Nguy cơ khủng hoảng từ vòng xoáy bất ổn kinh tế - xã hội ở Iran

Thứ Năm, 04/01/2018, 08:17
Làn sóng bạo lực kéo dài gần một tuần qua ở Thủ đô Tehran và một số thành phố lớn của Iran đã khiến hơn 20 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Từ những bất ổn về kinh tế-xã hội, quốc gia Trung Đông này đang có nguy cơ rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng chính trị khi các cuộc biểu tình phản đối biến thành bạo động dưới bàn tay "nhào nặn" của các thế lực thù địch.


Truyền hình nhà nước Iran ngày 3-12 cho biết, đã có hơn 500 người biểu tình bị cảnh sát bắt giữ. Những người này phần lớn đều là các phần tử quá khích, kích động người dân có hoạt động biểu tình bạo lực chống đối chính phủ.

Các con số thống kê mới nhất cho hay, trong gần 1 tuần diễn ra biểu tình, hơn 20 người Iran đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Các cuộc biểu tình bạo lực diễn ra không chỉ ở Thủ đô Tehran mà còn tái diễn ở 40 tỉnh, thành khác của Iran. Ban đầu, những người tuần hành phản đối tình trạng lạm phát và thất nghiệp cao. Sau đó, những nhóm quá khích đã kích động người biểu tình, biến biểu tình hòa bình thành bạo loạn.

Lực lượng cảnh sát, an ninh Iran và lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã được triển khai để kiểm soát tình hình. Các đơn vị đặc nhiệm chống bạo loạn của Iran và IRGC cũng đã được điều động tới một số điểm nóng ở Thủ đô Tehran như các quảng trường Azadi, Enghelabm Ferdowsi và thành phố Mashhad.

Chính phủ Iran tuyên bố sẽ mạnh tay đối với những kẻ xúi giục biểu tình bạo động chống chính phủ. Đồng thời, Tổng thống Iran Hassan Rowhani đã kêu gọi người dân kiềm chế, không nên bị "kích động". Còn Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thì khẳng định: "An ninh và ổn định của Iran đang phụ thuộc vào chính người dân".

Giới trẻ Iran bị xúi giục tham gia biểu tình bạo lực ngay tại trường đại học ở Thủ đô Tehran.  Ảnh: Getty

Viết trên tài khoản Twitter chính thức của mình, ông Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh rằng, người dân Iran cần phải bảo vệ các "quyền khó kiếm được của mình" và không bao giờ cho phép những kẻ từ bên ngoài làm hỏng những quyền đó thông qua bạo lực. Trong khi đó, thủ lĩnh tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cáo buộc kẻ thù của Iran đang dùng tiền, vũ khí và thủ đoạn chính trị để khuấy động những cuộc biểu tình phản đối chính trị để từ đó dễ bề thực hiện các "cuộc cách mạng sắc màu" như từng thành công ở Ukraine, Gruzia, Libya, Iraq...

Phát biểu trên truyền hình quốc gia Iran, thủ lĩnh tối cao Ayatollah Ali Khamenei kêu gọi người dân phải tỉnh táo trước "những đòn tấn công tinh thần của kẻ thù" và rằng "kẻ thù của nhân dân Iran luôn tìm cách gây bất ổn". Thủ lĩnh tối cao Ayatollah Ali Khamenei không nêu rõ quốc gia nào mà nói rằng sẽ giải thích kỹ hơn trong tương lai gần. Nhưng Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Iran Ali Shamkhani thì cáo buộc Mỹ, Anh và Arab Saudi là 3 quốc gia đứng đằng sau các vụ bạo loạn trên. Syria cũng lên tiếng ủng hộ Iran và cho rằng chính Mỹ và Israel đã thúc đẩy các vụ bạo loạn ở Iran.

Bộ Ngoại giao Syria còn khẳng định, thế giới cần phải tôn trọng chủ quyền của Iran và không một quốc gia nào được can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Trên thực tế, các cuộc biểu tình kêu gọi chính phủ cải thiện tình hình kinh tế đất nước và cuộc sống của người dân bắt nguồn từ ngày 28-12-2017 tại thành phố lớn thứ 2 của Iran là Mashhad. Hai ngày sau đó, giới chức Iran đã ra cảnh báo về khả năng  bạo lực xảy ra do có những nhóm kích động người dân và lực lượng an ninh đã ngăn chặn được một nhóm chống đối khi chúng đang cố gắng chiếm đồn cảnh sát ở thị trấn Qahdarijan để lấy cắp súng đạn. Đến ngày 2-1, trong khi Iran tuyên bố đã kiểm soát được tình hình thì tại Liên hợp quốc (LHQ), Đại sứ Mỹ Nikki Haley đã phản bác quan điểm cho rằng các cuộc biểu tình tại Iran là do "bên ngoài đạo diễn", đồng thời đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ tiến hành phiên họp khẩn cấp để bàn về tình hình Iran.

Bày tỏ quan điểm trái ngược, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh nước này hy vọng các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Iran sẽ không tiếp diễn theo chiều hướng bạo lực cực đoan và phản đối "bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào tình hình hiện nay". Liên minh châu Âu (EU) thì hối thúc Iran đảm bảo quyền biểu tình hòa bình và tự do ngôn luận cho người dân.

Đồng quan điểm với EU, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng bày tỏ sự lấy làm tiếc về tình trạng gia tăng số người thiệt mạng trong các vụ biểu tình chống chính phủ ở Iran và cho rằng người dân cần phải bày tỏ chính kiến của mình một cách hợp pháp, không bạo lực. 

Giới quan sát nhận định, đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở Iran kể từ năm 2009 đến nay. Điểm đáng lo ngại nhất là lần này, các cuộc biểu tình lại diễn ra tại những nơi mà trước đó tỷ lệ ủng hộ chính phủ luôn ở mức cao. Hãng Reuters cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến biểu tình lần này là lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Iran đã khiến cho kinh tế nước này kiệt quệ, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát ngày càng gia tăng. Người dân Iran cũng mất dần lòng tin vì ban đầu họ tưởng rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran và nhóm P5+1 sẽ khiến kinh tế khởi sắc nhưng ngược lại, sau hai năm, tất cả vẫn theo chiều hướng cũ.

Một cuộc điều tra gần đây của BBC cho thấy, tính trung bình, người dân Iran đã nghèo đi 15% trong thập niên qua. Do đó, để giải quyết tận gốc vấn đề hiện nay, Tổng thống Hassan Rowhani  không chỉ phải thực thi đầy đủ các cam kết về giải quyết vấn đề kinh tế mà còn phải có một chiến lược lâu dài và khôn khéo về ngoại giao để Tehran không bị cô lập trong khu vực hay một lần nữa rơi vào vòng luẩn quẩn của lệnh trừng phạt.

Gia Nam
.
.
.