Nga - Đức cùng tháo gỡ "nút thắt" Ukraine

Thứ Năm, 04/05/2017, 07:56
Chuyến thăm chính thức Nga của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong những ngày đầu tháng 5 này đã tạo ra một bước tiến mới cho mối quan hệ ngoại giao vốn đang bị đóng băng giữa Berlin-Moscow. 


Theo tin từ hãng Sputnik, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp Thủ tướng Đức Angela Mekel tại khu nghỉ mát Sochi bên bờ biển Đen nhân dịp bà thăm chính thức Nga. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Đức trở lại thăm Nga kể từ tháng 5-2015, khi bà tới Moscow dự Đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít theo lời mời của người đứng đầu Điện Kremlin.

Các nhà phân tích nhận định rằng, đây là cơ hội tốt để Berlin và Moscow cải thiện quan hệ, tái khởi động lại những dự án hợp tác vốn bị đình trệ trong suốt hơn 2 năm qua, nhất là khi mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga rơi xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

Thêm nữa, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đang kỳ vọng bằng chuyến thăm này, bà sẽ tạo một không khí mới cho Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức vào tháng 7 tới với sự có mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin và lịch trình dự kiến cuộc gặp mặt đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ.

Bằng chuyến công du Nga, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phần nào hóa giải được những mâu thuẫn giữa Đức-Nga để tiến tới giải quyết những vấn đề lớn hơn ở mức độ song phương và đa phương. Ảnh: FT.

Có lẽ vì "bắt" được tín hiệu thiện chí từ chính quyền Berlin nên Moscow cũng khá bài bản trong việc tổ chức cuộc gặp mặt. Đầu tiên là việc Tổng thống Vladimir Putin mời bà Merkel đến khu nghỉ Sochi. Tiếp đó là sự cởi mở trong việc tiết lộ nội dung cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo mà cụ thể là vấn đề Ukraine cũng như các cáo buộc nhằm vào Nga về việc tấn công mạng bầu cử ở Mỹ và châu Âu...

Kết quả là, trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, cả Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Angela Merkel đều hài lòng khi những mong muốn của mình dần được thỏa mãn. Thậm chí, Thủ tướng Đức còn khẳng định rằng: "Nga thực sự là đối tác quan trọng của Đức" và bà không phải là tuýp người hay "lo sợ", nhất là trước những tin đồn thất thiệt về an ninh mạng trong quá trình bầu cử.

Tuy vậy, bà Angela Merkel cũng khẳng định: "Chúng tôi biết tội phạm mạng là một thách thức toàn cầu nhưng chúng tôi hy vọng rằng cuộc bầu cử Đức sẽ diễn ra suôn sẻ". Về những vấn đề như báo chí từng đề cập xung quanh nguy cơ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới tại Đức như cách mà Moscow được cho là đã từng làm trong cuộc bầu cử ở Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ hoàn toàn và nhấn mạnh, Moscow cũng không muốn các thế lực nước ngoài can thiệp vào nền chính trị Nga.

Ông Putin nói: "Chưa từng ai hay có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Đó chỉ đơn giản là những tin đồn được sử dụng trong cuộc đấu chính trị tại Mỹ. Chúng tôi chưa bao giờ can thiệp vào đời sống chính trị và các tiến trình chính trị tại các quốc gia khác.

Chúng tôi cũng không muốn ai can thiệp vào đời sống chính trị của Nga. Nhưng đáng tiếc là chúng tôi đã chứng kiến điều này trong quá khứ. Chúng tôi đã nhận thấy những âm mưu gây ảnh hưởng lên các tiến trình chính trị nội bộ nước Nga và những âm mưu này được thực hiện trực tiếp, hoặc được ngụy trang dưới vỏ bọc của cái gọi là những tổ chức phi chính phủ".

Riêng trong vấn đề gai góc Ukraine vốn là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng Nga-EU (cụ thể là Nga-Đức), nhà lãnh đạo hai nước cũng tránh đẩy đối thoại thành đối đầu. Người phát ngôn của chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết, Thủ tướng Angela Merkel đã thảo luận với Tổng thống Putin và dù chưa có đột phá nào để khắc phục những mâu thuẫn sâu sắc giữa hai bên, song việc ngồi vào bàn đàm phán đã là một bước tiến.

Đáp lại, người đứng đầu Điện Kremlin cũng kêu gọi thúc đẩy hơn nữa những hoạt động trong khuôn khổ "Bộ tứ Normandy", trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng của Nga và Đức. Ông Putin nói: "Chúng tôi sẽ phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết tình hình, kể cả khi phải bắt đầu lại từ con số không".

Có một điểm chung mà cả Moscow và Berlin đều bảo vệ chính là việc các bên tôn trọng lệnh ngừng bắn Minsk, bởi chỉ có như vậy thì mới có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ngoài ra, vấn đề bán đảo Triều Tiên cũng đã được nhắc đến trước khi hai nhà lãnh đạo trao đổi cụ thể hơn về triển vọng quan hệ song phương, nhất là những hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, kinh tế-thương mại và văn hóa-xã hội.

Được biết, kể từ sau khi xảy ra cuộc nội chiến ở Ukraine, Đức là một trong số ít các quốc gia giữ vững lập trường ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt của EU chống lại Nga, nhất là sau khi Moscow sáp nhập Crimea trở lại nước này hồi năm 2014. Nhưng bằng chuyến công du này, Thủ tướng Đức đã phần nào hóa giải được những mâu thuẫn, tạo bầu không khí hòa hảo giữa hai nước để tiến tới giải quyết những vấn đề lớn hơn ở mức độ song phương và đa phương.

Gia Nam
.
.
.