Nga “đánh tiếng” muốn cùng Mỹ giải quyết vấn đề Ukraine

Thứ Ba, 30/05/2017, 14:41
Nga đã đáp lại lời đề nghị của Mỹ, khẳng định sẵn sàng đàm phán với Washington để giải quyết dứt điểm cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Sputnik đưa tin Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định Nga đã sẵn sàng đàm phán với Mỹ để giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine cũng như thúc đẩy đối thoại cùng Washington và Kiev.

Đây là lời đáp lại đề nghị của phía Mỹ. Hôm 29-5, tờ Washington Post đã đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay muốn tái khởi động tiến trình hòa đàm Ukraine, gọi đây là nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ với Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: RT

"Chúng tôi không phản đối bất cứ cuộc đối thoại tích cực nào với chính quyền Mỹ trong giải quyết vấn đề ở miền Đông Nam Ukraine. Nga cũng từng khẳng định điều này khi Nhà Trắng bổ nhiệm Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland thành quan chức ngoại giao chịu trách nhiệm chính tại châu Âu”, ông Ryabkov nói.

Tuy nhiên, ông Ryabkov cũng cho rằng cuộc đối thoại giữa Nga và Mỹ không thể thay thế cho các cuộc đối thoại Mỹ- Ukraine và Bộ tứ Normandy bao gồm Nga, Ukraina, Pháp và Đức.

Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh, việc Mỹ tham gia giải quyết xung đột chỉ có thể hữu ích khi Washington cố gắng hiểu tình hình và lắng nghe các lập luận từ Nga chứ không chỉ bênh chằm chặm Kiev.

Nga một lần nữa khẳng định Moscow không phải là một bên xung đột tại Ukraine và tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng với tư cách là một bên trung gian. Vì vậy, việc thực thi thỏa thuận Minsk cũng phụ thuộc vào thái độ của chính quyền Kiev, do đó Washington cần tiến hành đối thoại với Kiev nếu thực sự muốn thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng đã kéo dài 3 năm qua tại Ukraine.

Bộ tứ Normandy trong một cuộc họp năm 2016. Ảnh: Reuters

“Mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này liên quan đến việc thực thi thỏa thuận Minsk là "vô lý và phi logic"”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga khẳng định.

Thỏa thuận Minsk, ký kết tháng 2-2015, là thỏa thuận ngừng bắn tại Donetsk và Luhansk. Thỏa thuận này cũng yêu cầu Kiev phải nghiên cứu một cơ chế đặc biệt cho 2 khu vực ly khai này. Mặc dù thỏa thuận được Bộ tứ Normandy khởi xướng, việc ngừng bắn thường xuyên bị vi phạm, hai bên thường xuyên cáo buộc lẫn nhau vi phạm các điều khoản của hiệp định.

Quan hệ Mỹ-Nga đã xấu đi trong năm 2014 sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine trở lên trầm trọng hơn và việc Crimea trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga. Mỹ đã đưa ra hàng loạt biện phám trừng phạt Nga và cáo buộc Nga can thiệp hoạt động nội bộ của Ukraine. Nga bác bỏ mọi cáo buộc này.

Trong diễn biến liên quan, ngày 30-5, các Thứ trưởng Ngoại giao Nhóm "Bộ tứ" Normandy  sẽ nhóm nhọp tại thủ đô Berlin của Đức để thảo luận thúc đẩy thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Đây sẽ là cuộc tiếp xúc đầu tiên sau khi Pháp có tân Tổng thống. 

Phùng Nguyễn
.
.
.