Tranh cãi về việc EU miễn thị thực ngắn hạn cho công dân Anh
Ủy ban Tự do Dân sự của EU hôm 3-4 đã bỏ phiếu về dự luật nêu trên và giành được 38 phiếu ủng hộ, trong khi số phiếu chống và trắng chỉ lần lượt ở mức 8 và 3 phiếu. Theo các nhà lập pháp EU, dự luật này sẽ giúp cho các công dân Anh có thể tự do đi lại (không có quyền làm việc tại EU) giữa các nước của khối Schengen trong vòng 90 ngày mà không cần thị thực.
Tuy nhiên, dự luật này sẽ chỉ được thực hiện khi và chỉ khi phía Anh có chính sách áp dụng tương tự đối với công dân EU. Một nguồn tin thân cận với Euronews tiết lộ, London đã đồng ý về điều kiện trên.
Việc EU thông qua dự luật miễn thị thực ngắn hạn cho công dân Anh đã làm nổ ra tranh cãi về Gibraltar, một vùng lãnh thổ hải ngoại của London được Tây Ban Nha chuyển giao vĩnh viễn năm 1713. Ảnh: Getty. |
Trong một diễn biến có liên quan, chính dự thảo miễn thị thực ngắn hạn này lại là nguồn cơn của một loạt tranh luận căng thẳng ở Brussels, sau khi các quốc gia thành viên - với sự thúc giục của Tây Ban Nha - đã phải đưa vào một chú thích về vùng Gibraltar như là một "thuộc địa của Anh."
Được biết, Gibraltar một vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh, nằm gần cuối đầu phía Nam của Bán đảo Iberia. Trước đây, Gibraltar thuộc Tây ban Nha, nhưng nó bị chiếm đóng vào năm 1704 trong suốt Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha (1701–1714). Vương quốc Castile đã chính thức giao lãnh thổ này vĩnh viễn vào năm 1713 cho Vương quốc Anh, theo Hiệp ước Utrecht.
Quyết định của Anh rời khỏi EU đã làm nổi lên tranh cãi về yêu sách đòi chủ quyền từ lâu của Tây Ban Nha đối với vùng lãnh thổ này, nhất là trong bối cảnh đang diễn ra chiến dịch tranh cử tại Tây Ban Nha.
Về Brexit, hôm 3-4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cam kết sẽ nỗ lực đến giây phút cuối nhằm tránh một Brexit không thỏa thuận.
Trước đó, hôm 2-4, Thủ tướng Anh Theresa May đã đề nghị EU tiếp tục trì hoãn Brexit lần thứ hai vào tuần tới, sau thời điểm 12-4, nhằm một lần nữa tìm cách thuyết phục Quốc hội Anh chấp nhận và thông qua thỏa thuận mà bà đã đạt được với EU hồi tháng 11 năm ngoái.