Thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến công du Trung Á
- Chủ tịch Tập Cận Bình: "Tổng thống Trump là bạn của tôi"
- Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự Quốc Khánh Triều Tiên?
- Nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Trung Quốc, hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình
Giới chuyên gia nhận định, chuyến thăm Trung Á này nằm trong kế hoạch tăng cường "ngoại giao con thoi" của Bắc Kinh nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các đối tác chiến lược ở khu vực và trên toàn cầu, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Washington chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đẩy mạnh kết nối "Vành đai - Con đường"
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, từ ngày 12 đến 14-6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Kyrgystan và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 19; từ ngày 14 đến 16-6 sẽ thăm chính thức Tajikistan, đồng thời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) lần thứ 5.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Hán Huy cho biết: "Trong bối cảnh cục diện thế giới đang phải đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bá quyền đang có dấu hiệu trỗi dậy, tác động nghiêm trọng đến các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế thì chuyến thăm chính thức Kyrgystan, Tajikistan và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh SCO lần thứ 19, Hội nghị thượng đỉnh CICA lần thứ 5 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước khu vực Trung Á, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên nhằm đạt được bước phát triển mới. Chuyến thăm đồng thời cũng vẽ ra một kế hoạch mới và chi tiết về tương lai hợp tác dựa trên "Sáng kiến Vành đai - Con đường", tăng cường tương tác về kinh vế và ngoại giao nhân dân giữa các bên”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Kyrgystan Almazbek Atambayev. Nguồn: AKI press. |
Được biết, nhờ vào việc tham gia tích cực "Sáng kiến Vành đai - Con đường" của Trung Quốc trong những năm vừa qua, hai quốc gia Trung Á này đã đạt được nhiều lợi ích kinh tế lớn từ Bắc Kinh. Hiện Trung Quốc vừa là nhà đầu tư, vừa là đối tác thương mại lớn nhất của Kyrgyzstan và đối tác thương mại lớn thứ ba của Tajikistan.
Kim ngạch thương mại hai chiều của Trung Quốc với Kyrgyzstan và Tajikistan trong năm 2018 lần lượt là 5,61 tỷ USD và 1,51 tỷ USD. Tại Kyrgyzstan, khu công nghiệp nông nghiệp Asia Star do một công ty Trung Quốc đầu tư có chuỗi dây chuyền vận hành hoàn chỉnh nhất và tốt nhất khu vực.
Trong năm 2017, các doanh nghiệp Trung Quốc đã ký kết gần 30 hợp đồng kỹ thuật trị giá 317 triệu USD với Kyrgyzstan. Tại Tajikistan, nhà máy nhiệt điện Dushanbe-2 do Trung Quốc và nước này cùng đầu tư xây dựng được khánh thành năm 2016 đáp ứng 60% nhu cầu điện tại thủ đô Tajik và giúp nâng cấp hệ thống sưởi trung tâm cho hơn 700.000 cư dân Dushanbe sau 15 năm đình chỉ.
Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), một ngân hàng phát triển đa phương do Trung Quốc khởi xướng đã phê duyệt khoản vay gần 30 triệu USD, nhằm giúp Tajikistan cải tạo đường biên giới Dushanbe-Uzbekistan trong năm 2016 và hơn 60 triệu USD để cải tạo thủy điện Nurek năm 2017.
Tăng cường "ngoại giao con thoi"
Dự kiến, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải SCO lần thứ 19, ngoài các hoạt động chính thức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo một số quốc gia thành viên của SCO.
"Để đối trọng lại Mỹ và khắc phục những thiệt hại phải gánh chịu trong cuộc chiến thương mại với Washington, lựa chọn tốt nhất của Bắc Kinh có lẽ không phải là đáp trả thuế quan, mà là nhân rộng những sáng kiến đã thành hình và làm sâu sắc thêm quan hệ với các quốc gia là đối tác chiến lược. Việc này vừa giúp Trung Quốc vững tinh thần chính trị, vừa cải thiện hình ảnh của một nước lớn "trong khó" nhưng không quên lợi ích chung", DW trích lời một chuyên gia cho hay.
Hồi đầu tháng 6, ông Tập đã thăm Nga nhân lời mời của Tổng thống Vladimir Putin. Chuyến thăm Moscow của Chủ tịch Tập Cận Bình được coi là cú huých đưa quan hệ Trung - Nga lên một tầm cao mới, tìm kiếm thêm đồng minh trong cuộc chiến không khoan nhượng với Mỹ.
Trong một diễn biến khác, Bắc Kinh hôm 11-6 tuyên bố rằng, họ sẽ trả đũa đến cùng nếu Mỹ khiến căng thẳng trong thương chiến giữa hai nước leo thang.
“Trung Quốc không muốn tham gia vào một cuộc chiến thương mại, nhưng chúng tôi không sợ chiến tranh thương mại. Nếu Mỹ muốn gia tăng căng thẳng, chúng tôi sẽ đáp trả và chiến đấu đến cùng”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói, đồng thời cho biết, Trung Quốc bỏ ngỏ khả năng đối thoại dựa trên sự bình đẳng giữa hai bên.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng sẽ tiếp tục áp thuế lên ít nhất 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu không có thỏa thuận nào được thống nhất sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 cuối tháng này.