Trung Quốc nỗ lực kéo châu Âu lại gần giữa căng thẳng với Mỹ
- Đại diện cấp cao EU gọi Trung Quốc là "đế chế mới, phá hoại các chuẩn mực quốc tế"
- Cố vấn an ninh Mỹ: Trung Quốc đang "tự tưởng tượng" về chủ quyền tại Biển Đông
- Trung Quốc dọa tẩy chay Apple nếu Mỹ cấm Wechat
- Philippines - Trung Quốc gia tăng căng thẳng trên Biển Đông
Tờ New York Times cho biết, Ngoại trưởng Trung Quốc ngày 31/8 đã có mặt ở thủ đô Berlin, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 5 nước châu Âu gồm Italy, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức kéo dài từ 25/8 đến 1/9. Theo lịch trình, ông Vương có một loạt cuộc gặp với các quan chức cấp cao nước chủ nhà để thảo luận về khả năng thúc đẩy hợp tác song phương Trung- Đức nói riêng và quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu nói chung.
Ông Vương Nghị công du châu Âu chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới khu vực, trong đó nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cảnh báo Trung Quốc là mối đe dọa đối với tương lai của lục địa này. Trong chặng dừng chân ở Pháp hôm 30/8, ông Vương thừa nhận quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang ở trong trạng thái tệ trong lịch sử.
“Mỹ đã công khai ép các nước phải chọn phe và đẩy quan hệ Trung - Mỹ vào xung đột, đối đầu”, ông Vương cáo buộc khi phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, đồng thời kêu gọi Trung Quốc và EU “cùng nhau chống lại mọi xu hướng kích động thù hận”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến công du dài ngày đến châu Âu. Ảnh: Bloomberg |
Ngoại trưởng Trung Quốc nhận định, quan hệ giữa Bắc Kinh và châu Âu “không tồn tại xung đột căn bản về lợi ích” và “nhận thức chung lớn hơn bất đồng”. Ông Vương cho rằng, dù khác nhau về thể chế chính trị nhưng hai bên nên là đối tác chiến lược nhiều mặt, đồng thời đưa ra nhiều lĩnh vực mà Bắc Kinh cho là có thể hợp tác, gồm tăng cường đầu tư; tạo dựng nền móng hợp tác trong lĩnh vực phát triển xanh và kinh tế số; làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác trong hợp tác đa phương và hợp tác chống COVID-19.
Nhân chuyến công tác nước ngoài đầu tiên từ khi COVID-19 khởi phát và trong bối cảnh Bắc Kinh bị Mỹ và nhiều nước châu Âu phàn nàn vì cách ứng phó với đại dịch, ông Vương khẳng định, nước này và châu Âu có thể cùng phát triển và sản xuất vaccine, thiết bị y tế chống lại COVID-19, đồng thời ủng hộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) phát huy vị thế.
Hôm 27/8, khi có mặt ở Na Uy, ông Vương gây bất ngờ khi tuyên bố, dù Trung Quốc là nước đầu tiên báo cáo sự tồn tại của SARS-CoV-2, song “điều đó không có nghĩa là virus có nguồn gốc từ Trung Quốc”.
Với Bắc Kinh, việc xuất hiện ở một loạt nước châu Âu lần này cũng được xem là một phần trong nỗ lực ổn định những mối quan hệ quốc tế vào thời điểm Washington quyết tâm phản đối tập đoàn Huawei Trung Quốc tham gia phát triển mạng 5G tại “lục địa già”, điều chỉnh lại chuỗi cung ứng toàn cầu và cấm đoán các ứng dụng lớn của Trung Quốc như: TikTok và WeChat, theo Bloomberg.
Hôm 28/8, tại Budapest, ông Vương đã ca ngợi Hungary vì không xem công nghệ 5G do Huawei cung cấp là “mối đe dọa an ninh quốc gia”. Thảo luận với người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc nói rằng, châu Âu không nên cho phép những cuộc đàm phán gây chia rẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu, và châu lục này nên chống lại hành vi bắt nạt đơn phương về kinh tế. Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh, bảo vệ chủ quyền không có nghĩa là “đóng cửa thị trường với nước khác”.
Gao Zhikai, từng công tác trong ngành ngoại giao ở Trung Quốc, nhận định: “Những gì Trung Quốc đang làm nhằm duy trì mối quan hệ bình thường với các nước khác và thể hiện bản thân theo cách khách quan hơn. Khi Mỹ gia tăng sức ép, Trung Quốc mong muốn đưa tình hình trở lại trạng thái bình thường”.
Từ nhiều ngày trước khi ông Vương bắt đầu chuyến công du, Trung Quốc đã liên tiếp có những phát ngôn ca ngợi quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước châu Âu. Tuy nhiên, thái độ của các quan chức châu Âu với Trung Quốc được xem là vẫn khá cứng rắn.
Hôm 30/8, sau cuộc gặp giữa ông Vương và người đồng cấp Pháp Jean-Yves, Ngoại trưởng Pháp đã ra tuyên bố tái khẳng định lập trường của Paris về việc cần “tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông”, nơi Trung Quốc bị cáo buộc có nhiều hành vi gây bất ổn thời gian gần đây.
Tại Đức, dù được đón tiếp nồng nhiệt, song cách đây không lâu, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth đã nhấn mạnh châu Âu không nên đặt lợi ích thương mại với Trung Quốc lên trên chính sách và giá trị chung của mình.
“Sẽ không có chuyện mọi thứ vẫn diễn ra như thường giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc sau các hành động của Bắc Kinh ở Hong Kong. Hong Kong sẽ là bài thử cho uy tín của Trung Quốc với tư cách là một đối tác quốc tế của khối EU”, Bộ trưởng Roth nhấn mạnh.
Trung Quốc đang theo đuổi một thỏa thuận đầu tư với châu Âu suốt 7 năm qua, hướng đến một thỏa thuận thương mại toàn diện. Ông Vương Nghị đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc muốn có thỏa thuận này trong năm 2020. Các chuyên gia bình luận, Bắc Kinh hiểu rõ rằng khả năng họ đạt được thỏa thuận sau năm 2020 là rất khó khăn, khi Thủ tướng Đức Angela Merkel rời nhiệm sở và Đức không còn là chủ tịch luân phiên của EU.
Trong bước đi tiếp theo thể hiện quyết tâm kéo châu Âu lại gần, ngay sau chuyến thăm của ông Vương Nghị, tuần này, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng sẽ lên đường sang một số nước châu Âu nhằm tạo đà cho Hội nghị Thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo châu Âu vào giữa tháng 9. Một số nguồn tin tiết lộ, Bắc Kinh có thể đang nỗ lực thúc đẩy kí kết thỏa thuận đầu tư với châu Âu nhân hội nghị này.
“Rõ ràng, ông Dương gần gũi với Chủ tịch Tập Cận Bình hơn và còn là người đại diện cho chính sách đối ngoại Trung Quốc, vậy nên, chuyến thăm của ông ấy mang rất nhiều ý nghĩa”, Mikko Huotari, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, trụ sở ở Berlin, Đức, nhận xét. “Nỗ lực kép của cả ông Dương và ông Vương là chưa từng có tiền lệ. Thời điểm diễn ra các chuyến thăm cho thấy họ muốn làm rõ rằng châu Âu là một đối tác chiến lược của Trung Quốc”.