Lạ kỳ hình thức phạt người vi phạm lệnh phong toả ở Ấn Độ

Thứ Năm, 26/03/2020, 17:16
Ấn Độ chính thức bước vào lệnh giới nghiêm quy mô nhất thế giới ngày 25/3 khi hơn 1,3 tỷ dân được yêu cầu ở nhà nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. 

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh cảnh sát Ấn Độ dùng roi đánh những người không tuân thủ lệnh giới nghiêm trên những con phố của thủ đô New Delhi vốn trước đây đông đúc và nhộn nhịp.

Một số người vi phạm lệnh giới nghiêm bị phạt ngồi xổm trong vạch hình tròn, một biện pháp nhằm giáo dục người dân nên giữ khoảng cách nếu ra nơi công cộng.

Quy mô của lệnh đóng cửa của Ấn Độ được coi là còn lớn hơn của Trung Quốc, nơi ước tính khoảng 760 triệu người đã bị cấm ra khỏi nhà trong suốt tháng 1 khi dịch COVID-19 hoành hành tại tỉnh Hồ Bắc. Hiện các lệnh hạn chế di chuyển ở Trung Quốc đã được nới lỏng.

Lệnh giới nghiêm ở Ấn Độ kéo dài trong ba tuần, một động thái nhằm hạn chế sự lây lan của dịch. Ấn Độ là nước đông dân thứ hai và là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với các quan hệ kinh tế ở khắp nơi. Tuy nhiên, đất nước 1,3 tỷ dân này có vẻ như đang tránh được đòn giáng mạnh từ COVID-19. Theo thống kê mới đây, Ấn Độ có 492 ca nhiễm và 9 trường hợp tử vong.

Đường phố Ấn Độ vắng tanh sau khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực.
Người dân Ấn Độ xếp hàng nơi công cộng và giữ khoảng cách nhất định. 

Nhiều người lo ngại rằng lệnh giới nghiêm ở Ấn Độ có thể phản tác dụng khi người dân đang làm việc ở thành phố lại tràn về vùng quê để cách ly cùng gia đình.

Về năng lực xét nghiệm, Ấn Độ có khả năng tiến hành tối đa đến 70.000 xét nghiệm một tuần, trong khi Anh, một nước với dân số chỉ bằng 5% của Ấn Độ, cho biết hy vọng có thể tăng cường năng lực xét nghiệm lên 25.000 một ngày.

Nước sạch là vấn đề nhức nhối ở nhiều khu ổ chuột ven các siêu đô thị ở Ấn Độ. 

Mặc dù nguyên nhân số ca nhiễm ở Ấn Độ vẫn còn thấp, dịch COVID-19 tại nước này vẫn rất khó để kiểm soát.

Trong khi chính quyền mọi nơi đang khuyến khích người dân nên tự cách ly và rửa tay thường xuyên. Tuy nhiên, những biện pháp tưởng như đơn giản này lại khó triển khai ở Ấn Độ. Năm 2011, một báo cáo của chính phủ Ấn Độ cho thấy khoảng 29,4% dân cư đô thị nước này sống trong những khu ổ chuột. Nhiều người không có cả nhà tắm và nước sinh hoạt.

Hàng triệu người với lệnh tự cách ly cũng phải đối mặt với nguy cơ mất việc. Theo số liệu năm 2011-2012 (số liệu chính thức hiếm hoi gần đây nhất), thị trường việc làm ở Ấn Độ có khoảng 400 triệu người. 

Trong số đó, hơn một nửa là lao động “tự làm chủ”, 121 triệu người là công nhân bình thường, nghĩa là họ có những công việc không ổn định và trả lương theo ngày. Bộ Lao động và Việc làm Ấn Độ đã ra thông báo với các doanh nghiệp không cắt giảm việc làm và cắt lương.
Người dân Ấn Độ trước đó từng được khuyến khích đứng ở ban công hay cửa sổ vỗ tay cổ vũ các y, bác sĩ chiến đấu với dịch COVID-19. 
Ảnh tổng hợp theo Daily Mail. 
Duy Tiến
.
.
.