Iran thông qua dự luật công nhận Jerusalem là thủ đô của Palestine

Thứ Ba, 26/12/2017, 07:36
Quốc hội Iran vừa thông qua một dự luật khẩn cấp, trong đó công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của Nhà nước Palestine. Quyết định này sẽ được bổ sung vào Điều 1 của một đạo luật quy định sự hỗ trợ của Iran đối với Nhà nước Palestine và sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của cơ quan lập pháp này trong vòng 48 giờ.

Dự luật trên được thông qua trong phiên họp công khai hôm 24-12 (giờ địa phương), với 187 phiếu thuận, 15 phiếu chống và 9 phiếu trắng, trong tổng số 233 nghị sỹ có mặt. Dự luật được cơ quan lập pháp Iran mang ra thảo luận trong hai ngày 25 và 26-12. 

Ngay trước phiên họp của Quốc hội Iran, tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) diễn ra ở Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh đạo hơn 50 quốc gia thành viên đã ra Tuyên bố chung kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine. 

Một góc thành phố Jerusalem.

Tuyên bố của OIC nêu rõ: “Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine và yêu cầu tất cả các nước công nhận Nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem”. Các nhà lãnh đạo Hồi giáo xem quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là “không có hiệu lực pháp lý”, không có lợi cho các nỗ lực hòa bình tại Trung Đông.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Palestine đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Israel xây 300.000 nhà định cư mới ở Đông Jerusalem. Đây là một phần của dự luật mang tên “Jerusalem to lớn hơn” của Israel nhằm sáp nhập các khu định cư xây dựng trên phần đất mà người Palestine dự định làm thủ đô trong tương lai. Phần lớn các tòa nhà mới sẽ được xây dựng trên khu vực nằm ngoài giới tuyến Xanh xác định các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967. 

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Palestine nhấn mạnh, kế hoạch xây dựng này là một phần trong chính sách mở rộng, bành trướng của Chính phủ Israel và nó được “khuyến khích” bởi tuyên bố của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Tổng thống Donald Trump phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho bất cứ biện pháp mới nào mà Israel áp dụng đối với Palestine. 

Đảng Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố sẽ cân nhắc “việc xem xét lại toàn diện tiến trình hòa bình Palestine – Israel” trong cuộc họp sắp tới. Bên cạnh đó, Palestine cũng sẽ tiến hành thêm các nỗ lực ngoại giao tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), Hội đồng Bảo an LHQ, thậm chí là tại Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) nhằm đáp trả quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng. Trong khi đó, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cảnh báo các hậu quả nếu Israel hiện thực hóa dự luật “Jerusalem to lớn hơn”.

Cũng trong tuyên bố của mình, OIC xem động thái của Tổng thống Donald Trump như “lời thông báo về sự rút lui của Mỹ khỏi vai trò là một nhà bảo trợ của tiến trình hòa bình” ở Trung Đông. Một số nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, Washington không còn là nhà trung gian hòa giải thực sự nữa trong cuộc xung đột Palestine - Israel khi họ đã nghiêng hẳn về một bên. 

“Người trong cuộc” Palestine cũng có chung nhận định khi cho rằng, Mỹ đã tự từ bỏ vai trò hòa giải của mình trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Vì thế, Tehran đang chuyển hướng tìm kiếm các nhà trung gian hòa giải tại châu Âu, hoặc Nga và Trung Quốc. Được biết, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã cử các phái đoàn tới Trung Quốc và Nga để đề nghị hai nước này tham gia tích cực hơn trong tiến trình hòa bình với Israel. 

Trong những nhân tố mới nêu trên, với việc tăng cường sự hiện diện tại Trung Đông và những gì đã làm được ở khu vực này, Nga sẽ phù hợp hơn trong vai trò một người trung gian hòa giải vô tư.

Về phía Nga, cho rằng vấn đề Jerusalem là “vô cùng nhạy cảm trong cuộc xung đột Palestine - Israel”, Phó Đại sứ nước này tại LHQ Vladimir Safronkov kêu gọi các bên kiềm chế các hành động khiêu khích, nhấn mạnh rằng, bất cứ hành động đơn phương nào trong thời điểm hiện tại đều có thể làm trầm trọng thêm xung đột giữa người Israel và người Palestine, làm cho quá trình hòa bình giữa 2 quốc gia vốn đã phức tạp lại càng trở nên khó khăn hơn. 

Ông Vladimir Safronkov tuyên bố Moscow đã sẵn sàng trở thành trung gian hòa giải mới trong việc giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. 

Còn Trung Quốc thì vẫn tái khẳng định quan điểm ủng hộ giải pháp hai nhà nước trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nêu rõ: “Trung Quốc ủng hộ thành lập nhà nước Palestine độc lập với chủ quyền theo đường biên giới 1967 và với Đông Jerusalem là thủ đô”. 

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc, vấn đề Palestine là một vấn đề mang tính gốc rễ của khu vực Trung Đông, vì vậy nếu không giải quyết được vấn đề này thì sẽ không thể có hòa bình trong khu vực. Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi Tehran thiết lập một lực lượng thống nhất, kiên trì giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại, phát huy tối đa vai trò của LHQ và không ngừng tập hợp lực lượng để tăng cường tiếng nói kêu gọi hòa bình. 

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế có phản ứng và có hành động trong thúc đẩy giải quyết vấn đề hòa bình Trung Đông.

Khổng Hà
.
.
.