàng cũng được lựa chọn để đá tiền vệ.

Tuy nhiên, trước thềm AFF Cup 2018, hậu vệ Vũ Văn Thanh bị dính chấn thương khiến cho ông Park phải đau đầu tìm phương án thay thế. Sau rất nhiều những thử nghiệm thì Trọng Hoàng được kéo về đá hậu vệ cánh phải.

Tiền vệ này sau đó đã chơi hiệu quả ở vị trí mới và đóng góp công lớn vào chức vô địch AFF Cup 2018 cùng đội tuyển Việt Nam. Sau đó, Trọng Hoàng tiếp tục được ông Park sử dụng ở vị trí này ở các giải đấu tiếp theo.

Cũng bởi Trọng Hoàng đã khiến thầy Park “khoái” mà anh trở thành 1 trong 2 cầu thủ ngoài độ tuổi 22 được chọn để tham dự SEA Games 30. Anh đã góp công lớn vào chức vô địch của U22 Việt Nam. Ở tuổi 30, Trọng Hoàng đã làm được điều  kỳ diệu mà anh từng bỏ lỡ cách đó 10 năm.

Ngoài hai cái tên tiêu biểu trên, huấn luyện viên Park Hang-seo từng thay đổi vị trí của nhiều cầu thủ khác trong các giải đấu cụ thể. Ông từng kéo tiền vệ Xuân Mạnh về đá hậu vệ, Văn Hậu từ biên vào đá trung vệ… Đấy đều là những phương án.

Trước việc ông Park đang muốn làm mới đội hình, nhiều ý kiến cho rằng, việc đảo vị trí những cầu thủ mà ông đang có cũng là một giải pháp hay. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể diễn ra ở một số cầu thủ đa năng. Và chúng ta cũng cần hiểu rằng, sự thay đổi sẽ là một "canh bạc" với ông Park, bởi yếu tố rủi ro luôn phải được tính đến.

Với tài “biến hoá” của thầy Park, mong rằng sẽ có nhiều tài năng được phát hiện và nhiều vị trí mới được khai thác.

Tuyết Dung nhận quyết định làm huấn luyện viên

Ngày 8/5, hai tuyển thủ nữ Việt Nam là Nguyễn Thị Tuyết Dung và Trần Thị Hồng Nhung đã được bổ nhiệm vào biên chế đội ngũ huấn luyện của câu lạc bộ nữ Phong Phú Hà Nam.

Cả hai sẽ bắt đầu công việc huấn luyện viên  từ đội U13, 15. Tuyết Dung cho biết: “Đây được xem là bước ngoặt của cuộc đời tôi. Để có được vinh dự này là nhờ sự quan tâm, đặc cách của tỉnh Hà Nam cũng như Câu lạc bộ Phong Phú Hà Nam. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, tôi cũng đã cố gắng trong tập luyện, thi đấu để giành những thành tích cho Câu lạc bộ Phong Phú Hà Nam cũng như đội tuyển quốc gia. Tôi cũng cảm thấy mình đã có được điều may mắn hơn nhiều các đồng đội khác. Tôi sẽ bắt đầu công việc từ việc đào tạo trẻ ở đội trước. Bắt đầu từ vị trí này, tôi sẽ có thời gian để học hỏi, trau dồi kinh nghiệm thêm”. 

Đây là điều được chuẩn bị sẵn từ trước vài năm khi Tuyết Dung đã theo học lớp huấn luyện viên và hoàn thành chương trình học tại Đại học thể dục thể thao Từ Sơn - Bắc Ninh.

Dù vậy, cô gái sinh năm 1993 vẫn tiếp tục sự nghiệp cầu thủ của mình tại câu lạc bộ và đội tuyển nữ Việt Nam: "Khi có giải đấu thì tôi vẫn quay trở lại tập luyện để chuẩn bị như các đồng đội khác. Vừa là huấn luyện viên, vừa là cầu thủ của đội".

Về phía Trần Thị Hồng Nhung, tuyển thủ nữ đầu tiên ra nước ngoài thi đấu này cũng hoàn thành khóa học huấn luyện viên cùng thời gian với Tuyết Dung. Được biết, Nhung "Trâu" vẫn tiếp tục sự nghiệp quần đùi áo số trong thời gian tới trước khi chuyển hẳn sang làm huấn luyện viên.

Trước đó, sau khi SEA Games 30 kết thúc, đồng đội của cả hai là Nguyễn Thị Xuyến đã chia tay đội tuyển quốc gia để toàn tâm toàn ý trên cương vị huấn luyện viên U16 dự tuyển Việt Nam. (H.H)

Hưng Hà
.
.
.