Thủ tướng Thái Lan: Tổng tuyển cử phải theo lộ trình

Thứ Năm, 01/03/2018, 08:39
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha mới đây đã tuyên bố cuộc bầu cử dân sự hóa chính phủ nước này sẽ diễn ra chậm nhất vào tháng 2-2019 và phải dựa trên Hiến pháp, cũng như các sắc lệnh của Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia (NCPO).


Bầu cử phụ thuộc vào tình hình thực tế

Trong bài phát biểu đưa ra tối 27-2, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã đưa ra một cam kết về lộ trình diễn ra cuộc bầu cử dân sự sắp tới. Theo đó, hạn chót mà ông Prayuth Chan-ocha đưa ra đã không khiến dư luận ngạc nhiên bởi trước đó sự kiện này đã bị trì hoãn nhiều lần. 

Ông Prayuth nói: “Kể từ ngày 1-3, chúng tôi cho phép các đảng chính trị mới được đăng ký thành lập; kể từ ngày 1-4, cho phép các đảng chính trị cũ được tái lập đảng của mình. Ngày 1-6 tất cả các bên, trong đó cả đảng mới và cũ sẽ họp để bàn bạc về những quy định của cuộc bầu cử. Mọi việc cần được hoàn tất và sự kiện quan trọng này phải được diễn ra chậm nhất là tháng 2-2019”. 

Một mặt là như vậy, nhưng mặt khác, người đứng đầu chính phủ quân sự Thái Lan cũng cho hay, ông chưa thể đảm bảo chắc chắn việc bầu cử có thể diễn ra đúng dự kiến hay không vì mọi việc còn phải phụ thuộc vào tình hình thực tế của đất nước. 

Trong lần trì hoãn gần đây nhất, ngày bầu cử đã được ấn định vào tháng 11, nhưng hồi tháng 1, Hội đồng Lập pháp Quốc gia (NLA, tức Quốc hội Thái Lan) do quân đội chỉ định đã thay đổi luật bầu cử. Hôm 22-2, NLA cũng đã bác bỏ tất cả các ứng viên được đề cử vào vị trí ủy viên Ủy ban Bầu cử (EC), động thái khiến cho tiến trình chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới trở nên phức tạp hơn. Ông SomchaiSrisuttiyakorn, Ủy viên EC tiết lộ với tờ Bangkok Post, trong khoảng 200 ngày nữa, tức là vào khoảng tháng 9-2018, các ủy viên mới của EC mới có thể nhậm chức.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tuyên bố, thời điểm bầu cử phải phụ thuộc vào tình hình thực tế. Ảnh: Tân Hoa Xã

Xáo trộn trong các đảng phái

Việc tuyên bố lùi hạn bầu cử thêm một lần nữa của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha được đưa ra trong bối cảnh anh em cựu Thủ tướng Thaksin và Yingluck Shinawatra hiện đang lưu vong ở nước ngoài, được cho là đang tìm cách giành lại ảnh hưởng tại Thái Lan nói chung và đảng Pheu Thai nói riêng. 

Tuy nhiên, các lãnh đạo đảng Pheu Thai đã bác bỏ mọi cáo buộc có liên quan đến hai cựu Thủ tướng của nhà Shinawatrakhiến họ có thể đối mặt với nguy cơ giải thể trong bối cảnh hiện nay. 

Thông cáo báo chí của đảng Pheu Thai có đề cập, cuộc gặp giữa ông Thaksin và bà Yingluck với các nhà chính trị và doanh nhân tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hongkong hay Singapore trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua chỉ mang tính xã giao và không liên quan gì công việc chính trị trước đây của đảng. Mọi quyết định của Pheu Thai đều do các lãnh đạo đưa ra dựa trên ý kiến của các nhánh trong đảng, của người ủng hộ và không thể có ai khác có thể can thiệp.

Đảng Pheu Thai là sự tái sinh của các đảng Thai Rak Thai hay đảng Quyền lực Nhân dân từng bị giải thể trước đây. Chính vì vậy, lần này các lãnh đạo đảng rất cẩn trọng, tránh để lịch sử lặp lại. Ngoài ra, Bangkok Post dẫn nguồn tin thân cận với đảng Pheu Thai cho biết, ở thời điểm nhạy cảm mà người ủng hộ có thể ra đi như hiện nay, Pheu Thai sẽ không vội chọn ra lãnh đạo mới mà sẽ cố gắng dựa vào các cựu nghị sĩ. 

Bên cạnh đó, giới chuyên gia nhận định, với việc trì hoãn tổng tuyển cử, giới quân sự chưa thực sự tự tin một đảng do họ hậu thuẫn có thể đạt được đa số phiếu trong sự kiện trọng đại tháng 2-2019. Vì thế, họ có thể sẽ thành lập một đảng để thu hút thành viên từ các đảng đang tồn tại và ủng hộ Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tiếp tục nắm quyền sau cuộc bầu cử. 

Ông YutthapornIsarachai, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Sukhothai Thammathirat nói rằng, chuyến đi châu Á của cựu Thủ tướng Thaksin và em gái Yingluck rõ ràng để chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Dù đã bị trì hoãn nhiều lần, lời hứa bầu cử lần này vẫn được chú ý và ông Thaksin muốn tranh thủ cơ hội đó để nhắc cử tri không quên ông hay đảng Pheu Thai.

Trong một diễn biến khác, ngày 26-2, ông PanitanWattanayagorn, cố vấn của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng PrawitWongsuwan tuyên bố rằng, ở thời điểm hiện tại mọi hoạt động tụ tập chính trị sẽ bị nghiêm cấm và lực lượng an ninh sẽ tiến hành trấn áp các cuộc biểu tình phản đối. 

Ông Panitan đồng thời cho biết, những nhân vật liên quan đến các cuộc tụ tập phản đối gần đây “khá có kinh nghiệm” dù hầu hết chỉ là các sinh viên đại học. Lực lượng an ninh sẽ điều tra các mối liên hệ của những nhân vật này với các đối tượng khác và đảm bảo rằng không để xảy ra “bất kỳ sự cố nào do lực lượng bên ngoài kích động”. 

Về phía NCPO, Đại tá WinthaiSuvaree, người phát ngôn của hội đồng cũng cho biết, chính quyền quân sự sẽ cố gắng kêu gọi sự hợp tác và tìm kiếm sự thông cảm từ các nhóm chống đối, bao gồm cả Tổ chức Phục hồi Dân chủ (DRG) và Nhân dân Trỗi dậy (SUP). 

Ông Winthai cũng khẳng định cảnh sát đang kiểm soát tình hình và các nhóm trên không có nhiều ảnh hưởng đến công chúng, đồng thời hoài nghi về uy tín của lãnh đạo của các nhóm này và xem họ chỉ là “những kẻ đại ngôn”.

Như Uyên
.
.
.