Nhà văn Australia tự nhận từng là gián điệp Trung Quốc
- Ngoại trưởng Mỹ tố lãnh sự quán Trung Quốc ở New York là "ổ gián điệp"
- Vụ cáo buộc cảnh sát New York làm gián điệp: Trung Quốc nói gì?
- Bắt giữ "gián điệp Mỹ" gần tổ hợp lọc dầu lớn nhất Venezuela
Theo đó, Feng Chongyi, một học giả ở Sydney, Australia ngày 21/10 đã công bố bức thư được cho là của Yang Hengjun - nhà văn Australia bị giam ở Bắc Kinh với tội danh gián điệp, gửi cho học giả này hồi tháng 5/2011.
Trong bức thư gửi thầy giáo cũ Feng, Yang Hengjun tiết lộ rằng mình từng làm việc cho Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) trong một thập kỷ kể từ năm 1989. Cụ thể, ông làm việc cho MSS ở Hongkong từ năm 1992 cho đến khi Anh quốc trao trả Hongkong cho Trung Quốc vào năm 1997, rồi chuyển tới Washington, Mỹ.
Nhà văn người Australia gốc Trung Quốc Yang Hengjun. Ảnh: Twitter. |
Vỏ bọc của ông Yang Hengjun ở Hongkong là một nhân viên công ty du lịch, trong khi ở Washington, ông làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu. Học giả Feng thêm rằng, sau khi đến Australia vào năm 1999, Yang Hengjun đã rời MSS và trở thành công dân nước này vào năm 2002.
Hiện tại, Yang Hengjun (55 tuổi), đang đối mặt mức án tối thiểu 10 năm tù sau khi chính quyền Trung Quốc cáo buộc ông đe dọa an ninh quốc gia bằng cách tham gia hoặc nhận nhiệm vụ từ một tổ chức gián điệp chưa được tiết lộ.
Trước đó, nhà văn Australia này được cho là đã yêu cầu công an Quảng Châu, từng thẩm vấn ông hồi năm 2011, liên hệ với MSS để xác nhận thân phận của ông dù đã rời cơ quan này nhiều năm trước. Công an Quảng Châu hiện chưa xác nhận về việc giam và thẩm vấn Yang năm 2011.
Yang Hengjun bị bắt hồi tháng 1/2019 tại sân bay khi cùng vợ con từ Mỹ về Quảng Châu. Sau vài tháng giam giữ Yang, Trung Quốc hôm 23/8/2019 phát lệnh bắt ông này với cáo buộc hoạt động gián điệp.
Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết chính phủ nước này không tìm thấy bằng chứng nào cho cáo buộc gián điệp nhằm vào nhà văn Yang.
Sự việc của Yang Hengjun được cho là tiếp tục làm trầm trọng thêm mối quan hệ Canberra - Bắc Kinh vốn căng thẳng vì nhiều vấn đề như thương mại hay cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực, đặc biệt là sau khi Canberra kêu gọi mở điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19.