Ấn Độ "sạch" hơn nhờ lệnh phong toả toàn quốc

Thứ Tư, 01/04/2020, 15:10
Lệnh phong toả toàn quốc được quốc gia 1,34 tỷ dân này áp dụng từ ngày 25/3 để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 giờ đã mang tới một biện pháp khắc phục tạm thời cho một vấn đề sức khoẻ cấp bách khác: giảm ô nhiễm không khí.

Kể từ khi có lệnh phong toả toàn quốc, tất cả các nhà máy, chợ, cửa hàng và nơi thờ cúng tại Ấn Độ hiện đang đóng cửa, hầu hết các phương tiện giao thông công cộng bị cấm và công việc xây dựng bị tạm dừng bởi người dân Ấn Độ được yêu cầu ở nhà và thực hiện “cách ly toàn xã hội”.

Khói mù ô nhiễm tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh chụp hồi đầu năm 2019 - Reuters)

Đến nay, Ấn Độ đã có hơn 1.300 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19, trong đó có 35 trường hợp tử vong.

Dữ liệu cho thấy các thành phố lớn tại Ấn Độ đang ghi nhận mức độ thấp hơn của chỉ số hạt bụi mịn PM2.5 và khí NO2 được thải ra từ các phương tiện giao thông và nhà máy điện.

Bụi mịn PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào cơ thể người do có kích thước siêu nhỏ và ảnh hưởng sức khỏe nhiều người hơn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào khác, ngay cả ở nồng độ thấp.

Dữ liệu cho thấy lượng khí thải NO2 tại các thành phố lớn ở Ấn Độ giảm đáng kể trong khoảng thời gian từ ngày 20-27/3/2020. (Ảnh: CNN)

Theo báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2019 của IQAir AirVisual, sự sụt giảm đột ngột các chất ô nhiễm và “bầu trời xanh trở lại” báo hiệu một sự thay đổi mạnh mẽ đối với Ấn Độ, nơi có tới 21 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Dữ liệu chính phủ cho thấy, nồng độ trung bình của PM2.5 tại thủ đô New Delhi đã giảm 71% từ 91 xuống 26,4 microgram/m3 trong vòng một tuần từ ngày 20 đến ngày 27/3, sau khi lệnh phong toả được triển khai. Ngưỡng quy chuẩn an toàn về chỉ số PM2.5 được Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra là dưới 25 microgram/m3.

Dữ liệu từ Ủy ban kiểm soát ô nhiễm trung ương (CPCB thuộc Bộ Môi trường Ấn Độ cho biết, lượng khí NO2 tại New Delhi đã giảm từ 52 xuống 15 microgram/m3 trong tuần từ 20 đến 27/3. Mumbai, Chennai, Kolkata và Bangalore cũng đã ghi nhận sự sụt giảm nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí tương tự.

Biển báo điện tử yêu cầu mọi người hạn chế ra đường ở Ấn Độ. (Nguồn: news.abplive.com)

Ngay cả trước khi lệnh phong toả toàn quốc có hiệu lực, việc tạm ngưng các hoạt động theo giai đoạn ở Ấn Độ đã có tác động nhất định.

Trong ba tuần đầu tiên của tháng 3, nồng độ NO2 trung bình đã giảm 40-50% tại các thành phố Mumbai, Pune và Ahmedabad so với cùng kỳ năm 2018 và 2019, Gufran Beig, nhà khoa học thuộc Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ cho biết.

"Lượng khí thải nhiên liệu giảm do (ngành) vận tải và các hoạt động liên quan đến khí thải khác bị ngưng lại, dẫn đến giảm các chất ô nhiễm không khí", Beig nói.

“Tuy nhận được những tín hiệu tích cực từ việc giảm ô nhiễm không khí, nhưng chúng ta cũng không có lý do để ăn mừng”, Sunil Dahia. – nhà phân tích tại New York nói. "Đây là một tình huống thực sự nghiêm trọng mà cả thế giới đang vật lộn để chống chọi lại”.

"Ô nhiễm đang giảm, nhưng chúng ta không thể để sự đau khổ của rất nhiều người là cách để làm sạch không khí", Dahia cho hay. "Chúng ta chỉ có thể lấy sự bùng phát của COVID-19 như một bài học kinh nghiệm”.

Ấn Độ là quốc gia chật vật với vấn đề ô nhiễm không khí trong nhiều năm qua. Tháng 11/2019, hàng trăm người dân ở Thủ đô New Delhi đã xuống đường biểu tình sau khi nơi này bị “tấn công” bởi lớp khói mù dày đặc độc hại ở mức tồi tệ nhất, mật độ bụi mịn PM2.5 đo được lúc đó là gần 900 microgram/m3.

Cao Trung (Theo CNN)
.
.
.