Tổng thống Putin tìm tới châu Âu để bàn về Đông Ghouta
- HĐBA chính thức thông qua nghị quyết ngừng bắn khẩn cấp ở Syria
- Nga triển khai Su-57 đến Syria để “trấn áp”F-22 của Mỹ?
- 841 dân thường Syria và Iraq mất mạng vì đòn không kích nhầm
TASS ngày 25-2 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm quan trọng với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel về tình hình Đông Ghouta, Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại một cuộc gặp. Ảnh: TNN |
Lãnh đạo ba nước cho biết "hài lòng trước việc những nỗ lực chung mang tính xây dựng đã giúp dẫn tới việc thống nhất và thông qua Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) số 2401 ngày 24-2" về một lệnh ngừng bắn toàn Syria để sơ tán và viện trợ nhân đạo cho dân thường.
Theo thông cáo được Điện Kremlin gửi đi, các bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện những nỗ lực chung nhằm thực hiện đầy đủ các điều khoản trong nghị quyết một cách nhanh chóng nhất có thể.
"Các vấn đề của Syria đặt trong bối cảnh tình hình tại Đông Ghouta, cũng như việc đảm bảo an toàn cho đường vào khu vực này cũng như các vùng khác tại Syria, đã được thảo luận", thông cáo có đoạn.
Tổng thống Putin cũng đã trao đổi với Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel về những động thái mà Nga đã thực hiện để sơ tán dân thường, vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo cùng trợ giúp y tế cho dân chúng ở Syria.
Sau vài lần trì hoãn, các thành viên HĐBA ngày 24-2 đã thông qua nghị quyết chấm dứt các hoạt động thù địch một cách "không trì hoãn" trên toàn Syria trong vòng 30 ngày, cho phép các hoạt động viện trợ nhân đạo và sơ tán y tế đối với người dân ở vùng chiến sự khắp Syria, bao gồm vùng Đông Ghouta.
Nghị quyết ban đầu do Thụy Điển và Kuwait, nước đang là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an tháng 2-2018, soạn thảo và đề xuất ngày 9-2. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần đề nghị sửa đổi văn bản này để phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đề xuất của Moscow, nghị quyết nêu rõ lệnh ngừng bắn sẽ không được áp dụng đối với các chiến dịch chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay al-Qaeda, cùng với các "cá nhân, tổ chức và thực thể" có liên quan với các tổ chức khủng bố.