Tổng thống Trump điện đàm, muốn mời Putin dự họp G7 trên đất Mỹ
- Ông Trump nói G7 "lỗi thời", muốn mời Tổng thống Putin tham dự
- Thủ tướng Đức bất ngờ từ chối lời mời tới Mỹ của ông Trump
- Sau loạt bước đi "sốc", ông Trump lại lệnh tổng điều tra công ty Trung Quốc
Thông tấn Nga TASS dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đã có cuộc điện đàm vào ngày 1/6. "Ông Trump đã nói với ông Putin về ý định tổ chức Thượng đỉnh G7 với sự góp mặt của lãnh đạo Nga, Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc", tin từ Điện Kremlin nêu.
Lãnh đạo Nga-Mỹ trong cuộc gặp ở Helsinki năm 2018. Ảnh: Getty Images |
Nhà Trắng trước đó cũng thông báo về cuộc điện đàm, cho biết thêm hai Tổng thống đã "thảo luận về tiến trình nhóm họp G7". Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về những nỗ lực đánh bại COVID-19, mở lại nền kinh tế và loạt vấn đề quan trọng khác.
"Tổng thống Nga đã chúc mừng ông Donald Trump về Mỹ phóng thành công tàu vũ trụ Crew Dragon, đưa phi hành gia Mỹ lên ISS", Điện Kremlin tiết lộ thêm. "Cam kết hợp tác để phát triển cùng có lợi trong không gian đã được tái khẳng định".
Hội nghị Thượng đỉnh G7 ban đầu dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến 12/6 tại Mỹ, song chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã lùi lịch này đến ngày chưa xác định vào cuối tháng 6 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tuần trước, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany nói Thượng đỉnh G7 dự kiến sẽ được tổ chức trực tiếp tại Nhà Trắng thay vì diễn ra trực tuyến. Tổng thống Trump cho đây là minh chứng của việc thế giới có thể mở cửa trở lại nền kinh tế sau nhiều tháng đình trệ.
Hiện Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhất trí dự sự kiện. Ông Johnson nói rằng các nhà lãnh đạo nên gặp mặt trực tiếp nếu có thể. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối lời mời tới Mỹ vì tình hình COVID-19.
G7 được thành lập vào năm 1975 gồm 7 quốc gia có nền kinh tế công nghiệp hàng đầu thế giới. G7 kết nạp Nga vào năm 1998 và trở thành nhóm G8 rồi lại quay về định dạng G7 vào năm 2014, khi Nga bị loại vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Nga gần đây tỏ ra không còn mặn mà với G7 mà ủng hộ cơ chế đối thoại nhiều bên tại các diễn đàn lớn hơn như G20. Trong khi đó, các thành viên G7 như Mỹ, Italia rất muốn sự quay lại của Nga để cùng giải quyết hiệu quả các vấn đề quốc tế.