Ấn Độ ra sao trong 21 ngày phong tỏa toàn quốc?

Thứ Tư, 25/03/2020, 13:59
Các tuyến đường nhộn nhịp thường thấy trở nên yên tĩnh, tất cả các tài xế giao hàng đều đeo găng tay và khẩu trang, “sự vận động không ngừng nghỉ” của Ấn Độ giờ đã phải dừng lại.


Đó là những gì mà Ấn Độ trải qua hôm 25/3, ngày đầu tiên trong tổng số 21 ngày phong tỏa toàn quốc để làm chậm lại sự lây lan của dịch COVID-19.

Ấn Độ chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất

Dù là quốc gia đông dân thứ hai và có nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, nhưng Ấn Độ hiện tại có vẻ như đã “tạm né” được đại dịch COVID-19. Theo Worldometers, cho tới ngày 25/3, quốc gia 1,34 tỷ dân này chỉ ghi nhận tổng cộng 562 ca nhiễm và 11 ca tử vong vì COVID-19. 

Thủ tướng Narendra Modi cho biết không có dấu hiệu lây lan COVID-19 trong cộng đồng, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khen ngợi phản ứng nhanh chóng của Ấn Độ, như dừng các chuyến bay thương mại trong nước và quốc tế hay đình chỉ tất cả thị thực du lịch.

Người dân tại Mumbai đổ xô đi mua nhu yếu phẩm sau khi Thủ tướng Modi phát lệnh phong tỏa toàn quốc. (Ảnh: Getty)

Thế nhưng, do lo ngại về dịch bệnh có khả năng bùng phát, ngày 24/3, Thủ tướng Narendra Modi phải ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày bắt đầu từ nửa đêm 25/3. Lệnh này yêu cầu tất cả người dân Ấn Độ phải ở nhà và tất cả các dịch vụ không quan trọng như giao thông công cộng, trung tâm thương mại và chợ sẽ ngừng hoạt động.

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng quốc gia này vẫn chưa kiểm tra đủ người để biết tình hình chính xác của dịch, đồng thời đặt ra câu hỏi về việc liệu lệnh phong tỏa thực sự có hiệu quả hay không.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN tuần trước, Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO cho biết Ấn Độ đã thực hiện tất cả các bước cần thiết để chuẩn bị phòng ngừa dịch bệnh và đã truyền thông tốt với công chúng. "Chúng ta luôn phải chuẩn bị cho một kịch bản tồi tệ hơn. Thà chuẩn bị quá mức và quá thận trọng còn hơn là mất cảnh giác". ông Swaminathan nói.

Ấn Độ ứng phó với COVID-19 như thế nào?

Cho đến nay, Ấn Độ mới xác nhận tương đối ít trường hợp nhiễm COVID-19, nhưng nước này cũng mới chỉ xét nghiệm 15.000 người. Về phía Hàn Quốc, đã có hơn 300.000 người trong số 52 triệu dân đã được xét nghiệm.

Abraham, giáo sư y khoa tại Đại học Y Christian ở Vellore thuộc bang miền nam Tamil Nadu, nói rằng Ấn Độ nên xét nghiệm rộng rãi, giống như Hàn Quốc đã làm. "Cách duy nhất bạn có thể kiểm soát một dịch bệnh như thế này là xét nghiệm sớm và cách ly chúng", ông nói.

Tuy nhiên, Balram Bhargava, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ cho biết không cần phải "xét nghiệm bừa bãi". Trong một cuộc họp báo vào hôm 22/3, ông cho biết nước này có năng lực kiểm tra từ 60.000 đến 70.000 mỗi tuần.

Mặc dù số ca nhiễm tại Ấn Độ tương đối ít, song Thủ tướng Modi đã cảnh báo không nên tự mãn, và cho rằng giả định dịch bệnh này sẽ không ảnh hưởng đến Ấn Độ là không chính xác.

Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ cần tổ chức xét nghiệm rộng rãi để kịp thời phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh. (Ảnh: Getty)

Giống như các nước khác, nhiều trường hợp dương tính với COVID-19 tại Ấn Độ có liên quan đến du khách nước ngoài. Chẳng hạn, 6 ca nhiễm đầu tiên ở bang Rajasthan, phía tây bắc, đều tiếp xúc với ca nhiễm đầu tiên ở New Delhi, người đã đến Italia trước đó.

Ở nước ngoài, các cụm này thường lan rộng ra cộng đồng địa phương, dẫn đến sự bùng phát rộng hơn.

Theo ông Bellur Prabhakar, giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Illinois, có một vài lý do tại sao số trường hợp được xác nhận ở Ấn Độ không giống với xu hướng quốc tế. “Có thể là do chưa xét nghiệm đủ”, ông Prabhakar nhận định.

Một lý do khác là virus SARS-CoV-2 có thể phát triển mạnh trong điều kiện lạnh hơn , có nghĩa là nó có thể không lây lan nhanh ở Ấn Độ, nơi nhiệt độ thường cao hơn 30 độ C.

