“Kế hoạch B” về Brexit của Thủ tướng Anh có gì mới?

Thứ Ba, 22/01/2019, 07:12
Truyền thông Anh chiều 20-1 (giờ địa phương) đồng loạt đưa tin, sau khi thỏa thuận đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi Brexit, bị Hạ viện Anh “khước từ”, Thủ tướng Theresa May hiện đang chuẩn bị đưa ra “Kế hoạch B” thay thế, dự kiến được công bố trong ngày 21-1 (giờ địa phương). 


Theo đó, bà đang cân nhắc sửa đổi thỏa thuận Thứ Sáu tốt lành (Good Friday) ký năm 1998 vốn giúp chấm dứt cuộc xung đột về vấn đề qui chế lãnh thổ của Bắc Ireland từ năm 1968 tới 1998 tại vùng lãnh thổ này, khiến khoảng 3.500 người thiệt mạng.

Theo tờ Daily Telegraph, kế hoạch triển khai sẽ là Chính phủ Anh và Cộng hòa Ireland có thể thống nhất về một loạt nguyên tắc riêng rẽ hoặc bổ sung thêm nội dung cho thỏa thuận để tìm ra cách đảm bảo một biên giới mở thời hậu Brexit.

Trong khi đó, các báo Sunday Times và Sky News đều đưa ra những nhận định rằng Chính phủ Anh muốn dùng kế hoạch này để có thể loại bỏ điều khoản “rào chắn” gây tranh cãi và giúp thỏa thuận Brexit đạt được hồi tháng 11-2018 với EU nhận được sự ủng hộ từ các đảng phái trong nước.

Thủ tướng Theresa May trong một phiên họp tại Quốc hội. Ảnh: Indian Express

Tuy nhiên, Daily Telegraph cũng dẫn các nguồn tin cấp cao châu Âu cho rằng, kế hoạch này không có triển vọng thành công trong khi các nguồn tin Chính phủ Anh thì tỏ ra “bi quan” bởi khả năng cao sẽ gây ra tranh cãi và cần sự đồng thuận từ tất cả các đảng phái đại diện tại cơ quan lập pháp vùng Bắc Ireland. Các quan chức châu Âu cũng có cùng nhận định.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng tỏ ra khá bi quan về kế hoạch này. Ông Heiko Maas cho biết, ông chưa nắm rõ được kế hoạch này sẽ được triển khai ra sao và nội dung thỏa thuận giữa Anh và Cộng hòa Ireland sẽ thế nào nhưng có một điều chắc chắn rằng kế hoạch sẽ không thể ảnh hưởng tới thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đã thông qua.

Khả năng đàm phán lại thỏa thuận Brexit là rất thấp bởi cần có sự ủng hộ của 27 nước thành viên mà theo Ngoại trưởng Đức rất nhiều trong số đó không sẵn sàng. Tuy nhiên, EU cũng sẽ đợi xem Chính phủ Anh có thể đưa ra những đề nghị gì bởi vẫn có một số quốc gia thành viên EU tỏ ra cởi mở hơn về vấn đề này.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, một người ủng hộ EU, cho rằng kể cả khi EU bỏ qua quan điểm của Cộng hòa Ireland và chấp thuận đàm phán lại để loại bỏ điều khoản “rào chắn” thì cũng không giúp cứu vãn thỏa thuận Brexit.

Ngay trước thềm Thủ tướng Theresa May công bố “Kế hoạch B”, một cuộc chiến đã nổ ra giữa thành viên nội các Anh và các nghị sĩ Quốc hội. Ai cũng nhận phần đúng về mình và đổ lỗi sai cho bên kia. Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox – một trong những người ủng hộ Brexit - đã cáo buộc các nghị sĩ cố tình “đánh cắp Brexit”: “Người dân Anh ủng hộ Brexit trong khi Quốc hội lại chủ trương ở lại EU. Quốc hội không có quyền can thiệp tiến trình Brexit.

