Tranh cãi về số phận của cựu Thủ tướng Thái Lan sau phán quyết

Thứ Năm, 28/09/2017, 07:36
Số phận của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra vẫn đang là một câu hỏi bí ẩn mặc dù vào trưa 27-9, tòa án tối cao Thái Lan đã tuyên án 5 năm tù giam đối với bà do những sai phạm liên quan đến chương trình trợ giá lúa gạo gây thiệt hại hàng tỷ USD.


Tranh cãi nảy sinh sau khi người ta bàn đến chuyện thực thi bản án của tòa án tối cao. Theo kế hoạch trước đó, bà Yingluck Shinawatra đáng lẽ phải trình diện trước tòa vào ngày 25-8, đưa ra phát biểu cuối cùng để tòa nghị án. Nhưng cựu Thủ tướng đã "đào tẩu" ra nước ngoài nên phiên tòa được dời đến ngày 27-9.

Hãng Bangkokpost khi đó đã đưa tin rằng, nếu bị xác định có tội, bà Yingluck Shinawatra có thể phải chịu án tối đa 10 năm tù và bị cấm tham gia chính trị suốt đời. Vì thế, trước khi diễn ra phiên xử ngày 27-9, nhiều ý kiến đã được đưa ra trong đó đa phần đều cho rằng, tòa có toàn quyền tự do trì hoãn việc ra phán quyết vì bị cáo vẫn vắng mặt. Đến ngay cả Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam, chuyên gia pháp luật của chính phủ cũng đồng tình với quan điểm này.

Còn Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha trong cuộc gặp gỡ giới báo chí hôm 26-9 thì tuyên bố ông đã biết nơi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang ở nhưng sẽ không tiết lộ cho đến khi tòa đưa ra phán quyết trong phiên xét xử ngày 27-9.

Từ sáng sớm 27-9, gần 100 người ủng hộ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã tụ tập bên ngoài trụ sở tòa án tối cao để nghe phán quyết. Ảnh: The Nation

Ông Prayuth Chan-ocha nêu rõ: "Tôi có nhiều điệp viên. Bà Yingluck Shinawatra đã không xin tị nạn ở nước ngoài". Một số tờ báo của Thái Lan thì nhận định, nhiều khả năng, Thủ tướng sẽ chờ xem phản ứng của các đảng phái và người dân ủng hộ bà Yingluck Shinawatra trước khi quyết định những bước tiếp theo liên quan đến số phận cựu Thủ tướng.

Hãng tin Reuters cho biết, phải đến 11h trưa 27-9, phán quyết nhằm vào bà Yingluck Shinawatra mới được đưa ra. Nguồn tin của báo The Nation khẳng định, tòa phải mất gần 4 tiếng đồng hồ để đọc bản luận tội đối với cựu Thủ tướng. Theo đó, bà Yingluck Shinawatra bị tuyên phạt 5 năm tù giam do những sai phạm liên quan đến chương trình trợ giá lúa gạo gây thiệt hại hàng tỷ USD.

Cũng theo tờ báo này thì ban đầu, 9 vị thẩm phán của tòa án tối cao đã phải họp bàn tại trụ sở tòa án tối cao từ 7h sáng và đạt được đồng thuận về việc công bố phán quyết lúc 9h nhưng sau lại xin hoãn để có thêm thời gian tổng hợp các bằng chứng, lời khai từ 3 nghi phạm bị cho là giúp cựu Thủ tướng trốn thoát. Bên ngoài trụ sở tòa án, hơn 300 cảnh sát đã được huy động bảo vệ an ninh khi có gần 100 người ủng hộ bà Yingluck Shinawatra tới nghe phán quyết.

Mặc dù bày tỏ sự bất bình trước phán quyết của tòa đối với cựu Thủ tướng, song những người này vẫn chỉ tụ tập một cách hòa bình, không gây gổ mà chỉ có những phát ngôn ủng hộ bà Yingluck Shinawatra. Có một điều lạ là trong số gần 100 người này, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng các thành viên hay nghị sĩ của đảng Phue Thai vốn ủng hộ cựu Thủ tướng.

Một số nhà phân tích nhận định, nhiều khả năng, sự vắng mặt của thành viên các đảng phái chính trị cho thấy họ cũng không thực sự quan tâm lắm đến tuyên bố của tòa án bởi bà Yingluck Shinawatra hiện đã cao chạy xa bay và chính phủ Thái Lan cũng khó có thể đưa bà trở về nước để chịu án, giống như trường hợp của anh trai bà là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra hiện đang sống lưu vong ở Dubai.

Năm nay 50 tuổi, bà Yingluck Shinawatra là nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan và đã bị phế truất sau một cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2014. Bà bị cáo buộc sơ suất, thiếu trách nhiệm trong chính sách trợ giá gạo và không xuất hiện tại phiên tòa luận tội hôm 25-8, khiến tòa án phải lùi ngày tuyên án 1 tháng, đến ngày 27-9.

Sáng 27-9, luật sư của bà là ông Sommai Koosap đã có mặt tại tòa án tối cao và thừa nhận không có nghe được tin tức gì của bà kể từ ngày 25-8 đến nay. Cũng có mặt tại tòa án, luật sư Norrawit Larlaeng từ chối bình luận liệu sự vắng mặt của bà Yingluck Shinawatra có ảnh hưởng đến quyền kháng cáo hay không.

Trong một diễn biến có liên quan, Thái Lan đã thành lập ủy ban điều tra về vụ bỏ trốn ra nước ngoài của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và đang tiến hành cuộc điều tra cũng như tiếp nhận thông tin ban đầu từ việc thẩm vấn 3 sĩ quan cảnh sát có liên quan đến vụ bỏ trốn.

Hãng The Nation thông tin, người đứng đầu ủy ban điều tra là Đại tá Kiattipong Nala, Phó Chỉ huy đơn vị số 5 thuộc Sở Cảnh sát thủ đô Bangkok và ủy ban điều tra có 60 ngày để hoàn tất việc điều tra. 3 sĩ quan cảnh sát đang bị điều tra là Đại tá Chairit Anurit, từng là Phó Chỉ huy đơn vị số 5 thuộc Sở Cảnh sát thủ đô Bangkok và 2 sĩ quan cảnh sát ở văn phòng cảnh sát tỉnh Nakhon Pathom.

Phan Hiển
.
.
.