Theo ông Prakhakar, cúm phát triển mạnh trong điều kiện lạnh và khô, nhưng chưa biết liệu virus SARS-CoV-2 có giống như vậy hay không. Nếu sự lây lan của virus SARS-CoV-2 không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, đó có thể là một vấn đề lớn đối với Ấn Độ. "Trừ khi virus biến mất vì sức nóng ... Tôi không thể tưởng tượng được những gì có thể xảy ra ở Ấn Độ", ông Prakhakar nói.

Nguy cơ xuất hiện ổ dịch

Mặc dù vẫn chưa rõ lý do tại sao Ấn Độ có số ca nhiễm COVID-19 thấp, song với các quốc gia khác, việc kiểm soát một ổ dịch là điều vô cùng khó.

Ngày càng nhiều chính phủ đang khuyến khích người dân tự cách ly và rửa tay để kiểm soát sự lây lan của virus. Nhưng ở các vùng của Ấn Độ, ngay cả những biện pháp cơ bản đó cũng sẽ vô cùng khó khăn.

Năm 2011, một báo cáo của chính phủ Ấn Độ ước tính rằng 29,4% dân số đô thị của đất nước này sống trong các khu ổ chuột. Nhiều nhà tại đây không có phòng tắm hoặc nước máy, điều này gây khó khăn cho việc rửa tay thường xuyên.

Các khu ổ chuột tại Ấn Độ là nơi có nguy cơ xuất hiện ổ dịch. (Ảnh: CNN)

Ngoài ra, biện pháp giữ khoảng cách cần thiết theo lệnh của Thủ tướng Modi cũng khó thực hiện. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới , có tới 455 người trên mỗi 1 km vuông, nhiều hơn đáng kể so với mức trung bình của thế giới là 60 người, và cao hơn nhiều so với con số 148 của Trung Quốc .

"Giữ khoảng cách cần thiết ở một đất nước như Ấn Độ là vô cùng khó," ông Prakhakar nói. "Chúng tôi có thể có thể làm điều đó ở khu vực thành thị, nhưng trong các khu ổ chuột và khu vực đô thị phát triển, đó là điều không thể. Việc tuyên truyền tránh hắt xì, tiếp xúc nơi đông người tại một quốc gia tỷ dân cũng là điều vô cùng khó khăn”.

Thử thách đặt ra

Lệnh quyết định phong tỏa toàn quốc luôn kèm theo một tác động kinh tế lớn. Tại Ấn Độ, việc lệnh cho mọi người ở nhà khiến hàng triệu người có nguy cơ thất nghiệp.

Theo thống kê gần đây nhất, có khoảng 400 triệu người trên thị trường lao động Ấn Độ. Trong số đó, hơn một nửa là lao động tự chủ và 121 triệu lao động phổ thông, tức là những người làm các công việc không thường xuyên và chỉ được trả lương cho những ngày họ làm việc.

Bộ Lao động và Việc làm Ấn Độ đã ra thông báo cho các doanh nghiệp yêu cầu không sa thải nhân viên hoặc cắt giảm lương.

Thử thách đặt ra đối với Ấn Độ trong 21 ngày phong tỏa toàn quốc sắp tới là vô cùng lớn. (Ảnh: CNN)

Thủ tướng Modi đã bày tỏ mối quan tâm của mình đối với hàng triệu công nhân dựa vào mức lương hàng ngày và kêu gọi các nguồn sử dụng lao động hỗ trợ tối đa cho nhân viên của họ vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Thế nhưng, nhưng ngay cả khi chính quyền có thể triển khai trợ giúp tài chính cho những người làm công ăn lương hàng ngày, thì không phải tất cả đều được hỗ trợ, bởi nhiều người không có thẻ căn cước công dân, loại thẻ

Theo ước tính của chính phủ, có khoảng 102 triệu người - bao gồm 75 triệu trẻ em - không có thẻ căn cước đa mục đích Aadhaar, được sử dụng cho các dịch vụ xã hội và phúc lợi quan trọng bao gồm trợ cấp thực phẩm, điện và gas.

Điều khó khăn hơn tất cả các vấn đề kể trên, đó là Ấn Độ có một hệ thống y tế quá tải và thiếu sự chuẩn bị, theo CNN. "Tại Ấn Độ, ngành y tế công cộng rất thiếu thốn, thiếu nguồn cung cấp y tế và các nhân viên y tế có trình độ”, ông Prakhakar nói.

Theo giáo sư Abraham, chỉ có khoảng 50 đến 60 chuyên gia ở Ấn Độ được đào tạo bài bản để xử lý các bệnh truyền nhiễm.

Ngân hàng Thế giới cho biết, Ấn Độ dành khoảng 3,66% GDP cho y tế, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10% của thế giới.

Trong một cuộc họp báo hôm 23/3, Lav Agarwal, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình, cho biết chính phủ đang làm việc với tất cả các bang của Ấn Độ để tăng cường năng lực của các cơ sở y tế.

Cao Trung (Theo CNN)
.
.
.