Quốc hội đã nói với người dân rằng, chúng tôi sẽ làm hợp đồng cho người dân. Người dân sẽ đưa ra quyết định và chúng tôi sẽ tôn trọng nó. Tuy nhiên, điều mà chúng ta nhận được hiện nay là có một số người hoàn toàn phản đối kết quả trưng cầu ý dân, cố tình can thiệp tiến trình Brexit, đánh cắp kết quả trưng cầu ý dân của người dân”.

Bộ trưởng Liam Fox đồng thời cảnh báo, nếu kết quả trưng cầu Brexit không được tôn trọng, hệ lụy chính trị sẽ vô cùng to lớn. Theo ông, cách để phá vỡ bế tắc hiện nay là Chính phủ phải giành thêm sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ bằng cách tìm kiếm một “cơ chế thực sự  khác biệt” đối với đề xuất “rào chắn”, nhằm giúp đảm bảo một biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland trong thỏa thuận Brexit để ràng buộc Anh với những quy định của khối song lại bị các nghị sĩ Anh phản đối kịch liệt.

Tuyên bố này đã ngay lập tức vấp phải phản ứng từ không ít nghị sĩ Anh. Không ít nghị sĩ còn đưa ra những phương án nhằm giải quyết những bế tắc đối với thỏa thuận Brexit hiện nay. Ông Keir Starmer -  người phát ngôn về Brexit của Công đảng nói rằng, Chính phủ Anh nên bác bỏ khả năng Anh ra đi mà không có thỏa thuận, đồng thời đề xuất, mở rộng thời hạn điều 50 hiệp ước Lisbon hoặc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác: “Chúng ta cần thực tế hơn với các lựa chọn. Tôi không muốn thấy nước Anh rời đi mà không có thỏa thuận. Điều đó có nghĩa là hãy mở rộng điều khoản 50”.

Cùng chung quan điểm với ông Keir Starmer, một nhóm nghị sĩ gồm: Nghị sĩ Công đảng Yvette Cooper, Cựu Bộ trưởng Giáo dục Anh và là thành viên đảng Bảo thủ Nicky Morgan và nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do Norman Lamb đã đề xuất Anh kéo dài thời gian đàm phán với Anh sau ngày 29-3 tới trong trường hợp các nghị sĩ không phê chuẩn được một thỏa thuận Brexit vào ngày 26-2 tới.

Về phần mình, cựu Bộ trưởng Giáo dục đảng Bảo thủ Nicky Morgan đã nói rằng nước Anh cần thay đổi luật nếu muốn ngăn chặn kịch bản Anh rời EU mà không có thỏa thuận. Trong khi nghị sĩ đảng Bảo thủ Dominic Grieve, vốn chủ trương ở lại EU thì nói rằng, bản thân ông không hề muốn ngăn chặn Brexit mà chỉ muốn Chính phủ phải lắng nghe quan điểm của phần đông nghị sĩ trong Quốc hội.

Ông Dominic Grieve đề xuất phương án để các nghị sĩ được quyền tranh luận và bỏ phiếu đối với các vấn đề Brexit tuần một lần, phá vỡ thông lệ chỉ có Chính phủ mới được quyền kiểm soát khung thời gian Brexit. Theo ông Grieve, tranh luận sẽ giúp Chính phủ hiểu rõ và đáp ứng điều mà Quốc hội mong muốn ở thỏa thuận Breixt.

Theo kế hoạch, sau khi Thủ tướng Theresa May công bố “kế hoạch B”, các nghị sĩ có thể đưa ra những lựa chọn để xem hướng tiếp cận nào sẽ nhận được sự ủng hộ của số đông và đưa ra bỏ phiếu vào ngày 29-1 tới.

Trong khi chờ Quốc hội tranh luận và phê chuẩn “kế hoạch B” cho Brexit, một bầu không khí chính trị ngột ngạt vẫn tiếp tục bao trùm nước Anh trong những ngày này, báo hiệu một cơn bão lớn tiếp tục xảy ra. Thủ tướng Anh sẽ lại tiếp tục hành trình vượt “những dốc đá thẳng đứng” mà không biết khi nào mới vượt qua được.

Hà Linh (tổng hợp)
.
.
.