100 nghìn người biểu tình đòi Tổng thống Sudan từ chức

Chủ Nhật, 07/04/2019, 10:35
Hàng ngàn người biểu tình Sudan đã đụng độ với lực lượng an ninh bên ngoài nơi cư trú của Tổng thống Omar al-Bashir, trung tâm Khartoum hôm 6-4 trong cuộc biểu tình quy mô lớn nhất trong nhiều tháng biểu tình chống lại sự nắm quyền hơn 30 năm của ông.
Người biểu tình đụng độ lực lượng an ninh. Ảnh Reuters. 

Theo hãng thông tấn nhà nước Sudan SUNA, tại thành phố Omdurman (thành phố sinh đôi của Khartoum), cũng đã có nhiều cuộc biểu tình trong suốt đêm 6-4, khiến một dân thường thiệt mạng, nhiều thường dân và cảnh sát cũng bị thương. Nạn nhân thiệt mạng trong vụ này là một bác sĩ phòng thí nghiệm.

Reuters đưa tin cho hay các nhân viên y tế của Sudan đã hoạt động “hết công suất” trong các cuộc biểu tình kéo dài suốt hơn 3 tháng qua khiến hàng chục người chết.

Lực lượng an ninh Sudan đã phải bắn hơi cay vào đám đông người biểu tình ở Omdurman và vào nhiều người biểu tình ném đá gần nơi cư trú của Tổng thống Bashir. Nhiều người trong số đó đã hưởng ứng lời kêu gọi của những nhà hoạt động đang cố gắng tăng áp lực buộc ông Bashir từ chức.

Những người biểu tình dương cao lá cờ của Sudan và những biểu ngữ đòi “tự do, hòa bình và công lý” bên ngoài khu vực có nhà của Tổng thống, được canh gác bảo vệ cẩn thận, cũng là nơi đặt trụ sở Bộ Quốc phòng, chỉ huy quân đội và trụ sở an ninh.

Đến tối 6-4, khi lực lượng an ninh rút lui, hàng ngàn người vẫn tập trung ở bên ngoài khu nhà này. Họ nhảy múa và ca hát. Một số người cho biết họ sẽ ở lại cho đến khi ông Bashir từ chức, theo Reuters.

Bộ trưởng Thông tin Sudan kiêm người phát ngôn chính phủ, Hassan Ismail, đã dành lời ca ngợi cho lực lượng an ninh vì cách xử lý các cuộc biểu tình, cho biết chính phủ vẫn cam kết đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Ông Bashir từng từ chối việc từ chức, nhấn mạnh rằng phe đối lập của ông cần tìm kiếm quyền lực thông qua bỏ phiếu.

Đám đông người biểu tình tại Khartoum được cho là lên đến 100.000 người.

Theo Reuters, các nhà hoạt động tại Sudan đã “lấy cảm hứng” từ sự thành công của các cuộc biểu tình tương tự nhưng với quy mô lớn ở Algeria thúc ép Tổng thống Abdelaziz Bouteflika phải từ chức. những người biểu tình cho biết họ muốn truyền tải thông điệp đến với lực lượng vũ trang nước này rằng hãy sát cánh bên họ để thúc ép ông Bashir từ chức.

Các nhà hoạt động ở Sudan cho biết lực lượng vũ trang nước này từng có thời kỳ ủng hộ những cuộc biểu tình chống lại các nhà cai trị chuyên quyền, bao gồm cả việc chống lại Tổng thống Nimeiri 34 năm trước.

Sự sụp đổ của chính quyền Nimeiri đã mở ra con đường cho các cuộc bầu cử quốc gia và một chính phủ dân sự mà Bashir đã lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự hồi năm 1989. Ông Bashir sau đó được bầu làm tổng thống trong các cuộc bỏ phiếu bị cho là thiếu cả công bằng lẫn tự do.

Làn sóng phản đối ông Bashir nổi lên từ này 19-12-2018, được châm ngòi bởi việc tăng giá cả cũng như thiếu tiền mặt, vốn là thách thức bấy lâu trong thời kỳ “cai trị” lâu dài của ông này.

Tháng 2-2019, ông Bashir tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại đất nước 40 triệu dân này, sa thải nhiều quan chức chính phủ và thống đốc các bang.

Ông này từng bị các công tố viên quốc tế truy nã với cáo buộc tội các chiến tranh liên quan đến việc dập tắt một cuộc nổi dậy vũ trang ở khu vực Darfur miền Tây nước này năm 2003. Sudan phủ nhận cáo buộc về tội ác chiến tranh này.

Duy Tiến
.
.
.