Nước Anh tiếp tục gặp “sóng gió” vì Brexit
- Nữ hoàng Elizabeth II "nhắc khéo" giới chức Anh về khủng hoảng Brexit
- Thủ tướng Áo: "EU không đủ thẩm quyền để trì hoãn Brexit"
- “Kế hoạch B” về Brexit của Thủ tướng Anh có gì mới?
- Anh, Brexit và nguy cơ ra đi tay trắng
“Cái gật đầu” sít sao
Tối 29-1 (giờ địa phương), Hạ viện Anh đã tiến hành bỏ phiếu về một loạt điều khoản bổ sung nhằm sửa đổi kế hoạch Brexit của Thủ tướng May, sau khi bác bỏ thỏa thuận này hôm 15-1 vừa qua. The Guardian đưa tin, với tỷ lệ sít sao 317 phiếu ủng hộ và 301 phiếu chống, Hạ viện Anh đã thông qua đề xuất sửa đổi, theo đó cho phép Thủ tướng Anh Theresa May đàm phán lại với Liên minh châu Âu (EU) và sẽ ủng hộ thỏa thuận Brexit nếu dỡ bỏ điều khoản khiến Anh phải giữ biên giới mở với Ireland.
Cụ thể, các nghị sỹ Anh đã thông qua điều khoản sửa đổi, trong đó khẳng định họ chỉ ủng hộ thỏa thuận Brexit nếu điều khoản về giải pháp “chốt chặn” được dỡ bỏ. Giải pháp này của EU nhằm giữ Bắc Ireland trong liên minh thuế quan của EU cho đến khi nào đạt được một giải pháp thay thế để giữ biên giới mở giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, trong trường hợp hai bên chưa đạt được thỏa thuận thương mại.
Mặc dù nhận được sự hậu thuẫn từ các nghị sĩ, song thỏa thuận Brexit sửa đổi của Thủ tướng Anh Theresa May lại không được các lãnh đạo EU đồng tình. Ảnh: Briefings For Brexit. |
Đồng thời, điều khoản này cũng đảm bảo sẽ không áp đặt thuế quan, hạn ngạch và quy định về nguồn gốc hay tiến trình hải quan đối với mối quan hệ thương mại Anh-EU trong giai đoạn này. Tuy nhiên, điều khoản nêu trên lại không nói rõ Anh có thể ký thỏa thuận tự do thương mại với các quốc gia khác trong lúc thực hiện giải pháp trên hay không.
Chính yếu tố này đã vấp phải phản đối gay gắt của giới nghị sỹ Anh, đặc biệt những người ủng hộ Brexit do lo ngại nó sẽ khiến Anh bị bó buộc đối với các quy định của EU vô thời hạn và bị hạn chế trong việc thiết lập giao dịch thương mại với các quốc gia khác trên thế giới. Bên cạnh đó, các nghị sỹ cũng bỏ phiếu bác bỏ khả năng Anh rời EU mà không có thỏa thuận.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh, Quốc hội Anh đã gửi một thông điệp rõ ràng tới EU về việc người Anh muốn thay đổi gì để thỏa thuận được thông qua. “Cuộc bỏ phiếu đã nêu bật những thay đổi cần thiết để thông qua thỏa thuận rút khỏi Liên minh châu Âu, Quốc hội cũng đã tái khẳng định quan điểm rằng không muốn rời EU mà không có một thỏa thuận. Tôi cũng nhất trí với điều này, chúng ta không nên rời EU mà không có thỏa thuận. Tuy nhiên, chỉ bày tỏ phản đối là không đủ để ngăn chặn điều này xảy ra. Chính phủ cần phải thúc đẩy nỗ lực để nhận được một thỏa thuận mà quốc hội ủng hộ", Thủ tướng Anh nói.
Sự từ chối thẳng thừng
Khi bắt đầu nhận được sự hậu thuẫn chắc chắn từ các nghị sĩ trong nước, Thủ tướng Anh lại vấp phải sự từ chối không khoan nhượng của chính giới lãnh đạo EU. Ngay sau khi Hạ viện Anh bỏ phiếu ủng hộ việc thay thế thỏa thuận biên giới của Ireland bằng những "dàn xếp thay thế khác" nhưng chưa được xác định, người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk lập tức tuyên bố thỏa thuận "ly hôn" giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh là không thể đàm phán lại.
Người phát ngôn tuyên bố EU tiếp tục kêu gọi Chính phủ Anh làm rõ các dự định của mình liên quan đến những bước tiếp theo ngay khi có thể đồng thời tái khẳng định Thỏa thuận rút lui vẫn là cách tốt nhất và duy nhất để đảm bảo việc Vương quốc Anh ra khỏi EU một cách có trật tự.
Người phát ngôn của Chủ tịch EC khẳng định rằng, giải pháp “rào chắn” vốn nhằm giúp đảm bảo một biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland, để ràng buộc London với những quy định về thuế quan của khối cho đến khi hai bên nhất trí được về các mối quan hệ thương mại trong tương lai, là một phần của Thỏa thuận rút lui, và sẽ không mở lại đàm phán về mục này.
Quan chức này nêu rõ lập trường từ trước đến nay của EU là có thể tìm ra cách điều chỉnh Tuyên bố chính trị được ban hành song song với thỏa thuận “ly hôn”. Người phát ngôn cũng cho biết thêm là nếu Anh đưa ra “yêu cầu có lý do” để gia hạn thời hạn Brexit sau ngày 29-3, và nếu các quốc gia thành viên nhất trí, thì điều này có thể được dàn xếp.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng khẳng định: “Chúng tôi đã có cơ hội thảo luận việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu và rất đáng tiếc Quốc hội Anh đã bác bỏ Thỏa thuận này cách đây 2 tuần. Thỏa thuận việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu là thỏa thuận tốt nhất có thể và không thể tái đàm phán. Sau cuộc bỏ phiếu hôm qua tôi hi vọng chính phủ Anh sẽ đưa ra các bước đi tiếp theo để tránh viễn cảnh Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận-điều mà không ai mong muốn”.
Dự kiến Thủ tướng Anh sẽ quay trở lại Brussels và nỗ lực đàm phán với EU, với nhiều khả năng sẽ bị từ chối. Hiện chưa rõ các thỏa hiệp mà Thủ tướng Anh sẽ tìm kiếm từ EU nhưng có thể bao gồm đảm bảo một thời gian giới hạn cho điều khoản “chốt chặn”.
Quốc hội Anh sẽ có cuộc bỏ phiếu về một Kế hoạch C vào giữa tháng 2 này. Tuy nhiên, chính giới EU cũng không mấy hy vọng Thủ tướng Anh có thể đưa ra một thỏa thuận khác biệt đáng kể trong một cuộc bỏ phiếu sắp tới. Nếu Quốc hội Anh không thể tìm cách thúc đẩy Thỏa thuận với Liên minh châu Âu, Anh sẽ rời EU mà không có thỏa thuận, một viễn cảnh nhiều khả năng sẽ làm chao đảo nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này.